Chủ nhật, 20/04/2025 | English | Vietnamese
10:05:00 AM GMT+7Thứ 5, 10/04/2025
Trước thời điểm quyết định 9/4, thời hạn thuế đối ứng của chính quyền Tổng thống Trump có hiệu lực, làn sóng đàm phán thuế với Mỹ đang diễn ra dồn dập khi hơn 70 quốc gia đều nỗ lực vận động để trì hoãn hoặc được miễn trừ. Việt Nam, Nhật Bản, các nước EU và nhiều nền kinh tế mới nổi đều đang tích cực tiếp xúc, trong bối cảnh Mỹ chưa công bố rõ các điều kiện miễn trừ thuế quan.
Tối 7/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp khẩn với các bộ, ngành tại trụ sở Chính phủ để cập nhật tình hình và bàn thảo các biện pháp ứng phó sau khi Mỹ chính thức công bố danh sách hàng hóa bị áp thuế đối ứng, trong đó có sản phẩm từ Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đề nghị phía Mỹ tạm hoãn áp dụng thuế đối với Việt Nam trong thời gian tối thiểu 45 ngày. Đây sẽ là khoảng thời gian quan trọng để hai bên tiếp tục đối thoại, tìm kiếm thỏa thuận song phương hướng tới mục tiêu cân bằng thương mại một cách bền vững, cùng có lợi, đảm bảo lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng của hai quốc gia, đồng thời vẫn tôn trọng các cam kết quốc tế hiện hành của Việt Nam.
Thủ tướng cũng lưu ý việc triển khai các biện pháp thương mại cụ thể, trong đó có việc tăng cường nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm cả các mặt hàng chiến lược như quốc phòng – an ninh, và thúc đẩy tiến độ giao hàng các hợp đồng mua sắm máy bay. Mọi hành động sẽ được điều phối phù hợp với định hướng đã được thống nhất ở cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump.
Ngày 8/4, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) cũng đã chính thức kêu gọi chính quyền Tổng thống Donald Trump nêu rõ về các điều kiện đàm phán thuế, đặc biệt là những yêu cầu liên quan đến các rào cản phi thuế quan – yếu tố được đánh giá là không kém phần quan trọng so với chính sách thuế suất.
Chủ tịch AmCham Việt Nam, ông Mark Gillin, cho biết việc giảm thuế quan chỉ là một phần trong số các điều kiện mà Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đang xem xét. Ông nhấn mạnh rằng bên cạnh thuế suất, Mỹ cần sớm công khai các tiêu chí liên quan đến rào cản phi thuế – bao gồm các yêu cầu về minh bạch chuỗi cung ứng, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn lao động và môi trường.
Theo ông Gillin, phản hồi sau cuộc điện đàm với Tổng thống Trump cho thấy không gian đối thoại vẫn còn rộng mở, và nếu hai bên tiếp tục giữ thái độ tích cực, cơ hội đạt được kết quả đôi bên cùng có lợi là hoàn toàn khả thi. Ông cũng nhấn mạnh rằng trong lúc tiến hành các cuộc thảo luận, Mỹ nên tránh áp đặt các biện pháp thuế gây thiệt hại cho các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào quan hệ thương mại song phương.
Một lần nữa, AmCham kêu gọi Washington trì hoãn việc thực thi chính sách thuế đối ứng để dành thêm thời gian cho các cuộc thương lượng sâu hơn, từ đó xây dựng nền tảng ổn định và có thể dự đoán được cho các hoạt động kinh doanh giữa hai nền kinh tế.
Không chỉ Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent ngày 7/4 cho biết, khoảng 50 - 60, thậm chí lên tới 70 quốc gia, vùng lãnh thổ đã liên hệ với Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) để đàm phán thuế với Mỹ trước khi chính sách thuế đối ứng của Mỹ có hiệu lực từ ngày 9/4.
Các cuộc tiếp xúc đang diễn ra theo nhiều cấp độ: đàm phán cấp cao, vận động hành lang qua doanh nghiệp, gửi công hàm chính thức hoặc đề nghị đối thoại kỹ thuật. Điểm chung là hầu hết các quốc gia đều đề nghị được hoãn áp dụng thuế ít nhất vài tuần, thậm chí vài tháng, để có thêm thời gian thương lượng.
"Như tôi đã khuyên ngay từ đầu, giới chức các nước hãy bình tĩnh, không leo thang căng thẳng và hãy đưa ra cho chúng tôi những đề xuất về cách các bạn sẽ bãi bỏ thuế quan, bãi bỏ các rào cản phi thuế quan, cách các bạn sẽ chấm dứt trợ giá. Đến một thời điểm nào đó, Tổng thống Donald Trump sẽ sẵn sàng đàm phán", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent trả lời phỏng vấn Fox News.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở phòng Bầu dục hôm 7/4, khi được hỏi liệu có cân nhắc dành thêm thời gian để ban hành chính sách thuế quan toàn diện hơn, ông Trump nói: "Tôi không xem xét điều đó"., ông Trump khẳng định Mỹ “không nhất thiết phải dừng áp thuế”, nhưng “mở cửa cho các cuộc đàm phán thiện chí”.
Theo Tổng thống Trump, thuế quan "rất quan trọng" trong chương trình nghị sự kinh tế của ông. Tuy nhiên, ông vẫn phát tín hiệu cởi mở với một số cuộc đàm phán khi nói rằng các quốc gia có thể nỗ lực khôi phục sự cân bằng trong thương mại với Mỹ qua hành động khác.
Theo ông, nhiều nước đã đưa ra các đề nghị hấp dẫn như giảm mạnh thuế nhập khẩu hàng hóa Mỹ, hoặc tăng mua sản phẩm nông sản, nhưng chừng đó là chưa đủ. Washington sẽ xem xét từng trường hợp một, và ưu tiên những quốc gia “thực sự nghiêm túc điều chỉnh chính sách thương mại với Mỹ”.
Trong danh sách hơn 70 quốc gia tìm cách đối thoại với Washington, Nhật Bản là một trong những trường hợp đặc biệt khi được Mỹ ưu tiên mở đàm phán riêng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer là hai đầu mối của Washington để đàm phán thương mại với Nhật. Dự kiến, cuộc đàm phán đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 9/4.
Nhật Bản, quốc gia dự kiến bị áp thuế suất 24%, đã thiết lập kênh đối thoại song phương với Mỹ ngay từ đầu tháng 4, với nội dung tập trung vào thuế xuất nhập khẩu và hợp tác chuỗi cung ứng.
Nhật Bản được đánh giá là đối tác chiến lược của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời đóng vai trò then chốt trong ngành sản xuất chip, công nghệ cao và năng lượng sạch. Việc Tokyo đồng thuận với nhiều chính sách kiểm soát xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc cũng khiến họ trở thành quốc gia "được lòng" Washington.
"Trong số các đối tác thương mại hành động nhanh chóng để xúc tiến đàm phán với Mỹ, Nhật Bản sẽ được ưu tiên”, ông Bessent cho biết.
Chia sẻ trên mạng xã hội X, ông Bessent cũng thông báo về lịch trình đàm phán với Nhật, cho biết ông và ông Greer đã được giao nhiệm vụ tiến hành đám phán để thực hiện tầm nhìn của Tổng thống Trump về “Kỷ nguyên vàng mới của thương mại toàn cầu” với Nhật Bản.
Trước đó, theo kế hoạch từ Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), danh sách các nước bị áp thuế hoặc được miễn trừ sẽ được công bố sớm nhất trong ngày 9/4 (giờ Washington). Một số nguồn tin cho biết Mỹ đang cân nhắc áp thuế theo nhóm hàng hóa cụ thể, với mức thuế khác nhau tùy từng quốc gia và mức độ hợp tác.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global