VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 2, 25/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợp[Café Cuối tuần] Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm

[Café Cuối tuần] Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm

10:15:00 AM GMT+7Thứ 2, 18/11/2024

"Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" là một trong những thông điệp hết sức quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm. Thông điệp này cung cấp tầm nhìn chiến lược cho những cố gắng cải cách của Việt Nam chúng ta hiện nay.

 
TS. Nguyễn Sĩ Dũng. Ảnh: Baochinhphu.vn

Để "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", thì quan trọng nhất là phân cấp, phân quyền đầy đủ, rõ ràng cho địa phương.

Trên thế giới có 4 mô hình phân quyền cơ bản. Vấn đề là chúng ta cần lựa chọn mô hình hình phù hợp với định hướng chiến lược đã được đề ra, cũng là phù hợp với đòi hỏi của quá trình cải cách hiện nay. Bốn mô hình đó là:

1. Song trùng giám sát (Pháp): Chính quyền địa phương chịu sự giám sát đồng thời từ Bộ Nội vụ (về hành chính) và các bộ chuyên ngành (về kỹ thuật). Ngoài ra, chính quyền trung ương có đại diện của mình ở tất cả các cấp của chính quyền địa phương. Mô hình này bảo đảm kiểm soát chặt chẽ từ Trung ương đối với các chức năng của địa phương. Một phần của mô hình này đã từng được áp dụng ở nước ta trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

2. Song trùng trực thuộc (Xô viết): Các cơ quan hành chính địa phương vừa trực thuộc cấp trên theo ngành dọc, vừa trực thuộc của UBND cùng cấp, tạo ra sự phối hợp đa chiều trong quản lý. Về cơ bản, đây là mô hình đang được áp dụng ở nước ta. Tuy nhiên, một số địa phương đã xin được cơ chế đặc biệt để vượt ra khỏi mô hình này trong một số lĩnh vực.

3. Điều chỉnh (Regulation - Anh, Mỹ): Trung ương và địa phương có quyền hạn rõ ràng, độc lập theo quy định của pháp luật. Thẩm quyền giao cho Trung ương hoặc địa phương không bị chồng lấn, bảo đảm sự minh bạch và hiệu quả.

4. Bổ trợ (Subsidiary - Đức, Nhật): Thẩm quyền được giao tối đa cho cấp thấp nhất có khả năng thực hiện. Chỉ những nhiệm vụ vượt quá khả năng của cấp dưới mới được chuyển lên cấp cao hơn, thúc đẩy tính tự chủ và sáng tạo.

Trong 4 mô hình trên, thì rõ ràng mô hình bổ trợ là phù hợp nhất để thực hiện phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", theo như tầm nhìn của Tổng Bí thư Tô Lâm. Theo mô hình này, thẩm quyền được giao cho cấp thấp nhất có khả năng thực hiện, giúp địa phương tự chủ trong việc ra quyết định và triển khai chính sách, sát với thực tế địa phương. Khi địa phương tự quyết và thực thi, họ phải chịu tự trách nhiệm toàn diện, từ đó nâng cao năng lực quản trị và trách nhiệm giải trình.Địa phương cũng được quyền sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có để phát triển bền vững.

Trung ương chỉ can thiệp khi vấn đề vượt ngoài khả năng địa phương, nhờ vậy giảm được sự chồng chéo và tập trung được vào định hướng chiến lược quốc gia.

Phân quyền theo mô hình bổ trợ, thì phân ngân sách cũng phải theo nguyên tắc này. Địa phương chỉ có thể "quyết, làm và chịu trách nhiệm", khi có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện nhiệm vụ. Nếu không, quyền tự quyết sẽ trở nên hình thức, và mọi việc lại cũng đều phụ thuộc vào Trung ương.

Khi địa phương kiểm soát ngân sách, họ sẽ chủ động lên kế hoạch, ưu tiên sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế, thay vì chờ phân bổ từ trên. Phân ngân sách theo bổ trợ cũng giúp cấp thấp nhất sử dụng nguồn lực sát nhu cầu, giảm thiểu tình trạng chồng chéo, lãng phí do sự điều chỉnh không phù hợp từ Trung ương. Khi địa phương quản lý tài chính, họ phải chịu trách nhiệm toàn diện về việc sử dụng ngân sách, từ đó nâng cao minh bạch và trách nhiệm trước dân.

Để thực hiện hiệu quả tầm nhìn "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", ngoài việc phân quyền theo mô hình bổ trợ và phân bổ ngân sách phù hợp, một số điều kiện quan trong khác cũng cần được bảo đảm.

Trước hết là một khung luật pháp rõ ràng, đồng bộ, tạo hành lang pháp lý vững chắc để địa phương có quyền tự quyết mà không bị vướng mắc bởi sự chồng chéo trong quy định. Đồng thời, cần quy định rõ ràng cơ chế giám sát, trách nhiệm giải trình để bảo đảm việc thực thi đúng hướng.

Điều kiện thứ hai là nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý của địa phương. Cần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương về kỹ năng lãnh đạo, quản trị, và xử lý tình huống. Cán bộ địa phương cũng cần được tăng cường năng lực phân tích và lập kế hoạch chiến lược để bảo đảm các quyết định mang tính dài hạn và bền vững.

Điều kiện thứ ba là tăng cường cơ chế giám sát và kiểm tra. Cần đảm bảo sự giám sát hiệu quả từ Trung ương, Hội đồng nhân dân và người dân để ngăn ngừa lạm quyền và tham nhũng. Đồng thời cần xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả dựa trên kết quả đầu ra thay vì quy trình.

Điều kiện thứ tư là tăng cường vai trò giám sát của người dân và doanh nghiệp. Cần phát huy vai trò của người dân và doanh nghiệp trong việc giám sát, góp ý và hỗ trợ triển khai các chính sách; Tạo cơ chế đối thoại thường xuyên giữa chính quyền địa phương và các bên liên quan để bảo đảm mọi quyết sách sát thực tế.

Kết hợp các giải pháp trên cùng với phân quyền và phân ngân sách phù hợp sẽ giúp xây dựng một chính quyền địa phương năng động, tự chủ, và chịu trách nhiệm, thực hiện đúng tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Cuối cùng, hiện thực hóa tầm nhìn "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ là một bước tiến lớn trong tư duy cải cách, mà còn là giải pháp chiến lược để nâng cao chất lượng nền quản trị quốc gia. Khi địa phương được trao quyền tự chủ thực sự, đi kèm với trách nhiệm giải trình minh bạch, sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự sáng tạo, linh hoạt và hiệu quả trong quản lý. Đồng thời, mô hình này giúp Trung ương tập trung vào vai trò định hướng chiến lược, giảm thiểu tình trạng can thiệp vi mô, tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu suất điều hành.

Khi các địa phương được quyền quyết định, thực thi và chịu trách nhiệm với chính những quyết định của mình, năng lực quản lý địa phương sẽ được cải thiện, nguồn lực địa phương sẽ được khai thác tối đa, và niềm tin của người dân vào chính quyền sẽ được củng cố. Tầm nhìn này chính là chìa khóa mở ra con đường phát triển bền vững và vượt bậc, đưa Việt Nam vững bước trên hành trình trở thành một quốc gia hiện đại, tự cường và thịnh vượng. Đây là cải cách mang tính thời đại, phản ánh rõ quyết tâm và tầm nhìn chiến lược cho tương lai của đất nước.

TheoTS. NGUYỄN SĨ DŨNG / Tạp chí điện tử Nhà đầu tư
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global