Thứ 6, 03/01/2025 | English | Vietnamese
09:45:00 AM GMT+7Thứ 5, 07/11/2024
Để thúc đẩy sản xuất công nghiệp cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất nhằm hình thành các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp trong thời gian sớm.
Năng lực tự chủ của ngành công nghiệp chưa cao
Thời gian qua, ngành công nghiệp của Việt Nam mới phát triển về chiều rộng mà chưa phát triển về chiều sâu. Mặc dù đã được cải thiện nhiều, tuy nhiên nội lực của các ngành sản xuất trong nước vẫn còn yếu. Những điểm nghẽn lớn của công nghiệp trong thời gian qua vẫn chưa được khắc phục một cách hiệu quả. Nền sản xuất vẫn phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là phụ thuộc vào khu vực FDI. Giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp trong nước còn thấp. Công nghiệp hỗ trợ dù được quan tâm song vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp nội địa có hàm lượng công nghệ cao.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), do năng lực tự chủ của ngành công nghiệp còn chưa cao, Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp lớn. Đặc biệt, các ngành công nghiệp chủ đạo như dệt may, da giày, điện tử nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu và phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc… và đóng vai trò chủ yếu chỉ là nơi gia công cho xuất khẩu trong chuỗi giá trị toàn cầu với tỷ suất lợi nhuận rất thấp, chỉ khoảng 5-10%, đồng thời phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là chính.
Thời gian qua, ngành công nghiệp của Việt Nam mới phát triển về chiều rộng mà chưa phát triển về chiều sâu. Ảnh: TL
Đơn cử như ngành công nghiệp ôtô Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ôtô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi. Sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước vẫn chưa đạt tiêu chí của ngành sản xuất ôtô thực sự, chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.
Bên cạnh đó, một số nhóm hàng chính của Việt Nam, trong đó, nhiều nhóm hàng thuộc ngành công nghiệp như công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản - luyện kim, công nghiệp hỗ trợ… đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt khi đối mặt với vấn đề tranh chấp thương mại và gian lận xuất xứ. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đã có chuyển biến lớn về tăng trưởng, nhưng cơ cấu giá trị xuất khẩu chủ yếu vẫn đến từ doanh nghiệp FDI.
Trong bối cảnh trong và ngoài nước đặt ra nhiều thách thức các ngành sản xuất trong nước, trong đó tình hình thế giới và khu vực vẫn có những diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, cạnh tranh trong nước ngày càng gia tăng và sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, cộng với rủi ro chuỗi cung ứng chuỗi sản xuất toàn cầu. Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI, chưa kể một số mặt hàng xuất khẩu sang EU, Mỹ tiếp tục phải đối mặt với áp lực điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật.
Phát triển trung tâm hỗ công nghiệp - hướng tới mục tiêu tạo giá trị gia tăng
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế. Cùng với tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tuy đã có những bước tiến nhất định, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ để phát triển.
Theo Cục Công nghiệp, xây dựng các Trung tâm Kỹ thuật nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp công nghiệp nói riêng và doanh nghiệp CNHT nói chung (theo mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan) để nâng cao năng lực về kỹ thuật, quản trị cho doanh nghiệp nội địa, đáp ứng các yêu cầu của các Tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn.
Nêu thêm giải pháp đối với ngành ô tô, TS. Lê Huy Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho hay, để ứng phó với làn sóng đổ bộ ô tô ngoại, Chính phủ cần xây dựng và phát triển công nghiệp hỗ trợ cung cấp linh kiện, phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp xe điện, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới khác,...
Việt Nam có thể hình thành một số trung tâm, cụm liên kết công nghiệp ô tô tập trung trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, đẩy mạnh hợp tác - liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các cơ sở nghiên cứu - triển khai và các cơ sở đào tạo thuộc mọi thành phần kinh tế để nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hóa.
Cùng với đó, nghiên cứu, xây dựng trung tâm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo ô tô tại 3 miền Bắc, Trung và Nam (Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh).
Hay như việc đề xuất thành lập Trung tâm Giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang Việt Nam, theo đó việc xây dựng trung tâm này phù hợp với định hướng phát triển nguồn cung nguyên, phụ liệu ngành dệt may, da giày tại Quyết định số 1643 ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2035 và Nghị quyết số 115 ngày 6/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Ngoài ra, việc thành lập trung tâm là cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động chuyển theo hình thức xuất khẩu cao hơn thay vì gia công chủ yếu, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trong nước phát triển, dễ rà soát nguồn gốc, phục vụ ngành thời trang trong nước trước khi vươn ra thế giới…
Bên cạnh đó, các Trung tâm hỗ công nghiệp hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển nhằm tạo sự bứt phá về hạ tầng công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ; đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học, công nghệ; tăng cường cơ chế hợp tác công tư trong việc triển khai các dự án đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển.
Việc triển khai xây dựng và vận hành hiệu quả các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp cấp vùng tạo các vùng kinh tế trọng điểm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, cải thiện kỹ thuật sản xuất và kết nối giao thương. Quan trọng hơn là hướng tới mục tiêu tạo giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp.
Cục Công nghiệp đang tập trung hoàn thiện chính sách liên quan đến công nghiệp cũng như phối hợp với các địa phương thu hút nguồn vốn đầu tư FDI và xúc tiến kết nối phát triển công nghiệp, Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp sẽ thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ xây dựng, công bố, khai thác và cập nhật cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và hệ thống doanh nghiệp công nghiệp tại Việt Nam.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global