Thủ tướng Phạm Minh Chính: Muốn phát triển đột phá, phải đột phá từ thể chế
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn. (Ảnh: DUY LINH)

Chiều 12/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan công tác điều hành của Chính phủ.

Phân cấp, phân quyền chủ yếu vướng ở Trung ương

Trả lời câu hỏi của đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) về việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là một vấn đề lớn và quan trọng, đã được Chính phủ thảo luận nhiều lần và triển khai trong thực tiễn.

Thủ tướng cho biết trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 14 luật, 9 nghị quyết liên quan phân cấp, phân quyền, đồng thời bổ sung, thay thế 27 nghị định nhằm hoàn thiện thể chế.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận một số vướng mắc vẫn còn tồn tại, chủ yếu tập trung ở cấp Trung ương. Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng đề xuất cần tiếp tục rà soát lại các quy định pháp luật, nhất là các Luật Tổ chức Chính phủ, Quốc hội và Chính quyền địa phương, hoàn thiện các tiêu chuẩn và quy chuẩn, đồng thời tăng cường giám sát và kiểm tra việc thực thi các quy định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Muốn phát triển đột phá, phải đột phá từ thể chế
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phân cấp, phân quyền phải gắn liền với việc phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi của các cấp chính quyền để bảo đảm hiệu quả trong quản lý và điều hành.

Liên quan chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) về những điểm nhấn trong cải cách thể chế, Thủ tướng cho rằng, trong thời gian tới, cải cách thể chế phải tập trung vào phân cấp, phân quyền, đồng thời phải tạo điều kiện để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, từ nhà nước, xã hội đến các nguồn lực quốc tế.

Thủ tướng lưu ý rằng, nếu tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức 6-7% như hiện nay thì khó có thể đạt được các mục tiêu phát triển dài hạn. Do đó, việc tháo gỡ vướng mắc thể chế sẽ giúp huy động các nguồn lực cần thiết cho sự phát triển bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Muốn phát triển đột phá, phải đột phá từ thể chế
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) chất vấn Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: DUY LINH)

Trả lời câu hỏi của đại biểu Yến về việc thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đây là chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước đặc biệt chú trọng.

Theo Thủ tướng, hiện nay cả nước còn hơn 300 nghìn hộ gia đình có nhà tạm, nhà dột nát, trong đó có không ít hộ gia đình là người có công với cách mạng và các đối tượng thuộc diện hưởng các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 và để thực hiện mục tiêu này, cần thành lập Ban Chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở, đồng thời tháo gỡ vướng mắc về đất đai, thực hiện nguyên tắc “không có tranh chấp là có thể triển khai được”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đa dạng hóa nguồn lực, huy động cả sự tham gia của lực lượng quân đội và công an trong việc triển khai chương trình, đồng thời khẳng định Chính phủ nỗ lực cân đối để có nguồn lực chi cho chương trình lớn này.

Hoàn thiện thể chế liên quan phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Muốn phát triển đột phá, phải đột phá từ thể chế
Quang cảnh phiên trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: DUY LINH)

Trả lời câu hỏi của đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) về giải pháp ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đây là vấn đề có tính chất toàn cầu, đòi hỏi sự chung tay của tất cả các quốc gia.

Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này và đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó kịp thời. Tuy nhiên, các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng diễn biến phức tạp, đe dọa lớn đến an sinh xã hội và phát triển kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, để ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam cần hoàn thiện các thể chế, chính sách, cơ chế huy động nguồn lực, từ nguồn lực của nhà nước đến sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế.

Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai, nâng cao năng lực quản lý, giúp các địa phương chủ động trong ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng) về việc xử lý các dự án tồn đọng và các tổ chức tín dụng yếu kém, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã tập trung giải quyết các dự án này với quyết tâm cao.

Thực tế, có nhiều dự án tồn đọng đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và 12 dự án lớn đã được cơ bản xử lý, xin ý kiến Bộ Chính trị. Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát và xử lý các dự án tương tự, đồng thời báo cáo Quốc hội về các trường hợp vượt quá thẩm quyền.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Muốn phát triển đột phá, phải đột phá từ thể chế
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)

Đối với câu hỏi của đại biểu Bế Trung Anh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) về lộ trình hoàn thành thể chế số tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, chuyển đổi số là một lĩnh vực quan trọng, là yêu cầu khách quan, ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, để thực hiện thành công chuyển đổi số, cần có cơ sở lý luận vững chắc.

Thủ tướng cho rằng, lý luận phải được xây dựng dựa trên thực tiễn, và việc tổng kết thực tiễn sẽ giúp đưa ra các giải pháp để hoàn thiện thể chế chuyển đổi số sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, việc tổng kết cần được thực hiện cẩn trọng, cần có lộ trình để hoàn thiện thể chế một cách phù hợp và hiệu quả.

Thủ tướng cho biết, trong quá trình hoạt động, có những vấn đề mới phát sinh, hệ thống pháp luật chưa kịp cập nhật. Những vấn đề mới phát sinh đều khó, cần huy động nguồn lực lớn, do đó cần phải tập trung hoàn thiện thể chế, bởi thể chế là mục tiêu, là động lực, nguồn lực cho sự phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong sự phát triển chung của đất nước, muốn đột phá, cũng phải đột phá từ thể chế./.