VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 7, 21/12/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpBồi thường bảo hiểm 10.000 tỷ: Cơ hội khi trụ vững qua 'thảm họa'

Bồi thường bảo hiểm 10.000 tỷ: Cơ hội khi trụ vững qua 'thảm họa'

10:48:00 AM GMT+7Thứ 7, 05/10/2024

“Thảm hoạ” mang tên Yagi đã thách thức khả năng chi trả bồi thường ngành bảo hiểm tại Việt Nam, đặc biệt là các DNBH phi nhân thọ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đây cũng là cơ hội để các DNBH cho thấy được sức mạnh tài chính và lấy được niềm tin với người dân

Con số thiệt hại cao nhất trong lịch sử

Tính đến thời điểm ngày 27/9/2024, các doanh nghiệp bảo hiểm đã ghi nhận khoảng 12.000 thông báo thiệt hại của người tham gia, chủ yếu đến từ mảng phi nhân thọ, ước tính thiệt hại là khoảng 9.000 tỷ đồng.

Riêng mảng nhân thọ, đã ghi nhận 23 trường hợp tử vong, 6 trường hợp chi trả thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe của các công ty AIA, Sunlife, Cathay Life, Dai – Ichi Life... Tổng số tiền ước tính chi trả quyền lợi bảo hiểm là khoảng 13 tỷ đồng.

Số liệu của Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm cho thấy, trong năm 2023 các DNBH đã chi bồi thường cho khách hàng tham gia gần 81.000 tỷ đồng. Trong đó, bồi thường mảng phi nhân thọ gần 24.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2024, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt hơn 41.000 tỷ đồng (tăng 6.81% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các DNBH phi nhân thọ chi bồi thường ước đạt trên 10.000 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ tính riêng thiệt hại của cơn bão số 3 (Yagi) sau hơn 1 tuần quét qua Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội và các tỉnh miền núi phía Bắc đã gây thiệt hại, phải bồi thường bảo hiểm gần bằng tổng số tiền chi trả quyền lợi của các DNBH phi nhân thọ trong nửa đầu năm 2024.

Một nhà máy bị thiệt hại nhà xưởng sau khi cơn bão số 3 quét qua. Ảnh: PVI

Trong đó, tính đến ngày 25/9/2024, Bảo hiểm PVI được cho là DN bảo hiểm chịu thiệt hại lớn nhất sau cơn bão số 3 (Yagi). Cụ thể, PVI đã ghi nhận 751 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, bảo hiểm xe cơ giới và con người, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 3.000 tỷ đồng.

Đứng sau là Bảo Việt, theo đại diện của doanh nghiệp, tính đến 25/09 đã ghi nhận hơn 900 vụ tổn thất với tổng giá trị ước tính thiệt hại lên tới 1.000 tỷ đồng.

Tương tự, bảo hiểm MIC, PJICO, BIC, PTI, ABIC… cũng đã ghi nhận hàng trăm vụ tổn thất, dự kiến tổng chi trả hàng ngàn tỷ đồng.

Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, đây là thiệt hại vô cùng lớn, có thể là cao nhất lịch sử ngành bảo hiểm nước nhà từ trước đến nay, tạo ra rất nhiều thách thức về khả năng vận hành, giám định và chi trả bồi thường của các DNBH, đặc biệt là mảng phi nhân thọ với các nghiệp vụ chủ yếu là bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hoá, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khoẻ.

Làm hết trách nhiệm, có được niềm tin

Chia sẻ với đầu tư Tài chính, đại diện của Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, mặc dù cơn bão số 3 đã đi qua, song công tác xác định và đánh giá thiệt hại sau bão cũng gặp không ít thách thức. Các khu vực bị ảnh hưởng thường bị cắt đứt liên lạc, cơ sở hạ tầng giao thông hư hỏng nặng, gây khó khăn cho việc tiếp cận. Các đội ngũ giám định thường phải đối mặt với tình trạng địa hình ngập nước, đổ nát, làm chậm tiến trình khảo sát.

Tuy nhiên, dựa trên kết quả đánh giá sau cơn bão, Bảo Việt đã khẩn trương thực hiện việc tạm ứng bồi thường hàng chục tỷ đồng theo đúng kế hoạch và tiến độ khắc phục, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, đảm bảo tài chính để nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Dự kiến, các đợt tạm ứng bồi thường bảo hiểm đầu tiên sẽ chiếm khoảng 10% tổng mức dự phòng bồi thường ước tính.

Tương tự, theo bảo hiểm PVI, hơn 10 ngày từ khi cơn bão số 3 đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc, Bảo hiểm PVI bắt đầu tiến hành tạm ứng chi trả cho những khách hàng bị tổn thất tài sản với số tiền là 15 tỷ đồng.

Việc nhanh chóng thực hiện tạm ứng trong thời gian ngắn phản ánh năng lực và khả năng đáp ứng nhu cầu chi trả bồi thường của doanh nghiệp sau thiên tai đồng thời giúp người dân, khách hàng phần nào giảm bớt gánh nặng tài chính trong gia đoạn khó khăn. Tuy nhiên việc đánh giá tổn lần này là không dễ dàng, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, do sức tàn phá quá khủng khiếp của cơn bão.

Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, động thái trên của các DNBH, đặc biệt là mảng phi nhân thọ cho thấy sự nỗ lực của các công ty bảo hiểm trong việc giải quyết quyền lợi và chi trả bồi thường cho người tham gia bị thiệt hại nặng sau cơn bão số 3 vừa qua, giúp người dân nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất.

Tuy nhiên, việc bồi thường sẽ theo quy định của điều khoản hợp đồng đã ký kết, phải tiến hành giám định, xác định được tổn thất…kể cả những thiệt hại lớn, phức tạp, mặc dù do thiên tai, bão lũ gây ra nhưng cũng phải hoàn thiện giấy tờ, chứng từ, thủ tục theo quy định.

“Thực tế cho thấy trong đợt bão lũ vừa qua, sau chỉ đạo của Chính phủ rất nhiều DNBH đã tạm ứng bồi thường hàng chục tỷ đồng cho khách hàng”, ông Dũng nói thêm.

Cũng theo ông Dũng, nhiều DNBH sẽ thuê một đơn vị giám định độc lập, để xác định thiệt hại, khi đã xác định được tổn thất và nhận được báo cáo cuối cùng của DN giám định đó, sẽ tiền hành bồi thường cho khách hàng. Ông Dũng ví dụ, một nhà xưởng bị sập hoàn toàn, cần phải giám định thiệt hại, xem tổn thất đến đâu, lên phương án sửa chữa khắc phục thế nào, duyệt chi phí hợp lý, hợp lệ theo điều khoản hợp đồng.

Việc chi trả bồi thường phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật về bảo hiểm vì liên quan đến thanh tra, kiểm toán về sau. Đồng thời, các DNBH còn nhận tiền tái bảo hiểm của các nhà tái trong nước cũng như quốc tế.

“Thiệt hại là rất lớn, nhưng các DNBH đã vào cuộc nhanh chóng, tập trung nguồn lực, sớm giám định thiệt hại và bồi thường theo đúng quy định. Đây cũng sẽ là cơ hội để các DNBH phi nhân thọ nói riêng và toàn ngành bảo hiểm nói chung khôi phục dần niềm tin với người dân”, ông Dũng khẳng định.

TheoXuân Thạch (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global