Thứ 5, 31/10/2024 | English | Vietnamese
01:07:00 PM GMT+7Thứ 3, 29/10/2024
Để khắc phục "điểm nghẽn" thể chế, cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật không còn phù hợp, đồng thời xây dựng các luật mới để điều chỉnh kinh tế tuần hoàn, kinh tế số...
Ngày 21/10/2024 trong bài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định: “Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn". Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân; tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu”.
Vấn đề nổi lên hiện nay là làm thế nào để các luật, chính sách mới có thể được đưa nhanh vào đời sống kinh tế - xã hội, được thực thi nghiêm chỉnh trong các cấp, các ngành, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội theo kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, doanh nghiệp số, xã hội số, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kinh, góp phần cùng các nước ứng phó có hiệu quả tình trạng gia tăng nhiệt độ trái đất với mục tiêu đến năm 2050 không tăng quá 1,5 độ C.
Để khắc phục "điểm nghẽn" thể chế, cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật không còn phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay của nước ta, đồng thời xây dựng các luật mới để điều chỉnh kinh tế tuần hoàn, kinh tế số..., nhất là công nghiệp bán dẫn, công nghệ tương lai như AI, Blockchain, Fintech. Tạo môi trường pháp lý thông thoáng, công khai, minh bạch, ổn định, được thực thi nghiêm chỉnh, thống nhất trên cả nước để người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh và đầu tư theo định hướng của Nhà nước trong từng giai đoạn phát triển.
Quá trình xây dựng luật pháp hiện nay chủ yếu do các Bộ, ngành soạn thảo, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua, nên dư luận đã đề cập đến biểu hiện lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật.
Các bộ quan tâm đến việc gắn với chức năng, nhiệm vụ của mình, khi trình Chính phủ thì các thành viên là Bộ trưởng bộ khác ít có thời gian và điều kiện góp ý dự thảo.
Mỗi kỳ họp, Quốc hội thảo luận và thông qua nhiều luật, trong khi đại biểu Quốc hội không phải ai cũng có kiến thức chuyên ngành, nên có khi chỉ bàn thảo câu chữ, chủ yếu dựa vào tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của uỷ ban chuyên trách. Khi Quốc hội thông qua, trở thành luật phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn, nên tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật, giữa luật với nghị định và thông tư khá phổ biến.
Vấn đề bao trùm là cải cách phương thức xây dựng thể chế, luật pháp như Tổng bí thư Tô Lâm nhận định: "Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và Chính phủ".
Kiến nghị:
Một là, tăng cường vai trò của các uỷ ban của Quốc hội, từ việc kiến nghị với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chương trình xây dựng luật, khi đã được chấp thuận thì lập kế hoạch xây dựng các luật thuộc trách nhiệm từng uỷ ban.
Hai là, năm 2026 sẽ bầu cử Quốc hội khoá mới, do đó cần có chủ trương tăng thêm đại biểu chuyên trách của các uỷ ban và lựa chọn đại biểu Quốc hội có đủ năng lực chuyên môn tham gia uỷ ban để thực hiện có kết quả nhiệm vụ xây dựng luật pháp của từng uỷ ban.
Ba là, thành lập các tổ tư vấn của các uỷ ban, gồm các cán bộ hưu trí vốn là lãnh đạo các bộ, ngành còn có đủ trí tuệ, sức khoẻ và các chuyên gia luật pháp, chuyên gia kinh tế, chuyên gia công nghệ đang công tác tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, để cùng các uỷ ban xây dựng được nhiều luật có chất lượng trong cùng thời gian.
Bốn là, cải tiến quá trình thông qua luật pháp bằng công nghệ thông tin, gửi trước cho đại biểu Quốc hội nghiên cứu, đóng góp ý kiến sửa đổi, hoàn chỉnh dự thảo để các kỳ họp thường niên và bất thường chỉ thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau; nhờ đó mà mỗi kỳ họp Quốc hội có thể quyết định nhiều luật. Nghị định của Chính phủ chỉ hướng dẫn việc thi hành luật pháp, không cần ban hành thông tư của Bộ.
Những kiến nghị trên đây mong được Quốc hội và Chính phủ tham khảo để thể chế, luật pháp Việt Nam tiếp cận với chuẩn mực quốc tế.
(*) GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global