VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 2, 30/12/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin VCCILuật Thi hành án dân sự tác động rất lớn đến môi trường kinh doanh

Luật Thi hành án dân sự tác động rất lớn đến môi trường kinh doanh

08:52:00 AM GMT+7Thứ 5, 19/12/2024

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp phải thực hiện giao kết rất nhiều hợp đồng, do vậy Luật Thi hành án dân sự tác động rất lớn đến môi trường kinh doanh.

Tác động đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp

Sáng 18/12, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự – Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi).

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI. Ảnh: NH
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI. Ảnh: NH

Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng: Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp phải thực hiện giao kết rất nhiều loại hợp đồng. Từ vay tiền ngân hàng, mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, thuê mướn mặt bằng, sử dụng lao động... đều cần có hợp đồng. Và ký hợp đồng thì đôi khi doanh nghiệp phải đối mặt với việc đối tác không thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp chắc chắn cần đến Cơ quan tòa án và Cơ quan thi hành án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

“Nếu các Cơ quan toà án và thi hành án giúp thực hiện hợp đồng bằng cách công bằng, nhanh chóng, hiệu quả thì sẽ thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, bảo đảm quyền, lợi ích, nghĩa vụ của doanh nghiệp. Ngược lại nếu cơ chế giải quyết tranh chấp không công bằng, nhanh chóng, hiệu quả sẽ khiến các chủ thể không tôn trọng đồng. Từ đó quá trình hợp tác làm ăn sẽ trở nên rủi ro hơn, tốn kém hơn và hiệu quả thấp hơn” – ông Đậu Anh Tuấn nêu.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp cho rằng: Trong thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế mạnh mẽ như hiện nay, các tranh chấp kinh tế phát sinh ngày càng nhiều. Một trong những đối tượng chịu tác động rất lớn của Luật Thi hành án dân sự là các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng với vai trò là người được thi hành án và là người phải thi hành án.

Luật Thi hành án dân sự được ban hành từ năm 2008, đến nay được 16 năm. Luật cũng đã được sửa đổi vào các năm 2014, 2022 và đem lại những kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2023-2024, toàn hệ thống Thi hành án dân sự đã thi hành xong trên 620.000 vụ việc và thu được số tiền trên 116.000 tỷ đồng.

“Tuy nhiên, Luật Thi hành án dân sự cũng đã bộc lộ những bất cập, những hạn chế mà cần phải có sự sửa đổi, thay đổi cách toàn diện. Chính vì vậy mà Bộ Tư Pháp cũng đã tham mưu cho Chính phủ và đề xuất Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2025. Dự kiến thì sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 vào tháng 10/2025” – bà Trần Thị Phương Hoa thông tin và cho rằng, để kịp tiến độ đề ra: Hiện Bộ Tư pháp đang tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ, ngành địa phương, đôn đốc những đơn vị chưa có ý kiến tham gia đối với dự thảo luật.

Luật Thi hành án dân sự tác động rất lớn đến môi trường kinh doanh
Dự thảo Luật Thi hành án dân sự đang lấy ý kiến có bố cục 09 chương, 231 điều, trong đó có 50 điều xây dựng mới, 93 điều được sửa đổi, bổ sung. Ảnh: NH

Luật cần điều chỉnh phù hợp bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

Trình bày nội dung cơ bản của dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), ông Đặng Văn Huy - Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 - Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp cho biết: Dự thảo Luật Thi hành án dân sự đang lấy ý kiến có bố cục 09 chương, 231 điều, trong đó có 50 điều xây dựng mới, 93 điều được sửa đổi, bổ sung, chiếm 52% tổng số điều luật hiện hành.

Theo ông Đặng Văn Huy, những nội dung sửa đổi, bổ sung được phân bổ đầy đủ theo 05 chính sách đã được thông qua, cụ thể: Chính sách 1: Quy định đầy đủ phạm vi bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành, hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản trong thi hành án dân sự; tạo đồng bộ, thống nhất với các Luật có liên quan; Chính sách 2: Hoàn thiện các quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự, người tham gia thi hành án dân sự khác: Thể chế hóa đầy đủ, phù hợp các quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án; người được thi hành án; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người tham gia thi hành án dân sự khác; Chính sách 3: Hoàn thiện tổ chức, hoạt động của hệ thống Cơ quan thi hành án dân sự; nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, người có thẩm quyền trong thi hành án dân sự; vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khác trong thi hành án dân sự; Chính sách 4: Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và đồng bộ, thống nhất với quy định pháp luật có liên quan; Chính sách 5: Tăng cường các điều kiện bảo đảm, đáp ứng yêu cầu quản lý và hoạt động thi hành án dân sự.

Đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành thi hành án dân sự trong 16 năm qua, tuy nhiên ông Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, Luật Thi hành án dân sự đã ban hành được 16 năm, đến nay bối cảnh đất nước cũng có nhiều thay đổi và luật cần được sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Ví dụ cụ thể, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng: Công tác xác minh điều kiện thi hành - một trong những khó khăn rất lớn của công tác thi hành hiện nay là chỉ mới xác minh được 50% số tiền cần thi hành. Các doanh nghiệp và cơ quan thi hành cũng thường xuyên phản ảnh việc xác minh tài sản gặp nhiều khó khăn do người bị thi hành án che giấu hoặc tẩu tán tài sản.

Theo đó, Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) cần đặt ra các quy định về việc sử dụng cơ sở dữ liệu để xác minh tài sản của người thi hành án, từ đó có thể áp dụng những biện pháp như: Khấu trừ tiền trong tài khoản của người bị thi hành. Nếu công tác này thực hiện tốt thì tỉ lệ thi hành án thành công sẽ tăng lên trong thời gian ra tới.

TheoNguyễn Hòa (Báo Công Thương)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global