Thứ 2, 21/04/2025 | English | Vietnamese
11:52:00 AM GMT+7Thứ 2, 21/04/2025
Bộ Công Thương cùng các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đã bàn phương án đàm phán về các vấn đề thương mại với Mỹ và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng với tình hình mới để tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu.
Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh Mỹ áp dụng thuế đối ứng với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam” với sự tham dự của đại diện nhiều bộ ngành, đơn vị, cùng lãnh đạo các hiệp hội và doanh nghiệp lớn như Vingroup, VinFast, Thaco, TC Group, Vinachem, FPT, Apple Việt Nam, Intel Products Việt Nam...
Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh Mỹ áp dụng thuế đối ứng lên hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.
Mức thuế bổ sung sẽ tác động bất lợi đến hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đánh giá: Tình hình thương mại quốc tế đang diễn biến nhanh và khó lường, nhất là trong bối cảnh Mỹ công bố áp dụng chính sách thuế quan mới đối với hàng hóa của nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa) và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.
Theo ông Sơn, mức thuế bổ sung sẽ tác động mạnh bất lợi, ảnh hưởng lớn đến hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ. Điều này gây áp lực lớn cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam về khả năng giảm lợi nhuận, thu hẹp đơn hàng và thị phần xuất khẩu, cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng và bị tăng tồn kho, khi các đối tác Mỹ có thể tìm nguồn hàng thay thế từ các nước không bị áp thuế cao.
Trước tình hình đó, ngày 12/4, Thủ tướng đã ký Quyết định số 753 về việc thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Mỹ, Trưởng đoàn là Bộ trưởng Công Thương.
Đến ngày 14/4, Bộ trưởng Công Thương đã có Công hàm chính thức gửi Trưởng Đại diện Thương mại (USTR), Bộ trưởng Tài chính Mỹ để thông báo về đầu mối đàm phán của Việt Nam, đề nghị Mỹ xác nhận thông tin về nhóm đàm phán của Mỹ và về lịch trình đàm phán.
Tại hội nghị, các đại biểu đến từ các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và cơ quan chức năng đã tập trung thảo luận, đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu chung của Việt Nam và tình hình xuất khẩu một số mặt hàng sang Mỹ, cũng như phân tích chính sách của một số thị trường lớn trên thế giới và cập nhật tình hình Mỹ.
Đồng thời, các đại biểu cũng dự báo các những khó khăn, thách thức đối với hoạt động xuất nhập khẩu thời gian tới, qua đó đề xuất phương án đàm phán về các vấn đề thương mại với Mỹ và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng với tình hình mới để tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng những khó khăn từ việc Mỹ áp thuế đối ứng cũng là cơ hội để chủ động tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm tạo ra những thay đổi tích cực hơn trong dài hạn. Việc thực hiện được mục tiêu này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan từ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đến cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
“Những khó khăn từ việc Mỹ áp thuế đối ứng cũng là cơ hội cho chúng ta chủ động tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp để tạo ra những thay đổi tích cực hơn trong dài hạn và để thực hiện được mục tiêu này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan từ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đến cơ quan quản lý nhà nước các cấp”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Bộ trưởng Công Thương đã đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp dành cho các hiệp hội ngành hàng và 8 nhóm nhiệm vụ đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, nhằm kịp thời hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thích ứng linh hoạt và hiệu quả với các thay đổi trong chính sách nhập khẩu từ các thị trường lớn, đặc biệt là Mỹ.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng kiến nghị các bộ, ngành liên quan triển khai 5 nhóm giải pháp trọng tâm, tập trung vào việc phối hợp liên thông, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ tín dụng và đẩy mạnh đàm phán thương mại để tạo dư địa tăng trưởng bền vững cho xuất khẩu.
Để quá trình rà soát, hỗ trợ được sát thực tiễn và kịp thời, Bộ Công Thương đề nghị các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gửi các kiến nghị, đề xuất cụ thể bằng văn bản trước ngày 20/4.
Trên cơ sở đó, Bộ sẽ tập trung xử lý các vấn đề theo đúng thẩm quyền hoặc chuyển tiếp cho các cơ quan chức năng liên quan và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng đối với những nội dung vượt thẩm quyền.
Bộ trưởng nhấn mạnh mục tiêu cao nhất của các nhóm giải pháp lần này là tạo điều kiện để hiệp hội, doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với bối cảnh mới, vượt qua thách thức và tiếp tục phát triển vững mạnh, đóng góp tích cực cho nền kinh tế quốc gia.
11:58:00 AM GMT+7Thứ 2, 21/04/2025
11:56:00 AM GMT+7Thứ 2, 21/04/2025
11:54:00 AM GMT+7Thứ 2, 21/04/2025
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global