Trung Quốc muốn tạo ra "sự cân bằng chiến lược" cho mối quan hệ phức tạp với Mỹ và EU thông qua việc thúc đẩy xây dựng quan hệ thương mại với nhiều quốc gia. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Bộ Thương mại Trung Quốc gần đây luôn ở trong tình trạng bận rộn khi phải điều hướng một chương trình nghị sự đầy ắp các cuộc đàm phán thương mại song phương và đa phương.
Ngoài việc tiếp tục tham gia vào các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề thuế quan đối với xe điện, đánh giá mối đe dọa về thuế quan từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, các quan chức thương mại của Bắc Kinh còn đang nỗ lực thúc đẩy các chương trình nghị sự nhằm tăng cường quan hệ thương mại với nhiều quốc gia khác cũng như các tổ chức quốc tế.
Hôm 9/12, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã có cuộc gặp Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đang có chuyến thăm Bắc Kinh, trong khi Thứ trưởng Vương Thụ Văn đã tham dự một cuộc họp của Ủy ban chung về Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Hàn Quốc với Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Cheong In-kyo tại Seoul.
Cùng ngày, và cũng tại Seoul, Thứ trưởng Vương Thụ Văn đã dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tại cuộc họp cấp Bộ trưởng lần thứ 24 của Sáng kiến Đại Tumen - một cơ chế liên chính phủ có sự tham gia của Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ và Nga.
Với khu vực Trung Đông, Phó đại diện thương mại quốc tế của Trung Quốc, Ling Ji, đã triệu tập cuộc họp đầu tiên về hợp tác đầu tư và kinh tế tại Saudi Arabia ngày 9/12.
Cùng ngày, tại châu Á-Thái Bình Dương, đại diện Trung Quốc đã tham dự lễ khai trương văn phòng đơn vị hỗ trợ Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 15 thành viên tại Jakarta, Indonesia.
Các nhà phân tích cho biết, những nỗ lực mạnh mẽ của Trung Quốc gần đây nhằm xây dựng quan hệ thương mại với các quốc gia khác nhau là cách mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tạo ra "sự cân bằng chiến lược" cho mối quan hệ phức tạp với Mỹ và EU. Đồng thời, việc sắp xếp lại các mô hình thương mại có thể có tác động đáng kể trong dài hạn.
Wang Zichen, một nghiên cứu viên của Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết ông coi cách tiếp cận thương mại đa phương của Trung Quốc "là một sự cân bằng chiến lược" vì giới lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy rằng "thương mại tự do, ngay cả ở quy mô nhỏ hơn toàn cầu, vẫn có lợi".
Stephen Olson, nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho biết "tác động tiềm tàng có thể rất đáng kể", đồng thời cho biết thêm "một sự sắp xếp lại mạnh mẽ các mô hình thương mại sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều, nhưng về lâu dài thì điều này hoàn toàn có thể xảy ra".
Ông nhận định: "Các nguồn lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu là ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sẽ không còn nằm ở phương Tây nữa" và việc Trung Quốc định hướng lại luồng thương mại "là điều có ý nghĩa cả về mặt kinh tế và địa chính trị đối với Bắc Kinh".
Trong bối cảnh thỏa thuận thương mại giữa với EU về thuế quan xe điện vẫn chưa có tiến triển, và cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc có khả năng tăng nhiệt sau lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào tháng 1, ông Rolf Langhammer, Giáo sư tại Viện Kinh tế thế giới Kiel, cho biết Trung Quốc có lý do để xây dựng các mối quan hệ thương mại đa phương.
"Bắc Kinh có ý định tìm kiếm sự ủng hộ ở Nam Bán cầu, ở các nước châu Á lân cận cũng như các quốc gia vùng Vịnh, thuyết phục các quốc gia này rằng các hành động đơn phương của Mỹ chống lại Trung Quốc sẽ cản trở mạnh mẽ sự thịnh vượng kinh tế của họ", ông nói.
Tuần trước, chính quyền Tổng thống Biden cho biết sẽ tiến hành gói trừng phạt thứ ba trong ba năm đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, với các nhà sản xuất công cụ chip Trung Quốc Piotech và SiCarrier Technology sẽ phải chịu các hạn chế xuất khẩu mới như một phần của các biện pháp này.
Ngay lập tức, Trung Quốc tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu khoáng sản quan trọng đối với thương mại công nghệ sang Mỹ, theo đó cấm mọi hoạt động xuất khẩu sang Mỹ các loại gali, germani, antimon và vật liệu siêu cứng "về nguyên tắc".
Trong quá trình tranh cử, ông Trump nhiều lần đe dọa sẽ áp thêm 10% thuế quan đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và một số nhà lập pháp Mỹ cũng đang tìm cách hủy bỏ mối quan hệ thương mại bình thường lâu dài mà Washington đã có với Bắc Kinh trong hơn hai thập kỷ.
Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 9/12, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào chỉ rõ, một số quốc gia đang thúc đẩy "hàng rào cao một thước nhỏ", hay còn gọi là tách rời và giảm rủi ro. Đây là hành vi lạm dụng các biện pháp bảo hộ thương mại dẫn đến tăng chi phí, gây tổn hại đến chủ nghĩa đa phương và kéo theo sự phân mảnh về kinh tế".
Chuyên gia Wang Zichen tại Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa cho biết thuế nhập khẩu của Trung Quốc hiện ở mức trung bình 7,3%, gần bằng thuế của các nước phát triển.
“Đây là minh chứng cho lời hứa của Bắc Kinh về việc mở cửa hơn nữa và trong nhiều trường hợp, gánh vác trách nhiệm quốc tế trong việc hỗ trợ các quốc gia kém phát triển nhất, những quốc gia hiện đang được hưởng chế độ thuế quan bằng 0 từ Trung Quốc”.