Thứ 7, 19/04/2025 | English | Vietnamese
11:50:00 AM GMT+7Thứ 5, 17/04/2025
Giám đốc quốc gia ADB khuyến nghị cần có quy định pháp lý chắc chắn và cơ chế phân bổ rủi ro chặt chẽ để thu hút thêm vốn FDI vào lĩnh vực hạ tầng.
Trao đổi với Nhadautu.vn và báo chí, ông Shantanu Chakraborty – Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định khu vực tư nhân là tương lai của Việt Nam, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị để tạo bệ đỡ cho khu vực này "cất cánh".
Ông có đánh giá gì về mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên của Chính phủ và Việt Nam cần làm gì để duy trì đà tăng trưởng vào năm 2025 và sau đó?
Ông Shantanu Chakraborty: Theo tôi hiểu 8% là một con số mang tính định hướng. Lãnh đạo Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% đặt ra cho năm 2025 và hai con số trong giai đoạn 2026-2030 đều nhằm đảm bảo rằng Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam do ADB đưa ra thấp hơn một chút (dự báo tăng trưởng 6,6% trong năm 2025) vì chúng tôi có các giả định khác với Chính phủ Việt Nam.
Chính phủ đang giữ thế chủ động trong việc thực hiện các giải pháp để đảm bảo con số tăng trưởng này. Hệ thống chính trị đã bắt đầu thực hiện cải cách thể chế quan trọng từ cuối năm 2024 và tiếp tục trong năm nay. Theo đó, rất nhiều rào cản hành chính và pháp lý từng cản trở nhiều hành động của chính phủ đang được xử lý dưới sự lãnh đạo rất quyết liệt của lãnh đạo cấp cao như Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Điều này còn phụ thuộc nhiều vào việc mức độ nhanh chóng, hiệu quả và hiệu suất của những cải cách thể chế. Việc sáp nhập nhiều bộ, ngành, địa phương sẽ mang lại hiệu quả.
Rất nhiều rào cản hành chính và pháp lý từng cản trở nhiều hành động của chính phủ đang được xử lý dưới sự lãnh đạo rất quyết liệt của lãnh đạo cấp cao.
Tất cả những điều này giúp tăng cường đầu tư công. Đây là một lĩnh vực mà từ trước đến nay kết quả thường không đạt mục tiêu. Năm 2024, chỉ có khoảng 85% trong số 27 tỷ USD vốn đầu tư công được giải ngân. Năm nay, mục tiêu đã được đặt ra là 36 tỷ USD. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo rằng vốn đầu tư công được giải ngân đầy đủ, qua đó thúc đẩy các ngành liên quan và nhu cầu tiêu dùng, và cuối cùng là đóng góp vào tăng trưởng GDP.
Vì vậy, nếu các cải cách và các giải pháp đề ra để đơn giản hóa các quy trình nhằm đẩy nhanh đầu tư công được thực hiện tốt, thì mục tiêu tăng trưởng 8% của Chính phủ là khả quan.
Chính sách thuế quan của Mỹ có thể tạo ra áp lực cho cho tỷ giá hối đoái. Ông đánh giá thế nào về áp lực tỷ giá đối với Việt Nam và có khuyến nghị gì cho việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam để kiểm soát lạm phát và tỷ giá hối đoái?
Ông Shantanu Chakraborty: Tôi nghĩ vẫn còn quá sớm để đánh giá mức độ biến động ngắn hạn. Thị trường luôn phản ứng với tin tức ngắn hạn và tin tức về thuế quan đã tạo rao biến động ngắn hạn trên thị trường ngoại hối, điều này là bình thường. Tôi cho rằng đồng Việt Nam vẫn biến động theo xu hướng thị trường đó.
Các giải pháp cần phải mang tính cấu trúc hơn nữa. Trong đó cần giảm bớt rủi ro từ việc giảm dòng chảy thương mại và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bằng cách xem xét các nguồn ngoại hối khác.
Theo quan sát của tôi, FDI vào Việt Nam cho đến nay chủ yếu là trong ngành sản xuất và bất động sản mà ít vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Trong bối cảnh Việt Nam dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, nên có nhu cầu cấp thiết đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng bền vững, trong khi vốn FDI cho lĩnh vực này còn khiêm tốn.
Tỷ giá hiện nay vẫn vững vì có dòng vốn FDI và thương mại tốt, bên cạnh các yếu tố khác nữa. Do đó, cần phải đa dạng hóa việc thu hút FDI vào các lĩnh vực khác, từ đó có thêm nguồn cung ngoại tệ.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã rất thận trọng và hiệu quả trong việc đảm bảo chính sách tiền tệ thích ứng và có tính hỗ trợ. Do lãi suất đang ở mức tương đối thấp, nên NHNN vẫn còn dư địa để điều chỉnh chính sách tiền tệ, ổn định thị trường ngoại hối, mặc dù dư địa đó đang thu hẹp lại do lạm phát tăng nhẹ.
Theo quan sát của chúng tôi, NHNN vẫn còn các công cụ tiền tệ để có thể ổn định thị trường ngoại hối.
Như ông nói, không có nhiều vốn FDI vào cơ sở hạ tầng ở Việt Nam. Vậy ông có khuyến nghị gì cho Việt Nam để tăng FDI vào lĩnh vực này?
Ông Shantanu Chakraborty: Tôi cho rằng cần tập trung vào cải cách các quy định, làm sao có một khuôn khổ đối tác công tư (PPP) mạnh mẽ, bởi FDI vào cơ sở hạ tầng chủ yếu thông qua phương thức PPP. Đó là một lĩnh vực mà chúng tôi thấy có nhiều dự địa để cải thiện.
Cần có một chế độ quản trị minh bạch, quy định pháp lý chắc chắn và cơ chế phân bổ rủi ro chặt chẽ được ghi trong hợp đồng mà khu vực tư nhân và các đối tác Chính phủ ký kết.
Việt Nam cần sắp xếp lại các quy định liên quan đến chính sách PPP, bao gồm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thu phí đường bộ, sân bay, và các lĩnh vực hạ tầng cốt lõi.
Trong các lĩnh vực phi cơ sở hạ tầng khác, như nông nghiệp, du lịch, phương thức PPP cũng cần được xác định rõ ràng liên quan đến các thỏa thuận trong hợp đồng, phân bổ rủi ro cho các bên như chính phủ, nhà đầu tư tư nhân, ngân hàng.
Trong thời gian tới, còn nhiều việc phải làm để đảm bảo phân bổ rủi ro hợp lý cho một dự án cụ thể trong lĩnh vực này, rồi đấu thầu dự án trong khu vực tư nhân, cả trong nước và quốc tế.
Cần có một chế độ quản trị minh bạch, quy định pháp lý chắc chắn và cơ chế phân bổ rủi ro chặt chẽ được ghi trong hợp đồng mà khu vực tư nhân và các đối tác chính phủ ký kết. Điều đó giúp khu vực tư nhân cảm thấy yên tâm với những rủi ro mà họ có thể gặp.
Các dự án hạ tầng như năng lượng và đường bộ cần nhiều thời gian để triển khai và thu hồi vốn. Vì vậy, cần có cam kết dài hơi, lên đến 15-20 năm để nhà đầu tư tư nhân rót vốn vào Việt Nam. Họ cần sự chắc chắn và đảm bảo về mặt quản lý rằng sẽ không có gì thay đổi trong 15 đến 20 năm tới và họ cần được đảm bảo về dòng tiền mà họ đã được cam kết ngay từ đầu.
Chính phủ Việt Nam đã đạt được tiến bộ to lớn, nhưng tôi nghĩ rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để môi trường PPP hấp dẫn khu vực tư nhân.
Chính phủ đang quyết liệt thúc đẩy khu vực tư nhân trong tăng phát triển. ADB có khuyến nghị gì, thưa ông?
Ông Shantanu Chakraborty: Khu vực tư nhân chính là tương lai của Việt Nam. Trong tương lai không xa, dự báo khu vực tư nhân có thể đóng góp lên đến 70% GDP.
Để thúc đẩy khu vực tư nhân, chúng ta cần cải thiện sự thuận tiện trong kinh doanh. Cần có các giải pháp để giảm chi phí kinh doanh, đảm bảo tiếp cận tín dụng, nguồn vốn dài hạn. Năm 2024, tăng trưởng tín dụng ở mức khác cao là hơn 14%, nên một trong những giải pháp lâu dài là phát triển hơn nữa thị trường vốn còn non trẻ ở Việt Nam.
Khu vực tư nhân cần vốn từ ngân hàng hoặc từ thị trường vốn trong khi ngân hàng có năng lực giới hạn. Nhiều ngân hàng đã chạm giới hạn cho vay trong lĩnh vực năng lượng nên không thể cho vay thêm nữa. Vì vậy, phát triển thị trường vốn là rất quan trọng, bao gồm phát triển thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu.
Bên cạnh đó, cần giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai, trong đó có thu hồi đất; đẩy nhanh quá trình phát triển các khu chế xuất và khu công nghiệp; đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng và logistics đạt đẳng cấp thế giới, để việc vận chuyển hàng hóa và dịch vụ trở nên dễ dàng hơn... từ đó nâng cao sự thuận lợi trong kinh doanh.
Một yếu tố không kém phần quan trọng là tăng tính minh bạch, khả năng quản trị ở các cấp trong bộ máy chính trị, để đảm bảo sự chắc chắn về mặt quy định khi nhà đầu tư tư nhân quyết định đầu tư vào đây.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp để thúc đẩy các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vì hiện rất nhiều hoạt động kinh tế của Việt Nam đến từ khu vực doanh nghiệp này. Trong đó cần tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho họ, mở rộng không gian cho họ phát triển thông qua đổi mới sáng tạo.
Đó là một số lĩnh vực mà Chính phủ cần phải tập trung để đảm bảo lợi ích liên tục của khu vực tư nhân, bởi khu vực này chắc chắn sẽ vẫn là một phần rất quan trọng của nền kinh tế trong tương lai.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
03:48:00 PM GMT+7Thứ 6, 18/04/2025
03:46:00 PM GMT+7Thứ 6, 18/04/2025
03:44:00 PM GMT+7Thứ 6, 18/04/2025
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global