Bộ trưởng bày tỏ sự trân trọng sâu sắc trước sự quan tâm và chia sẻ mà các đại biểu đã dành cho lĩnh vực giáo dục - một lĩnh vực quan trọng hàng đầu trong xây dựng nguồn nhân lực quốc gia, góp phần trực tiếp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. |
Sức khỏe và an toàn của học sinh được ưu tiên hàng đầu
Vấn đề sức khỏe và an toàn của học sinh đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các đại biểu. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ những lo lắng liên quan đến các hiện tượng tiêu cực đang xảy ra trong môi trường học đường, như: bạo lực học đường, việc học sinh sử dụng thuốc lá, học sinh có nguy cơ gặp tai nạn khi đi xe đạp điện và các áp lực lớn khi học sinh thi vào lớp 10. Những thách thức này không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục, mà còn đòi hỏi sự hợp tác của cả cộng đồng và gia đình để tạo ra môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cam kết sẽ hợp tác với các ban, ngành liên quan để xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho học sinh, cũng như thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường và các vấn đề sức khỏe tinh thần. Đồng thời, Bộ cũng đang nghiên cứu các giải pháp nhằm giảm tải áp lực cho học sinh trong các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi vào lớp 10, để học sinh có thể phát triển trong môi trường giáo dục lành mạnh và toàn diện.
Tháo gỡ điểm nghẽn cho trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên
Về vấn đề điểm nghẽn liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên mà đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) đề cập, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, đây là vấn đề khó, có vướng mắc trong thực tiễn. Hiện cả nước có 92 trung tâm thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo, 526 trung tâm do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hoặc UBND quận, huyện, thị xã quản lý. “Tức là, vấn đề chủ thể quản lý, điều hành đang rất đa dạng”, Bộ trưởng nhìn nhận.
Trong các văn bản quy định, hiện có Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT ngày 19/10/2015 của liên bộ gồm: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ (Thông tư 39). Thông tư này quy định về quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Nhưng đến năm 2019, Luật Giáo dục quy định chức năng, nhiệm vụ quản lý việc này và giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ đã ban hành Thông tư số 01 làm căn cứ pháp lý để quản lý hệ thống các trung tâm này. Tuy nhiên, theo ông Sơn vẫn còn một số điểm vướng mắc.
Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để xử lý đối với Thông tư 39. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định số 127/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục (Nghị định 127), trong đó xem xét trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên nên trực thuộc đầu mối nào thì hợp lý nhất.
“Chúng tôi đang cân nhắc phương án giao về Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý có lẽ sẽ phù hợp hơn. Đây là một vấn đề lớn và chúng tôi đã lên kế hoạch ngay trong cuối tháng 11 này tổ chức một hội nghị toàn quốc cho tất cả các giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên để trao đổi các nội dung liên quan, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn đối với hoạt động của trung tâm mang tính tích hợp này”, Bộ trưởng cho biết.
Định hướng lại chính sách phân luồng và hướng nghiệp
Liên quan đến vấn đề phân luồng, hướng nghiệp mà các đại biểu đặc biệt quan tâm, Bộ trưởng cho rằng, cần phải đánh giá một cách đầy đủ sau một thời gian triển khai Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” và xem công thức 70-30 cho học sinh sau trung học và 60-40 sau trung học phổ thông thì mức độ phù hợp còn đến đâu. Bởi vì, đây là căn cứ mà rất nhiều địa phương dựa vào và chuẩn bị hệ thống các trường công trung học phổ thông đáp ứng chỉ khoảng 70%.
Theo số liệu thống kê trong 10 năm của UNESCO, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi 15-24 theo học các trình độ giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam có xu hướng tăng khá trong khu vực và cao hơn hẳn mức trung bình của Đông Á, Đông Nam Á; tăng từ 5,2% đến 9,2%; xấp xỉ bằng mức trung bình của châu Âu, Bắc Mỹ và đã giữ ổn định trong mức 17,0%-17,9%.
Trong khi đó, số liệu thống kê từ năm 2021-2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, tỷ lệ người học đại học trong độ tuổi từ 18-22 của Việt Nam mới chỉ đạt từ 22,9% đến xấp xỉ 30%.
“Chúng ta chỉ ở tương đương mức bình quân của các nước có thu nhập trung bình và thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Ví dụ như Thái Lan là 34,8%, Singapore là 54,9%, Đức là 44,2%, Anh là 44,36% và Mỹ xấp xỉ 46%, thấp hơn hẳn những nước có thu nhập trung bình cao, tức là gần 37%”, Bộ trưởng cho hay.
Như vậy, mô hình hình tháp nhọn truyền thống lấy cơ sở là đào tạo sơ cấp, trung cấp đang dần không còn phù hợp và mức độ đáy của trình độ đào tạo nghề nghiệp đang dần tiệm cận lấy trình độ đại học làm chuẩn.
Vì vậy, cần tính toán lại ở tầm vĩ mô việc cơ cấu, quan điểm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Quan điểm thầy và thợ trong đào tạo nhân lực chất lượng cao cũng đang tiệm cận với nhau, rất khó phân biệt đâu là thầy, đâu là thợ, đặc biệt là các ngành nghề chất lượng cao và mũi nhọn.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Về nội dung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề mới nổi, công nghệ kỹ thuật mũi nhọn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi, chúng ta đang đào tạo trong bối cảnh nền kinh tế mà tỷ trọng các doanh nghiệp FDI khá lớn.
Đặc điểm của những doanh nghiệp FDI là thu hút đầu tư. Khi đó, một doanh nghiệp mới đến Việt Nam, bao giờ họ cũng sẽ đem đến những lĩnh vực Việt Nam chưa có hoặc là những lĩnh vực mới. Câu hỏi đặt ra là đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực chưa? Đó là câu hỏi khó trả lời.
Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng, phải phân tích được những khó khăn của đào tạo nhân lực để đáp ứng cho các doanh nghiệp FDI, với những lĩnh vực trong nước mà chúng ta chưa có. Kế hoạch và sự chủ động trong tương lai cần tăng lên mới có thể đáp ứng được những yêu cầu này.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đã giải trình trước Quốc hội về việc phát hành sách giáo khoa và các lợi ích nhóm - một vấn đề gây nhiều ý kiến trái chiều. Ông cho biết, trong vài năm gần đây, Bộ đã tiến hành nhiều biện pháp chấn chỉnh để ngăn chặn các lợi ích nhóm trong quá trình in ấn và phát hành sách. Một số cá nhân liên quan đã bị xử lý và hiện tại, nếu có bất kỳ cá nhân hoặc nhóm lợi ích nào vi phạm, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời./.