Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh |
Đến lúc thay đổi chính sách
Với sự phát triển của thương mại điện tử cho đến nay lượng hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ thì có khối lượng ngày càng lớn. Theo số liệu thống kê, hàng ngày có khoảng từ 4 đến 5 triệu đơn hàng thương mại điện tử giá trị nhỏ được vận chuyển qua biên giới về Việt Nam. Trung bình mỗi đơn hàng khoảng 200.000 đồng thì tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu loại hình này có thể lên đến khoảng 800 tỷ đồng/ngày, gần 300 nghìn tỷ đồng/năm, thậm chí nhiều hơn và tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Điều quan trọng là, vì những lô hàng này có giá trị nhỏ nên cơ bản đang được miễn thuế.
Từ số liệu nêu trên và tùy theo loại hàng hóa và mức thuế suất áp dụng, ước tính số thuế được miễn rơi vào khoảng hơn 50 nghìn tỷ đồng. Có thể thấy, từng đơn hàng giá trị có thể nhỏ nhưng tổng lượng hàng hóa nhập khẩu theo hình thức này đã, đang và sẽ tiếp tục chiếm một khối lượng rất lớn, nếu miễn thuế sẽ dẫn đến việc không thu được một số thuế khá lớn và chưa kể còn có thể dẫn đến tình trạng xé nhỏ giá trị đơn hàng để tránh thuế.
Trong bối cảnh hiện nay cần phải xem xét lại quy định này cho phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế cũng như thực tế tại Việt Nam nhằm đảm bảo điều tiết vĩ mô, tạo sự công bằng giữa các loại hình kinh doanh, tránh thất thu ngân sách nhà nước nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo sự thuận tiện cho người nộp thuế và tiết giảm chi phí xã hội, nâng hiệu quả kinh tế.
Tham gia ý kiến về nội dung này, đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) đề nghị không miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ qua các sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, đề nghị quy định rõ trong Nghị quyết chung của Kỳ họp lần thứ 8 của Quốc hội về việc chấm dứt Quyết định 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.
Có chung quan điểm, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, việc thu thuế trở lại đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng là phù hợp, khi mà số lượng của các loại hàng hóa đó rất lớn trên thị trường. Qua đó, giúp hàng hóa trong nước được cạnh tranh bình đẳng hơn với hàng hóa nhập khẩu. Khi thu thuế cũng cần có những chính sách đi kèm về kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ và cả chất lượng của các hàng hóa bởi thực tế hiện nay đã có tình trạng hàng hóa nhập khẩu chất lượng kém, không đúng xuất xứ so với thông tin quảng cáo, hay thậm chí hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam, lấy tên, nhãn mác của hàng Việt Nam để bán ở thị trường Việt Nam, làm ảnh hưởng đến thương hiệu, giá trị của sản phẩm trong nước. Do đó, lợi ích của việc thu thuế là vừa đảm bảo việc quản lý nhà nước, vừa an toàn, tránh thiệt hại cho người tiêu dùng.
Sẽ có nghị định quản lý riêng
Không chỉ về thuế, ở khía cạnh khác, việc không chịu thuế sẽ giúp hàng hóa nhập khẩu có giá rẻ hơn so với hàng hóa sản xuất trong nước và đồng thời do không phải tính thuế nên việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa này cũng sẽ nhanh hơn và có tính cạnh tranh cao hơn.
Hiện đại hóa đã góp phần giảm thời gian, thủ tục Áp dụng miễn thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ có một phần nguyên nhân để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vào thời điểm các thủ tục còn phải thực hiện thủ công. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành Tài chính nói chung, cơ quan thuế, cơ quan hải quan nói riêng đã đạt nhiều bước tiến lớn trong cải cách hiện đại hóa. Với việc áp dụng công nghệ thông tin, hiện nay việc thực hiện thủ tục hải quan cũng như công tác thu thuế đã rất đơn giản và tiện lợi, giảm rất nhiều thời gian và thủ tục so với trước. |
Gần đây một số quốc gia bắt đầu nghiên cứu và thực hiện việc thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa có trị giá thấp. Chẳng hạn, tại EU, từ 1/7/2021 thực hiện thu thuế giá trị gia tăng đối với các lô hàng từ 22 euro trở xuống (trước đây các lô hàng này được miễn thuế); tại Singapore từ 1/1/2023 bãi bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa trị giá thấp. Ngoài ra, tại các cuộc hội thảo, chuyên gia dự án tạo thuận lợi thương mại (TFP) cũng khuyến cáo Việt Nam cân nhắc quy định không phải nộp thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá thấp.
Do đó, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính trình Chính phủ đề nghị bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg. Việc này cũng đồng nhất với ý kiến các đại biểu Quốc hội đã nêu.
Hơn thế nữa, thực tế hiện nay, Việt Nam chưa có quy định riêng đối với hàng hóa được giao dịch qua thương mại điện tử. Tùy từng trường hợp, hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử được gửi về Việt Nam được thực hiện thủ tục hải quan theo các loại hình khác nhau của cơ quan hải quan. Do đó, nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện quản lý đối với loại hình giao dịch thương mại điện tử, Tổng cục Hải quan hiện đang xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử để trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành.
Trong đó, dự thảo Nghị định có một số nội dung cụ thể như: Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý về chính sách thương mại điện tử, chính sách mặt hàng, thanh toán đối với giao dịch thương mại điện tử nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử phát triển đảm bảo sự vận hành thông suốt giữa người mua, sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà sản xuất, đơn vị vận chuyển nhưng vẫn đảm bảo được việc quản lý của các cơ quan nhà nước; xây dựng một hệ thống để kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên nền cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp như: hoàn thiện cơ sở pháp lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro đối với các đối tượng có tham gia vào hoạt động giao dịch thương mại điện tử.
Theo ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), sau khi có hệ thống công nghệ thông tin để phục vụ cho việc quản lý các hoạt động mua bán, giao dịch trên sàn, khi đó Nghị định này sẽ được ban hành và chính thức đi vào cuộc sống.
Nhận xét về dự thảo Nghị định, ông Bùi Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, rất cần thông tin để quản lý hải quan tập trung, gồm cả thông tin người bán, người mua, hàng hóa, thành phẩm có liên quan. Qua đó, giúp tất cả những người tham gia trong chuỗi cung ứng và cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia, theo dõi để đồng bộ các chính sách, thủ tục. Nhờ vậy, công tác khai báo hải quan điện tử, kê khai thuế, theo dõi thanh toán thuận lợi hơn và phòng, chống trục lợi, gian lận cũng như thực thi Luật Sở hữu trí tuệ hiệu quả hơn.
PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ, BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH HỒ ĐỨC PHỚC: Đề xuất các hàng hóa giá trị nhỏ đều phải nộp thuế ... Thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa giá trị nhỏ thực hiện theo cam kết quốc tế tại Công ước Tokyo mà Việt Nam tham gia, sau đó được cụ thể hóa tại Quyết định 78/2010/QĐ-TTg về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế. Hiện nay, các quốc gia khác đã bỏ quy định này. Điều đó chứng tỏ công ước quốc tế được các quốc gia tham gia không thực hiện. Vì vậy, về phía Chính phủ, sẽ bãi bỏ Quyết định 78 và đã đưa vào quy định tại dự thảo luật. Theo đó, các hàng hóa giá trị nhỏ đều phải nộp thuế, bao gồm cả những loại hàng hóa đang bán giá rẻ trên sàn thương mại điện tử. Hoàng Yến (ghi) PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ ĐẶNG NGỌC MINH: Yêu cầu các sàn thương mại điện tử thực hiện kê khai, nộp thuế thay Tổng cục Thuế đã đề xuất một số nội dung trong quá trình sửa đổi Luật Quản lý thuế, Luật Thuế và các văn bản hướng dẫn theo hướng tăng cường trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho người bán tại nguồn của các sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến, đồng thời tăng cường trách nhiệm cung cấp thông tin của các sàn thương mại điện tử và các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics. Việc yêu cầu các sàn thương mại điện tử trong nước thực hiện việc kê khai, nộp thuế thay cũng là để đảm bảo công bằng với các nhà cung cấp nước ngoài. Không chỉ doanh nghiệp mà các cơ quan quản lý nhà nước như Ngân hàng, Công an, Công thương… đều hỗ trợ cơ quan thuế khai thác thông tin đảm bảo việc quản lý thuế hiệu quả nhất. Việc các sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin của người kinh doanh đã có quy định và hiện nay đưa vào Luật Quản lý thuế sửa đổi chỉ là thêm một bước kê khai thay, nộp thay. Đông Mai (ghi) TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH KẾ TOÁN VÀ TƯ VẤN THUẾ TRỌNG TÍN NGUYỄN VĂN ĐƯỢC: Điều chỉnh thu hẹp đối tượng miễn thuế và xây dựng ngưỡng tổng giao dịch Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của Liên minh châu Âu, New Zealand và Na Uy, Việt Nam cần thu hẹp đối tượng được hưởng chính sách miễn thuế, theo đó: Cần quy định đối tượng được miễn thuế đối với những đơn hàng giá trị nhỏ nếu hàng hóa nhập khẩu và người nhập khẩu được thực hiện đồng thời, trường hợp này áp dụng cho người tiêu dùng nhập khẩu trực tiếp. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa có giá trị nhỏ nhưng bán trực tiếp cho người tiêu dùng tại Việt Nam có tổng giá trị nhất định trong một kỳ, nếu vượt ngưỡng quy định này thì không được miễn thuế. Thông thường một kỳ là quý hoặc 1 năm hoặc tính liên tục trong vòng 12 tháng. Trên cơ sở đó, khi Chính phủ nghiên cứu và điều chỉnh thu hẹp đối tượng miễn thuế và xây dựng ngưỡng tổng giao dịch trong của các đơn hàng giá, kỳ được miễn thuế phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, đảm bảo tính công bằng, bình đẳng và hạn chế thất thu ngân sách nhà nước... |