VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Chủ nhật, 22/12/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpBước ngoặt cải cách hệ thống điện Quốc gia

Bước ngoặt cải cách hệ thống điện Quốc gia

10:30:00 AM GMT+7Thứ 4, 04/09/2024

Việc tách A0 ra khỏi EVN để thành lập NSMO được kỳ vọng sẽ giúp thị trường điện minh bạch hơn.

Lãnh đạo EVN và NSMO ký kết tại lễ bàn giao. Ảnh: Đức Minh/BNEWS/TTXVN

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được chuyển về Bộ Công Thương trở thành Công ty TNHH MTV Vận hành Hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia (NSMO). Đây được xem là bước chuyển mình để đảm bảo Việt Nam có được một thị trường điện cạnh tranh và minh bạch, công bằng hơn và cùng đó tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia thị trường.

Tròn vai "nhạc trưởng" của hệ thống điện Việt Nam

NSMO là cơ quan điều độ hệ thống điện quốc gia, điều hành giao dịch thị trường điện lực theo quy định tại Luật Điện lực và pháp luật liên quan. Với vốn điều lệ là 776 tỷ đồng, NMSO tiếp nhận nguyên trạng A0 từ EVN.

Trước khi được tách ra khỏi EVN và chuyển giao về Bộ Công Thương, nhiều quan điểm cho rằng: A0 trực thuộc EVN đang nắm vai trò “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, ưu ái doanh nghiệp trong ngành và không minh bạch trong huy động nguồn điện.

Theo TS, Nguyễn Huy Hoạch, chuyên gia từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, việc tách A0 ra khỏi EVN để thành lập NSMO được kỳ vọng sẽ giúp thị trường điện minh bạch hơn. Người dân và các doanh nghiệp hy vọng công tác vận hành hệ thống điện, thị trường điện của NSMO sẽ đảm bảo tính minh bạch, không chịu tác động của EVN như là một bên tham gia có đặc quyền.

Mặt khác, EVN sẽ không còn phải mang tiếng “độc quyền” trong con mắt của các doanh nghiệp tham gia thị trường điện và khách hàng sử dụng điện.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, NSMO sẽ kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của A0. Đó là đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, cung cấp đủ điện phục vụ nhu cầu phụ tải của nền kinh tế và sinh hoạt của người dân.

Đến thời điểm hiện nay, thị trường bán buôn điện đã được triển khai giữa các tổng công ty phân phối và một số nhà máy điện trong nội bộ của EVN, chiếm tỷ lệ 37% nguồn điện toàn hệ thống. Việc mua, bán điện trực tiếp của các tổng công ty điện lực từ các nhà máy chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ từ 5-10% với giá dựa trên giá hạch toán nội bộ và phân bổ chi phí, chứ chưa phải được chào mua, bán trên thị trường điện. Vì vậy, quy định về thị trường chưa đáp ứng được yêu cầu minh bạch trong hoạt động thị trường điện với xã hội.

TS Nguyễn Huy Hoạch cho rằng, sau khi NSMO vận hành, EVN sẽ không còn giữ vai trò là nhà mua điện duy nhất, không còn độc quyền vận hành hệ thống. Các nguồn điện sẽ được huy động trên cơ sở chào giá cạnh tranh, công khai, minh bạch để tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới đây cũng bày tỏ, việc điều độ, vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia an toàn, ổn định và tin cậy là công việc rất hệ trọng, thuộc thẩm quyền, chức năng của cơ quan quản lý nhà nước nhằm bảo đảm khách quan, công bằng, công tâm giữa các đối tượng chịu sự tác động.

Với nhiệm vụ là "nhạc trưởng" của hệ thống điện Việt Nam, NSMO tiếp tục có nhiệm vụ lập phương thức chỉ huy vận hành hệ thống điện quốc gia với mục tiêu an toàn, ổn định, tin cậy, điều hành giao dịch thị trường điện đảm bảo công bằng, minh bạch.

Các điều kiện "cần" và "đủ"

Vận hành hệ thống điện quốc gia. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Nghị định 80/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30/7/2024 cho thấy, thị trường sẽ xuất hiện người mua mới (ngoài EVN) là các khách hàng sử dụng điện lớn (tiêu thụ từ 200.000 kWh/năm) và “đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được khách hàng sử dụng điện lớn ủy quyền mua điện từ các tổng công ty điện lực”.

TS. Nguyễn Huy Hoạch cho rằng, đối với thị trường điện cạnh tranh, dự thảo Luật Điện lực sửa đổi (tháng 8/2024) nêu nguyên tắc hoạt động là bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh.

Đồng thời, tôn trọng quyền được tự chọn đối tác và hình thức giao dịch của các đối tượng mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh. Nhà nước điều tiết hoạt động của thị trường điện cạnh tranh nhằm bảo đảm phát triển hệ thống điện bền vững, đáp ứng yêu cầu cung cấp điện an toàn, ổn định, hiệu quả.

"Nguyên tắc và mục tiêu là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, thực tế triển khai đầu tư các loại hình nguồn điện cho thấy, từ nay đến năm 2030 Việt Nam sẽ khan hiếm nguồn, nên người bán, người mua không có nhiều lựa chọn", TS. Nguyễn Huy Hoạch cho hay.

Để đảm bảo đủ điện cung cấp cho hệ thống từ nay đến năm 2030 cần thực hiện tốt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là 150.489 MW, tăng gần gấp đôi so với công suất hiện nay.

Với điện gió ngoài khơi là loại hình mới nên đến thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn chưa triển khai lựa chọn chủ đầu tư cho các dự án nguồn điện này. Còn thủy điện tích năng, như Bác Ái, Phước Hòa đều chưa thể đưa ngay vào vận hành trong giai đoạn hiện nay. Như vậy, cả với loại hình nguồn điện mới hay loại hình nguồn điện quen thuộc, khả năng đưa các dự án này vào vận hành năm 2030 đang là một câu hỏi lớn.

Các chuyên gia cho rằng, để NSMO hoàn thành tốt vai trò của mình cần cân đối cung, cầu, nghĩa là tạo điều kiện về pháp lý để huy động các nguồn đầu tư, có đủ nguồn điện tham gia thị trường, đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo, để bảo đảm cho NSMO tiếp tục vận hành ổn định, liên tục, hiệu quả sau chuyển giao, NSMO khẩn trương phối hợp chặt chẽ với EVN hoàn thành dự thảo Quy chế chế phối hợp hoạt động, vận hành giữa hai bên theo mô hình mới.

EVN tiếp tục hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án đang triển khai trước khi bàn giao chuyển về NSMO theo quy định của pháp luật; tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, toàn diện với NSMO trong điều hành hệ thống điện và thị trường điện, bảo đảm ổn định, hiệu quả.

TheoĐức Dũng/BNEWS/TTXVN
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global