Thứ 4, 15/01/2025 | English | Vietnamese
03:12:00 PM GMT+7Thứ 4, 15/01/2025
Sau 25 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng. Điều này được thể hiện qua tổng vốn hóa riêng sàn HoSE tính đến cuối năm 2024 đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 14,3% so với kết thúc năm 2023. Nhiều mã cổ phiếu chất lượng với vốn hóa chục tỷ USD niêm yết trên thị trường như Vietcombank (hơn 19,95 tỷ USD), BIDV (gần 10,14 tỷ USD)...
Sau 25 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng. Điều này được thể hiện qua tổng vốn hóa riêng sàn HoSE tính đến cuối năm 2024 đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 14,3% so với kết thúc năm 2023. Nhiều mã cổ phiếu chất lượng với vốn hóa chục tỷ USD niêm yết trên thị trường như Vietcombank (hơn 19,95 tỷ USD), BIDV (gần 10,14 tỷ USD)...
Đặc biệt, chứng khoán đang ngày càng nhận được sự quan tâm của người dân trong nước. Từ cụm từ còn xa lạ, chứng khoán đã trở nên quen thuộc và trở thành chủ đề thường thức trong mọi cuộc nói chuyện, ở nhiều tầng lớp lao động trong xã hội…
Minh chứng cho điều đó, số liệu thống kê từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho biết tổng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán tại thị trường Việt Nam đến cuối năm 2024 đạt 9,29 triệu đơn vị, tương đương xấp xỉ 9,2% tổng dân số cả nước.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2024, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của cá nhân trong nước đạt 9,232 triệu đơn vị, cao hơn 140.559 tài khoản so với thời điểm cuối tháng 11, và chiếm đến hơn 99% tổng số tài khoản trong nước.
Trước đó trong các năm 2021 và 2022 đều ghi nhận lượng tài khoản chứng khoán mở mới đạt mức tăng trưởng 2 con số, cao nhất trong giai đoạn 2016 – 2024.
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam phân tích:"Với việc dòng tiền F0 liên tục gia nhập thị trường, thị trường không có thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư tổ chức mới, dẫn đến việc tỷ trọng nhà đầu tư (NĐT) cá nhân ngày càng tăng. Thị trường chứng khoán Việt Nam có lượng NĐT cá nhân chiếm đến 99% tổng tài khoản cả nước. Giá trị giao dịch nhóm này cũng chiếm hơn 80% tổng giao dịch toàn thị trường”.
Tỷ trọng giao dịch của NĐT cá nhân Việt Nam cao hơn hẳn so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Đài Loan, Malaysia và Indonesia.
Ngân hàng Thế giới (WB) từng nhận định TTCK Việt Nam thiếu sự đa dạng về cơ cấu NĐT. Lượng NĐT cá nhân chiếm tỷ lệ lớn dễ gây tác động tiêu cực tới thị trường, do NĐT cá nhân thường đầu tư theo cảm tính, có tâm lý chạy theo đám đông, không có đủ kiến thức chuyên sâu về cổ phiếu, thị trường.
Mặt khác, dòng tiền từ các NĐT cá nhân thường có xu hướng chảy vào thị trường để kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Thậm chí, nhiều NĐT sẵn sàng dùng đòn bẩy cho vay ký quỹ (margin) từ công ty chứng khoán, hoặc vay "kho" với tỷ lệ cho vay rất cao để kiếm lợi nhanh.
Chưa kể, với một thị trường mang nặng tính đầu cơ, doanh nghiệp niêm yết (DNNY) khó có thể huy động vốn thành công qua TTCK. Theo số liệu của Fiin Group, các DNNY năm 2024 huy động khoảng 75 nghìn tỷ qua TTCK, tương đương quy mô của năm 2023 và vẫn thấp hơn so với giai đoạn 2021-2022.
"Để huy động vốn qua TTCK thành công, DNNY thường mong muốn có các cổ đông trung thành, gắn bó lâu dài và NĐT chuyên nghiệp. Tâm lý ngắn hạn của đa số NĐT cá nhân khiến họ e dè hơn trong các kế hoạch tăng vốn. Điều này khiến TTCK khó phát huy vai trò huy động vốn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp tiềm năng cũng sẽ không muốn lên sàn chứng khoán", ông Minh nói.
Trong bối cảnh NĐT cá nhân Việt Nam trên TTCK chủ yếu là “tay mơ” và chưa hiểu sâu về thị trường, giới chuyên gia nhìn nhận các NĐT tổ chức (đặc biệt quỹ đầu tư nước ngoài) đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững của thị trường.
Dù vậy, tính đầu cơ của TTCK như đã phân tích là trở ngại cho việc tiếp cận của các quỹ đầu tư, tổ chức. Những đơn vị này thường có quy tắc đầu tư khắt khe và thường ưu tiên nhóm thị trường mới nổi hơn là thị trường cận biên.
Giới chuyên gia kỳ vọng TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ là chất xúc tác giúp giảm bớt các yếu tố đầu cơ, tiếp cận quỹ có quy mô lớn hơn, dễ dàng cho sự dịch chuyển dòng vốn ngoại.
Ngoài ra, vốn hóa trên TTCK Việt Nam đang tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng và bất động sản khi tỷ trọng của 2 nhóm này lên đến hơn 52%. Thị trường thiếu nhiều doanh nghiệp trong các nhóm công nghệ, logistics, thực phẩm. Việc hàng hóa ít cũng khiến các NĐTNN không mặn mà với TTCK Việt Nam.
World Bank nhìn nhận thị trường thiếu sự đa dạng về nhà đầu tư, do sự chi phối của các NĐT cá nhân chiếm phần lớn các giao dịch. Trong đó, NĐT cá nhân thường có hành vi “đám đông” với tầm nhìn ngắn hạn. Do đó, World Bank kỳ vọng TTCK sẽ có thêm các nhà đầu tư tổ chức, từ đó giúp ổn định giá cổ phiếu.
Quan trọng hơn, giới chuyên gia nhấn mạnh cần chú trọng công tác truyên truyền, nâng cao năng lực cho nhà đầu tư cá nhân. Đây cũng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán trong năm 2025.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán VPS nhìn nhận việc tìm hiểu về khách hàng, và giúp họ có các trải nghiệm là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính.
“Mức độ hiểu biết, trình độ, sự nhận thức giữa các nhóm khách hàng là khác nhau. Do vậy, cần có phương pháp, và các chủ đề đào tạo từ đơn giản đến nâng cao giúp số đông nhà đầu tư hiểu rõ tài chính, chứng khoán. Đây là nhiệm vụ liên tục, thường xuyên và mở rộng quy mô lớn không chỉ ở các thành phố lớn mà còn cả các vùng, khu vực, tỉnh xa trên cả phương diện trực tiếp và trực tuyến”, ông nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh đánh giá việc đào tạo nhà đầu tư cá nhân cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, có sự phối hợp từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các công ty chứng khoán (CTCK). Ngoài ra, bản thân CTCK cũng cần đảm bảo chất lượng của các môi giới, tư vấn chứng khoán.
Tạp chí Nhà đầu tư triển khai dự án Nâng cao kiến thức nhà đầu tư
Nhằm góp phần thúc đẩy phát triển TTCK, thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tạp chí Nhà đầu tư triển khai dự án "Nâng cao kiến thức nhà đầu tư".
Dự án bao gồm các hội thảo/ tọa đàm được Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức dưới sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, tập trung làm rõ thực trạng và đề xuất các giải pháp tháo gỡ nhằm nâng cao năng lực tài chính cho người dân, cải thiện chất lượng và cơ cấu nhà đầu tư trong nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng.
Cùng với đó là chuyên mục Đầu tư thông minh trên ấn phẩm điện tử Nhadautu.vn, nhằm đăng tải các bài viết của chuyên gia, cơ quan quản lý Nhà nước, các thành viên thị trường phổ cập kiến thức đầu tư, nâng cao chất lượng, đa dạng cơ sở nhà đầu tư trên TTCK; xây dựng các bài viết nhà đầu tư hỏi, chuyên gia trả lời nhằm gia tăng tương tác cộng đồng.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global