VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 3, 08/10/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpCải cách môi trường kinh doanh là yếu tố quyết định tạo ra đột phá cho doanh nghiệp

Cải cách môi trường kinh doanh là yếu tố quyết định tạo ra đột phá cho doanh nghiệp

09:36:00 AM GMT+7Thứ 2, 23/09/2024

Để bùng lên 'ngọn lửa' lớn trong mỗi doanh nghiệp, doanh nhân, TS. Võ Trí Thành cho rằng, cải cách môi trường kinh doanh là yếu tố quyết định để tạo ra đột phá.

Thông điệp này được TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế đưa ra trong cuộc trao đổi với Báo Công Thương.

Cổ nhân có câu: "Phi công bất phú, phi thương bất hoạt" để nói lên tầm quan trọng bậc nhất, không thể thiếu của đội ngũ doanh nhân. Không có đội ngũ doanh nhân giỏi, dòng chảy kinh tế ngưng trệ, đất nước khó thịnh vượng… Ông nghĩ sao về câu nói này trong tiến trình phát triển của đất nước?

Cải cách môi trường kinh doanh là yếu tố quyết định tạo ra đột phá doanh nghiệp
Chuyên gia kinh tế - TS. Võ Trí Thành

Khi nhìn nhận từ góc độ của cổ nhân và trong bối cảnh lịch sử của dân tộc, có nhiều cách suy nghĩ khác nhau. Một câu nói nổi bật là “Phi công bất phú, phi thương bất hoạt”, thể hiện một quan điểm tích cực về vai trò của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dưới góc nhìn toàn diện hơn, tôi muốn chia sẻ hai điểm chính.

Thứ nhất, liên quan đến triết lý, con người sở hữu hai bản năng gốc. Bản năng đầu tiên là khám phá, với mong muốn mở rộng tri thức và sáng tạo, sau đó là nhận thức. Một ví dụ điển hình về sự phát triển có thể thấy ở câu nói cổ: “Nhất sĩ nhì nông. Nhất gạo chạy rông. Nhất nông nhì sĩ”. Bản năng thứ hai là sinh tồn, hướng tới việc cải thiện cuộc sống của con người, gắn với sự khám phá và thay đổi nhận thức. Chúng ta thường đề cập đến phát triển bền vững, mà hạnh phúc của người dân phải được đặt lên hàng đầu, lấy con người làm trung tâm. Tuy nhiên, điều quan trọng là ai sẽ thực hiện những điều này? Chắc chắn rằng đó chính là các hoạt động sản xuất và kinh doanh, tạo ra giá trị mới.

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh không chỉ tạo ra GDP, mà còn phản ánh sự khám phá và sáng tạo của con người. Chúng thể hiện thực tế về mong đợi phát triển và sinh tồn. Có thể khẳng định rằng thành bại của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào doanh nghiệp. Trong gần 40 năm đổi mới, cải cách tại Việt Nam đã mở ra cơ hội kinh doanh và hội nhập, tạo không gian cho sự phát triển.

Điều thứ hai là mang lại lợi ích cho người dân. Việc thừa nhận quyền tự do kinh doanh chính là hiện thực hóa mong đợi của con người. Gắn liền với gần 40 năm đổi mới là sự phát triển của khoảng 34 thế hệ doanh nhân Việt Nam, đặc biệt trong khu vực tư nhân. Hiện nay, có khoảng 800.000 doanh nghiệp hoạt động và gần 4-5 triệu hộ kinh doanh cá thể, chứng tỏ sự đa dạng trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là thương mại điện tử.

Từ câu chuyện nhận thức, chúng ta nhận thấy vai trò to lớn của doanh nghiệp và doanh nhân, đặc biệt là trong khối doanh nghiệp tư nhân. Nghị quyết 41 không chỉ khẳng định vai trò của doanh nghiệp, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của doanh nghiệp dân tộc, đặc biệt là những doanh nghiệp có khát vọng vươn lên để dẫn dắt nền kinh tế.

Ông nhìn nhận như thế nào về đóng góp của kinh tế tư nhân đối với phát triển chung của nền kinh tế? Tiềm năng, thế mạnh và “sức khỏe” của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang ở vị trí nào trong nền kinh tế toàn cầu?

Chia sẻ về sự trưởng thành của khu vực tư nhân và doanh nhân, chúng ta có thể thấy sự phát triển của 3-4 thế hệ doanh nhân và những câu chuyện xung quanh việc phát triển này. Bên cạnh những con số về số lượng doanh nghiệp và hộ kinh doanh, đóng góp của khu vực tư nhân cũng rất đáng chú ý, chẳng hạn như việc tạo công ăn việc làm và đóng góp vào ngân sách.

Thứ nhất, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chúng ta đang có sân chơi rất lớn. Theo Brand Finance, giá trị thương hiệu của Việt Nam đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ 2018 đến nay, từ dưới 250 tỷ lên gần 500 tỷ đồng. Điều đáng lưu ý là trong bảng xếp hạng giá trị thương hiệu có nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam, không chỉ doanh nghiệp nhà nước mà còn nhiều doanh nghiệp tư nhân.

Trong năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất trong top 10 đều thuộc về các doanh nghiệp tư nhân, giá trị lớn nhất thuộc về Viettel, khoảng 8 tỷ đồng.

Thứ hai, trong những năm gần đây, doanh nghiệp tư nhân đã bắt đầu tham gia vào các công trình yêu cầu khả năng công nghệ cao và quản trị tinh vi, như các dự án hạ tầng sân bay, hầm ngầm và các công trình phức tạp khác, với tốc độ thực hiện nhanh chóng.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sau giai đoạn tích lũy vốn đã chuyển hướng sang các lĩnh vực gắn liền với xu thế phát triển, không chỉ trong chuyển đổi xanh hay chuyển đổi số, mà còn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Việc dịch chuyển nguồn lực này được xem là điểm tựa cho sự phát triển bền vững và khả năng cạnh tranh quốc gia.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp tư nhân lớn đã bắt đầu thành lập các viện nghiên cứu. Dù những thay đổi này chưa thể bao trùm, nhưng chúng thể hiện những điểm tích cực của doanh nghiệp Việt, đặc biệt trong khu vực tư nhân. Tuy nhiên, khái quát lại, doanh nghiệp Việt, đặc biệt là khu vực tư nhân, vẫn cần cải thiện về số lượng và chất lượng. Chúng ta thường nói rằng mặc dù có nhiều doanh nghiệp, nhưng vẫn còn thiếu về chất lượng. Các vấn đề về nguồn lực, quản trị và khả năng tạo ra giá trị gia tăng vẫn còn hạn chế. Chúng ta thường nằm ở đáy của chuỗi giá trị toàn cầu, mặc dù có thể tham gia ở nhiều mức độ.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, khả năng thích ứng từ nhận thức đến thực tiễn vẫn còn hạn chế. Chúng ta mong muốn dựa vào năng suất, tăng cường chất lượng và đổi mới sáng tạo trong khoa học công nghệ, nhưng thực tế cho thấy nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Đối với các doanh nghiệp lớn, bên cạnh những chuyển biến tích cực, nhiều ý kiến cho rằng họ vẫn chưa gắn bó chặt chẽ với xu thế đổi mới công nghệ. Giá trị thương hiệu ở mức khu vực và toàn cầu còn hạn chế, và ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng chưa được nhiều người biết đến trong khu vực ASEAN.

Để hiện thực hóa khát vọng trở thành một quốc gia hùng cường trong 20-25 năm tới, chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực cải cách. Điều quan trọng là không chỉ cần số lượng mà còn phải hướng tới chất lượng. Chúng ta cần những doanh nghiệp lớn mạnh, có thương hiệu quốc tế, khả năng sáng tạo, kết nối và dẫn dắt.

Cải cách môi trường kinh doanh là yếu tố quyết định tạo ra đột phá doanh nghiệp
Cải cách môi trường kinh doanh là yếu tố quyết định tạo ra đột phá doanh nghiệp.(Ảnh: BNT)

Trong chương trình hành động của Chính phủ về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam có đưa ra những mục tiêu cụ thể về quy mô doanh nghiệp, tầm vóc doanh nhân… Những trên thực tế, ở đâu đó vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp “không muốn lớn” vì sợ các rủi ro về mặt thể chế, pháp lý… Ông nhìn nhận ra sao về thực tế này, và đâu là những điểm cần sớm khắc phục để khơi dậy khí thế, niềm tin cho doanh nghiệp, doanh nhân?

Câu chuyện về việc doanh nghiệp không muốn lớn hoặc không thể lớn có thể được nhìn nhận từ nhiều góc độ, trong đó có thị trường và sự lựa chọn của từng doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp có thể hài lòng với quy mô hiện tại của họ, nhưng tôi muốn bàn về khát vọng của chúng ta đối với đất nước và dân tộc. Khát vọng này phản ánh mong muốn thực sự của doanh nghiệp và doanh nhân. Vậy điều gì đã khiến họ không thể hoặc không muốn mở rộng?

Bên cạnh những vấn đề nội tại như nguồn lực và năng lực, có rất nhiều yếu tố liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh. Những yếu tố này bao gồm từ việc xây dựng pháp luật đến thực thi, và bao gồm cả tính hợp pháp và hợp lý trong các quy định. Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của niềm tin trong bối cảnh này.

Có ba khía cạnh chính cần xem xét. Thứ nhất, đó là nhận thức và quan niệm chính trị về vai trò của khu vực tư nhân và doanh nghiệp tư nhân. Chúng ta đã có những bước tiến đáng kể, đặc biệt là từ khi có Nghị quyết Trung ương Năm về động lực và vai trò của khu vực này. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số nghi ngại, đặc biệt từ các nhà nghiên cứu. Tôi tin rằng trong thời gian tới, chúng ta sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn về vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam.

Thứ hai, vấn đề môi trường đầu tư kinh doanh liên quan đến quyền tài sản, cạnh tranh bình đẳng, và khả năng tiếp cận các nguồn lực như vốn, đất đai, nhân lực, thị trường và công nghệ. Nghị quyết 41, một trong những nghị quyết quan trọng, đã chỉ ra rằng việc xây dựng môi trường an toàn và thể chế hóa cần được thực hiện một cách hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn về việc thực thi những điều này.

Cuối cùng, chúng ta cần xem xét vấn đề hỗ trợ. Mục tiêu phát triển doanh nghiệp dân tộc và các doanh nghiệp đầu đàn bên cạnh các startup và doanh nghiệp vừa và nhỏ rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta cần có cách thức hỗ trợ phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập; nếu không, các chính sách chỉ trở thành văn bản trên giấy và gây mất lòng tin.

Ngoài ra, những thách thức từ Covid-19 đến các chương trình phục hồi, cùng với tác động tiêu cực của cơn bão Yagi gần đây, cho thấy chúng ta cần các chính sách phản ứng nhanh chóng. Vấn đề cốt lõi là làm thế nào để các chính sách này thực sự đi vào cuộc sống và giúp người dân cảm nhận được hiệu quả của chúng.

Để giữ được ngọn lửa cải cách môi trường kinh doanh và làm bùng lên ngọn lửa lớn trong mỗi doanh nghiệp, doanh nhân về ý chí phát triển để xây dựng đất nước hùng cường, điều mà ông muốn gửi tới cơ quan quản lý nhà nước và tới các doanh nghiệp Việt là gì?

Tôi xin chia sẻ hai thông điệp ngắn gọn.

Thứ nhất, đối với Nhà nước và các cơ quan quản lý, cải cách thể chế là yếu tố quyết định để tạo ra đột phá. Cải cách thể chế không chỉ là việc hoàn thiện các quy định hiện hành mà còn phải xây dựng mới những quy định phù hợp. Thể chế có nhiều khía cạnh để phân tích, nhưng chúng ta sẽ nói về 3 điều đó là "luật chơi", "người chơi" và "cách chơi".

"Luật chơi", tức là các quy định pháp luật, cần được hoàn thiện và đổi mới để đáp ứng thực tế.

"Người chơi" và "cách chơi", tức là các phương pháp thực hiện và sự hiện thực hóa các giá trị hợp lý, cần được cải thiện để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và đất nước. Do đó, cần có một môi trường thử nghiệm cho các công chức, giúp họ làm việc hiệu quả mà không bị ràng buộc bởi lợi ích cá nhân và các quy trình hành chính phức tạp.

Thứ hai, doanh nhân và doanh nghiệp cần có sự phát động mạnh mẽ. Thành bại của đất nước trong quá trình phát triển phụ thuộc rất nhiều vào doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam. Sự khát vọng và nỗ lực của các doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân là yếu tố then chốt để xây dựng sự lớn mạnh của khu vực này.

Chúng ta cần tạo điều kiện để khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, và tôi tin rằng doanh nhân Việt Nam hoàn toàn xứng đáng với sự thành công và thương hiệu toàn cầu.

Xin cảm ơn ông!

TheoKhánh Ly (Báo Công Thương)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global