Thứ 7, 25/01/2025 | English | Vietnamese
09:03:00 AM GMT+7Thứ 6, 24/01/2025
Theo Tổng cục Thống kê, khu vực doanh nghiệp đang có sự phục hồi song được đánh giá là phục hồi yếu khi tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng.
Doanh nghiệp vẫn khó
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng và thương mại, dịch vụ.
Hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa |
Trong đó, riêng quý IV/2024 đã tiến hành khảo sát gần 30,6 nghìn doanh nghiệp trên cả nước, bao gồm: 6,3 nghìn doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; gần 6,4 nghìn doanh nghiệp ngành xây dựng và 17,9 nghìn doanh nghiệp ngành thương mại, dịch vụ.
Kết quả khảo sát cho thấy, quý IV/2024, 77,3% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2024; 22,7% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
Khu vực doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan nhất với 79,8% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định (38,0% tốt lên và 41,8% giữ ổn định); 20,2% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.
Ngành thương mại, dịch vụ có 77,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định; 22,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, hoạt động của doanh nghiệp đang có sự phục hồi, nhưng tốc độ hồi phục còn yếu. Điều này được thể hiện qua số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn cao.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn cao. Đặc biệt, chưa bao giờ có chuyện số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11 và 12 lại thấp hơn tháng trước như năm 2024. Tương tự như vậy, số vốn đăng ký mới cũng thấp hơn tháng trước đó. Trong khi đó, tháng 11 và 12 hàng năm là thời điểm doanh nghiệp muốn thành lập mới để tận dụng cơ hội kinh doanh vào dịp Tết nên tăng mạnh. Điều đó càng cho thấy, doanh nghiệp đang đối diện với khó khăn.
Để tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp kiến nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, bao gồm: Về lãi suất, để giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh, mong muốn lớn nhất của khu vực doanh nghiệp là giảm lãi suất cho vay với tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị là 43,7%.
Về nguồn nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất: 25,4% doanh nghiệp kiến nghị cần ổn định nguồn cung nguyên, vật liệu. Cụ thể, 32,6% doanh nghiệp kiến nghị nhà nước cần có các chính sách bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá dịch vụ đầu vào cho sản xuất kinh doanh.
Liên quan đến chính sách thuế, phí, lệ phí, có 31,2% doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh chính sách thuế, phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước phù hợp; 19,5% doanh nghiệp kiến nghị giảm tiền thuê đất phục vụ sản xuất kinh doanh.
24,8% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước; 19,5% doanh nghiệp kiến nghị cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm; 20,5% doanh nghiệp mong muốn tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng.
Hoạt động của doanh nghiệp đang có sự phục hồi, nhưng tốc độ hồi phục còn yếu. Ảnh minh họa |
Đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu thị trường trong nước còn thấp và tính cạnh tranh của hàng trong nước cao, đây là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động của các doanh nghiệp, bên cạnh đó, giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào sản xuất và các chi phí đầu vào sản xuất kinh doanh như thuê kho, bãi; lãi suất…, nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu, lãi suất cao, khó tiếp cận vốn vay, các doanh nghiệp khó khăn về tài chính, không tuyển được lao động theo yêu cầu đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp…
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh phát triển tốt trong thời gian tới, theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục Thống kê kiến nghị 5 giải pháp, bao gồm: Thứ nhất, đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả.
Thứ hai, tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, khai thác tối đa thị trường thế giới. Đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu. Triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhất là các thủ tục thông quan hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu.
Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương thực hiện cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho doanh nghiệp; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, xóa bỏ cơ chế "xin - cho"; phân cấp, phân quyền cho cơ quan, địa phương có thẩm quyền giải quyết và chịu trách nhiệm.
Tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng; phát huy nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước; thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân, khu vực nước ngoài. Tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng; chú trọng chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.
Thứ tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hành chính, quy định pháp lý nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và tiền thuê đất…
Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số bao trùm, “chuyển đổi kép”; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025 nhằm thúc đẩy phát triển các mô hình kinh doanh bền vững, kinh doanh bao trùm, hướng tới dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng cường kinh tế số và xanh, bao trùm.
27,4% doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục cắt giảm điều kiện và thủ tục vay vốn. Cùng với đó, 25,4% doanh nghiệp kiến nghị cần rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. |
09:05:00 AM GMT+7Thứ 6, 24/01/2025
01:43:00 PM GMT+7Thứ 5, 23/01/2025
01:21:00 PM GMT+7Thứ 5, 23/01/2025
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global