Chủ nhật, 12/01/2025 | English | Vietnamese
01:42:00 PM GMT+7Thứ 3, 10/09/2024
Thời gian qua, đã phát hiện những vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng, có giá trị lớn, thủ đoạn tinh vi, có lúc như “trời rung đất chuyển”.
Vì thế, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng, trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả là hết sức cần thiết.
Phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. |
Khởi tố nhiều cán bộ cấp cao, cán bộ lãnh đạo
Trong phiên họp toàn thể lần thứ 14 cuối tuần qua, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.
Tại báo cáo này, Chính phủ nhận định, năm 2024, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt và hiệu quả hơn, cả ở Trung ương và địa phương, được dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Kết quả nổi bật là, các cơ quan chức năng đã kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ, lãnh đạo quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi quản lý, phụ trách, vi phạm trách nhiệm nêu gương và những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm. Các cơ quan chức năng đã thực hiện đúng chỉ đạo “kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, truy tố một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực.
Chính phủ cũng nhìn nhận, các cơ quan đã kiên quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm một số vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến các hành vi sai phạm diễn ra từ nhiều năm trước và cả những sai phạm mới phát sinh, xảy ra trên diện rộng, có tổ chức, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.
Trong đó, điểm mới là, từ khởi tố ban đầu đối với các hành vi phạm tội về kinh tế, cơ quan điều tra đã đi sâu làm rõ bản chất vụ án và khởi tố các hành vi phạm tội về tham nhũng; khởi tố nhiều cán bộ cấp cao, cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt của một số địa phương, tiếp tục tạo bước tiến mới trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ rõ, việc khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, quy hoạch xây dựng, đấu thầu, đấu giá… còn chậm so với yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được phát huy toàn diện. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng vẫn còn hạn chế, vướng mắc. Một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch, cung cấp thông tin trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ.
Nhiều biện pháp phòng ngừa còn mang tính hình thức
Trình bày ý kiến của Nhóm nghiên cứu, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Nguyễn Mạnh Cường nêu rõ, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, hoạt động ngân hàng, quản lý tài nguyên, khoáng sản..., gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có sự câu kết giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi.
Điển hình là vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ, lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và các đơn vị liên quan; vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức liên quan...
“Tình trạng này cho thấy, việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thời gian qua, mặc dù đã được quan tâm, nhưng còn chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhiều biện pháp phòng ngừa còn mang tính hình thức. Tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn còn diễn ra. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục kiên trì, không dừng, không nghỉ, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, ông Cường nhấn mạnh.
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói, thời gian qua, đã phát hiện những vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng, có giá trị lớn, thủ đoạn tinh vi, có lúc như “trời rung đất chuyển”.
Ông Kim cho biết, ông vừa dự họp tại Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, qua đó thấy rằng, người dân rất phẫn nộ vì nhiều cán bộ, cả cán bộ cấp cao cũng vi phạm.
“Cần đánh giá thêm xem niềm tin của nhân dân như thế nào”, ông Kim đề nghị và nhắc lại một vấn đề ông đã từng đề cập trước Quốc hội, đó là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cả cơ quan đảng, cơ quan thanh tra, kiểm tra liên đới như thế nào trong từng vụ việc.
“Những vụ việc thời gian qua cho thấy, việc giám sát cán bộ thực thi công vụ bộc lộ yếu kém rõ ràng. Từ đây, dẫn đến có những chuyện ‘trời rung đất chuyển’, không chỉ trong nước, mà thế giới còn ngỡ ngàng”, ông Kim nói.
Vị đại biểu là thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng dẫn chứng một vụ việc cho thấy sự “lờ đờ” của cơ quan chức năng. Đó là khi ông phát hiện một giao dịch đáng ngờ, lên tới 1.000 tỷ đồng, trong khi giá trị thực không quá 100 tỷ đồng, nhưng các bên đã bắt tay nhau.
“Tôi có đi thuyết phục một số cán bộ có trách nhiệm giải quyết, nhưng thấy họ không nhiệt tình lắm, sau đó, 2 giờ đêm, tôi dậy viết thư cho Thủ tướng. Thủ tướng sau đó chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc”, ông Kim cho hay.
Bày tỏ đồng tình với nhận định của Nhóm nghiên cứu, đại biểu Trần Công Phàn, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đặt vấn đề, mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực, nhưng năm nào tội phạm cũng tăng, vậy hiệu quả phòng ngừa và trách nhiệm của các cơ quan liên quan như thế nào?
Dự báo tình hình tham nhũng thời gian tới, Chính phủ cho rằng, “tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn phức tạp, có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất trong bộ máy nhà nước với các doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi; tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh”.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng, trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global