VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 7, 03/05/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợp90 ngày hoãn thuế: 'Khoảng thở' ngắn trong toan tính dài của ngành nông sản

90 ngày hoãn thuế: 'Khoảng thở' ngắn trong toan tính dài của ngành nông sản

10:28:00 AM GMT+7Thứ 6, 02/05/2025

Quyết định áp thuế đối ứng 46% của Mỹ với hàng hóa Việt Nam dù đã được tạm hoãn trong 90 ngày, nhưng vẫn là thách thức với các doanh nghiệp nông sản. Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Thị Mỹ Nương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo Lãnh đạo và Dịch vụ Phát triển Bền vững, đây là phép thử lớn cho năng lực ứng phó và tái định vị thị trường xuất khẩu của ngành nông sản Việt Nam.

- Việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam dù đã được tạm hoãn 90 ngày nhưng sẽ gây tác động thế nào thưa bà?

Bà Huỳnh Thị Mỹ Nương: Thuế đối ứng thường được áp dụng để đáp trả các hành vi thương mại không công bằng hoặc phân biệt đối xử từ một quốc gia khác. Tuy nhiên, việc áp dụng mức thuế cao như vậy đối với Việt Nam gây bất ngờ vì Việt Nam và Mỹ đã có quan hệ thương mại phát triển và đang trong quá trình tăng cường hợp tác.

Bà Huỳnh Thị Mỹ Nương.

Mức thuế đối ứng 46% sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với chi phí cao, giảm lợi nhuận và có thể mất thị phần tại Mỹ. Trước hết, mức thuế này làm tăng giá thành sản phẩm, khiến hàng hóa Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ từ những quốc gia không bị áp thuế hoặc chỉ chịu mức thuế thấp hơn.

Điều này có thể buộc nhiều doanh nghiệp phải giảm sản lượng, thậm chí ngừng xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực sang thị trường Mỹ, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu và lợi nhuận. Hệ lụy tiếp theo là thu nhập của nông dân, đặc biệt những hộ trồng cà phê, hồ tiêu, điều, gạo, tôm, cá tra… sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp do đầu ra bị thu hẹp. Ngoài ra, chuỗi giá trị ngành nông sản cũng đối mặt với nhiều thay đổi. Một số doanh nghiệp chế biến có thể tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài để giảm chi phí, gây thiệt hại cho nông dân trong nước.

Các doanh nghiệp sẽ phải vượt qua nhiều thách thức lớn, bao gồm rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu lớn với yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, chi phí logistics cao và biến động tỷ giá cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu.

- Với mức thuế quan mới, cà phê, hồ tiêu, hạt điều hay gỗ… ngành nào sẽ bị tác động mạnh và thiệt hại nhiều nhất thưa bà?

Bà Huỳnh Thị Mỹ Nương: Để nhận diện ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong chính sách thuế quan mới của Mỹ cần cân nhắc đến tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này, mức độ cạnh tranh quốc tế và khả năng chuyển dịch sang thị trường khác.

Trong số các ngành kể trên, ngành gỗ được đánh giá là sẽ chịu tác động sâu sắc nhất. Bởi, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành này, chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch. Việc đối mặt với thuế suất cao cùng sự cạnh tranh quyết liệt từ Trung Quốc, Malaysia và Indonesia sẽ khiến nhiều doanh nghiệp gỗ Việt Nam gặp khó khăn nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, ngành cà phê cũng nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng đáng kể. Dù Mỹ là thị trường lớn, nhưng sản phẩm cà phê Việt Nam chủ yếu là Robusta có giá trị thấp hơn Arabica từ Brazil hay Colombia. Khi thuế tăng, khả năng cạnh tranh của cà phê Việt sẽ bị suy giảm rõ rệt. Với ngành hồ tiêu, tác động có thể ở mức trung bình. Dù Mỹ là thị trường quan trọng, hồ tiêu Việt Nam có lợi thế giá trị cao và có khả năng linh hoạt chuyển hướng thị trường hơn.

Trong khi đó, ngành điều Việt Nam ít bị ảnh hưởng hơn do chủ yếu xuất khẩu hạt điều chế biến, có đầu tư công nghệ và đổi mới sản phẩm, nên giữ được vị thế và ít gặp cạnh tranh. Dĩ nhiên, đây chỉ là những đánh giá bước đầu mức độ ảnh hưởng thực tế sẽ còn phụ thuộc vào cách các doanh nghiệp ứng phó và sự vào cuộc hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước.

  • Với những thách thức như vậy, doanh nghiệp nông sản của Việt Nam cần ứng phó ra sao?

Bà Huỳnh Thị Mỹ Nương: Để ứng phó với những thách thức này, một trong những hướng đi quan trọng mà doanh nghiệp cần ưu tiên là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thay vì chỉ phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Các doanh nghiệp cần chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực tiềm năng như châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…), châu Âu (EU, Anh) và cả những thị trường mới nổi như châu Phi hay Mỹ Latinh. Song song với đó là đầu tư nghiêm túc vào nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, để mỗi bước đi đều chắc chắn và hiệu quả hơn.

Không chỉ vậy, việc áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuẩn quốc tế, tối ưu chi phí và xây dựng thương hiệu bài bản cũng là giải pháp giúp nông sản Việt giữ vững vị thế trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Những nỗ lực này sẽ càng hiệu quả hơn khi có sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị, từ người nông dân đến doanh nghiệp, nhà khoa học và các cơ quan quản lý hình thành nên những mắt xích bền vững, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Một giải pháp khác không kém phần quan trọng là việc chủ động xây dựng hệ thống phòng vệ thương mại để kịp thời ứng phó trước các rào cản kỹ thuật và biện pháp bảo hộ ngày càng phức tạp từ thị trường quốc tế. Đồng thời, vai trò của Nhà nước cần thể hiện qua các chính sách hỗ trợ thiết thực từ tín dụng ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, cho tới xúc tiến thương mại và đàm phán FTA mở lối cho hàng Việt.

Cuối cùng, trong kỷ nguyên số, việc ứng dụng công nghệ thông tin từ thương mại điện tử đến truy xuất nguồn gốc và quản lý chuỗi cung ứng sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp tối ưu hóa vận hành và tiếp cận thị trường hiệu quả hơn. Nếu được triển khai một cách đồng bộ, linh hoạt và có sự phối hợp giữa các bên, những giải pháp này sẽ tạo nên lớp “áo giáp” vững vàng giúp ngành nông sản Việt Nam tự tin bước qua thách thức, vươn mình trên bản đồ thương mại toàn cầu.

- Ngành nông sản Việt Nam có nên cân nhắc việc điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu trong năm nay không?

Bà Huỳnh Thị Mỹ Nương: Trước thách thức từ chính sách thuế mới của Mỹ, tôi cho rằng việc ngành nông sản Việt Nam xem xét điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu trong năm nay là một bước đi cần thiết. Tuy nhiên, mọi điều chỉnh nên được cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là sau khi có kết quả chính thức từ các vòng đàm phán thương mại.

Để đưa ra quyết định phù hợp, ngành nông nghiệp cần dựa trên 3 yếu tố then chốt, gồm: mức độ ảnh hưởng của thuế quan đến từng nhóm hàng; khả năng chuyển hướng sang thị trường mới; năng lực cạnh tranh thực tế của hàng Việt tại những thị trường đó. Mỗi yếu tố đều đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các kịch bản ứng phó hợp lý và hiệu quả.

Ngành nông sản cần chuẩn bị sẵn 3 kịch bản: Giữ nguyên mục tiêu xuất khẩu vào Mỹ nếu triển vọng đàm phán khả quan; điều chỉnh giảm xuất khẩu sang Mỹ để mở rộng thị phần tại các thị trường khác; giảm tổng mục tiêu xuất khẩu để tập trung củng cố nội lực trong bối cảnh khó khăn. Trong 3 kịch bản trên, phương án giảm tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ và mở rộng sang các thị trường khác là lựa chọn thực tế và linh hoạt hơn cả.

Dù có thể kéo theo một số khó khăn ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ giúp doanh nghiệp giảm phụ thuộc, phân tán rủi ro và thúc đẩy phát triển bền vững. Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế 90 ngày chính là khoảng lặng quý giá để Việt Nam rà soát, chuẩn bị và thương lượng. Đây cũng là thời điểm để ngành nông sản chứng minh năng lực thích ứng, phát triển theo hướng chủ động và bền vững hơn trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động.

- Trong thời gian 90 ngày tạm hoãn áp thuế của Mỹ, bà kỳ vọng vào một kịch bản có lợi nào cho ngành nông sản Việt?

Bà Huỳnh Thị Mỹ Nương: Sau 90 ngày đàm phán, tình hình có thể đi theo nhiều hướng và tôi kỳ vọng 2 bên đạt được một thỏa thuận toàn diện. Nếu chưa thể giải quyết triệt để, khả năng đạt được thỏa thuận từng phần hoặc kéo dài thời gian đàm phán cũng rất thực tế. Tuy nhiên, không thể loại trừ rủi ro đàm phán đổ vỡ, dẫn đến việc Mỹ áp thuế và điều có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong trường hợp hiếm hoi, Mỹ cũng có thể tạm gác lại quyết định do tình hình quốc tế thay đổi.

Việt Nam có thể đạt được thỏa thuận như kỳ vọng hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ yêu cầu của phía Mỹ, thiện chí cải cách của chúng ta, sự linh hoạt từ đối tác, khả năng vận động ngoại giao và bối cảnh kinh tế - chính trị toàn cầu. Dù vậy, với kinh nghiệm đã có và vai trò ngày càng rõ nét trong chuỗi cung ứng, Việt Nam có cơ sở để lạc quan. Quan trọng là cần tận dụng tối đa 90 ngày này để chuẩn bị kỹ lưỡng từ rà soát chính sách, xây dựng chiến lược đàm phán đến thúc đẩy đối thoại và truyền thông hình ảnh là một đối tác minh bạch, đáng tin cậy. Đây sẽ là nền tảng vững chắc cho cả hiện tại lẫn tương lai.

TheoTiểu Vy (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global