Bốc xếp hàng hoá xuất nhập khẩu tại cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: CTV |
Xây dựng chiến lược và định hướng phát triển toàn diện
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1629/QĐ-TTg của Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thực hiện Quyết định 1629/QĐ-TTg, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã xây dựng Bản Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 thể hiện rõ khát vọng vươn lên của tỉnh thông qua các mục tiêu chiến lược và định hướng phát triển toàn diện. Đến năm 2030, tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; phát triển tỉnh thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm dịch vụ hàng hải của quốc gia và khu vực Đông Nam Bộ, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế và là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của Vùng Đông Nam Bộ.
Trở thành cực tăng trưởng Đông Nam BộQuy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1629/QĐ-TTg (ngày 16/12/2023) nhằm cụ thể hóa khát vọng xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành cực tăng trưởng quan trọng trong khu vực Đông Nam Bộ và cả nước. Tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế. |
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nằm cách trung tâm kinh tế TP. Hồ Chí Minh gần 100km, cùng vị trí cửa ngõ hướng ra Biển Đông của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, điều kiện tự nhiên thuận lợi, lực lượng lao động có chất lượng, quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của một bản quy hoạch chất lượng, chất chứa tinh hoa, khát vọng của chuyên gia, nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định khát vọng lớn nhất của Bà Rịa - Vũng Tàu thể hiện trong bản Quy hoạch là đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với GRDP bình quân đầu người từ 18.000 đến 18.500 USD.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, mục tiêu này của Bà Rịa - Vũng Tàu có thể đạt được. Nhìn con số tăng trưởng GRDP của tỉnh 10 năm qua cho thấy rõ điều đó. Năm 2014-2015, tốc độ tăng trưởng GRDP tương đối ổn định, với tỷ lệ tăng trưởng trung bình 5 - 6% mỗi năm. Giai đoạn này, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng và dầu khí, đồng thời đẩy mạnh dịch vụ du lịch và cảng biển.
Năm 2021-2023, GRDP tăng trưởng trung bình 6-9% hàng năm. 8 tháng đầu năm 2024, GRDP tăng 9,18%, nhờ sự đóng góp lớn từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các dự án cơ sở hạ tầng lớn như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Sự tăng trưởng này cũng phản ánh sự phục hồi và phát triển toàn diện của tỉnh sau những thách thức kinh tế trước đó.
10 năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu chứng kiến sự biến động về GRDP, nhưng xu hướng tổng thể là tích cực, với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm gần đây nhờ cải cách kinh tế và đầu tư hạ tầng quan trọng, bất chấp thách thức kinh tế trong và ngoài nước.
Theo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 9 tháng của năm 2024, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục giữ vững đà phát triển ổn định. Đặc biệt là tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tăng 11,47%, đây là mức tăng cao nhất 10 năm gần đây, đứng thứ 4 cả nước.
Vươn lên thành trung tâm dịch vụ, logistic quốc tế
Hiện thực hoá mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ, logistic quốc tế, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức không gian phát triển theo 4 vùng chức năng, tập trung vào 3 trục kinh tế động lực, cùng với định hướng phát triển tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư vào 4 nhóm ngành kinh tế trụ cột gồm: công nghiệp, cảng biển - logistics - du lịch - các ngành dịch vụ chất lượng cao.
Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, giảm phụ thuộc vào dầu khí. Tỉnh phát triển các ngành kinh tế trụ cột khác như công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ logistics, cảng biển và du lịch. Quy hoạch này nhằm tạo nền kinh tế đa dạng và bền vững hơn, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh trên quy mô quốc gia và quốc tế. Đến nay, siêu cảng Cái Mép - Thị Vải có 22 tuyến dịch vụ tàu mẹ đi thẳng Mỹ, châu Âu, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á chỉ sau Singgapore.
Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu nhiều điều kiện "vàng" trong việc xây dựng hệ sinh thái logistics bền vững. Ảnh: CTV |
Cụ thể, theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, trong 9 tháng đầu năm, tổng sản lượng hàng hóa qua cảng biển Bà Rịa - Vũng tàu đạt 102 triệu tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng sản lượng container thông qua cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải (kể cả hàng container nội địa) đạt 7,998 triệu teus, tăng 37% so với cùng kỳ.
Số lượng tàu trọng tải toàn phần trên 80.000 tấn thông qua cảng là 1.661 lượt (trung bình hơn 6 lượt/ ngày, trong đó có các “siêu tàu” container trọng tải toàn phần đến 232.000 tấn khai thác chuyên tuyến vào khu cảng Cái Mép).
Trước đó, vào tháng 6/2024, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho phép cảng Gemalink (khu vực Cái Mép - Thị Vải) tiếp tục khai thác thử nghiệm tiếp nhận tàu container có trọng tải đến 232.494,5 DWT giảm tải, với thời gian khai thác thử nghiệm đến ngày 30/6/2025.
Doanh nghiệp phải tuân thủ sự hướng dẫn của Cục Hàng hải Việt Nam, các cơ quan có liên quan trong quá trình thực hiện thủ tục, tiếp nhận tàu container có trọng tải đến gần 232.500 DWT giảm tải ra vào cảng và chịu mọi trách nhiệm trong quá trình tiếp nhận tàu vào cầu cảng nếu xảy ra sự cố và hiệu quả đầu tư.
Bên cạnh đó, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cũng cho biết, tính tới đầu tháng 10/2024, trong số 50 tuyến tàu container hàng tuần ghé cảng biển khu vực Cái Mép - Thị Vải, có 22 tuyến dịch vụ “tàu mẹ” đi Mỹ và châu Âu. Trong đó, có 4 tuyến đi châu Âu, 1 tuyến đi châu Âu - Mỹ, 7 tuyến đi Bờ Đông nước Mỹ, 8 tuyến đi Bờ Tây nước Mỹ và 1 tuyến đi Mỹ - Canada. Ngoài các tuyến vận tải biển xa nêu trên, mỗi tuần còn có 14 tuyến tàu container của các hãng tàu lớn trên thế giới vận tải nội Á và 14 tuyến tàu gom hàng nội địa của các chủ tàu Việt Nam ghé cảng biển khu vực Cái Mép - Thị Vải.
Với số lượng này, chỉ tính riêng cảng biển khu vực Cái Mép của Việt Nam đã có số lượng tuyến tàu dịch vụ tàu mẹ đi Mỹ và châu Âu đứng đầu các nước khác khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Singapore). Việc thiết lập được nhiều các tuyến dịch vụ tàu mẹ từ Việt Nam đi thẳng các nước châu Âu và Mỹ giúp chủ hàng, doanh nghiệp liên quan có thêm nhiều lựa chọn và giúp hàng hóa Việt Nam không phải trung chuyển qua các cảng trung chuyển quốc tế khác, giảm chi phí logistics và tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam./.