Thứ 6, 04/07/2025 | English | Vietnamese
02:07:00 PM GMT+7Thứ 6, 04/07/2025
Hàng loạt thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ được xử lý trong 1 ngày.
![]() ![]() |
6 tháng đầu năm, cả nước có trên 91.000 doanh nghiệp thành lập mới và 61.000 doanh nghiệp tái gia nhập thị trường. Ảnh: ST. |
Cắt giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục
Kể từ ngày 1/7/2025, thời điểm hiệu lực của Nghị định 168/2025/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, thời gian giải quyết nhiều thủ tục hành chính chỉ còn 1 ngày làm việc. So với thời gian 3 ngày theo quy định Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp trước đây, đây là điểm khác biệt đáng kể.
Trao đổi với phóng viên Điện tử Đầu tư - baodautu.vn, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) cho biết, nguyên tắc thiết kế các thủ tục hành chính tại Nghị định 168/2025/NĐ-CP là loại bỏ các giấy tờ không cần thiết trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh, đảm bảo nguyên tắc người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự kê khai, tự chịu trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi thực hiện thủ tục hành chính.
“Đây chính là việc thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ chính trị. Ngay trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện các dự thảo, Ban soạn thảo liên tục rà soát, đảm bảo các thủ tục hành chính được quy định là cần thiết, phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, minh bạch hóa môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời, đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh", theo đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể.
Hoàn thiện cơ chế đăng ký doanh nghiệp trên môi trường điện tử
Đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể cũng cho biết, Nghị định 168/2025/NĐ-CP cũng thể chế hóa nhiều nội dung của Nghị quyết 57-NQ/TW ngày về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt đã hoàn thiện cơ chế đăng ký doanh nghiệp trên môi trường điện tử, khai thác và chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Cơ sở dữ liệu về đăng ký hộ kinh doanh với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác.
Cụ thể, Nghị định 168/2025/NĐ-CP đã bổ sung quy định về việc chia sẻ, sử dụng thông tin đăng ký doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, không yêu cầu doanh nghiệp nộp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
Nghị định bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước kết nối, chia sẻ với Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để khai thác thông tin đăng ký doanh nghiệp. Qua đó, hạn chế yêu cầu doanh nghiệp nộp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh, góp phần cắt giảm chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính có liên quan đến doanh nghiệp.
Nghị định 168/2025/NĐ-CP cũng quy định tất cả các thủ tục đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh được thực hiện trên môi trường điện tử; 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến toàn trình cấp độ cao nhất (cấp độ 4) theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026.
Cũng phải nhấn mạnh, các quy định tại Nghị định đã được cập nhật để phù hợp với yêu cầu phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong quản lý nhà nước, đặc biệt là tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Cụ thể là phân định thẩm quyền đăng ký hộ kinh doanh cho cấp xã thay vì cấp huyện như trước đây, phù hợp với tinh thần phân quyền và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Tối ưu công cụ hậu kiểm
Như vậy là đến thời điểm này, 100% thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp và đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện trực tuyến thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Cũng phải làm rõ, Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp được vận hành từ năm 2010, thực hiện lưu trữ toàn bộ các thông tin về địa vị pháp lý và các thông tin có liên quan của doanh nghiệp. Cho đến nay, Hệ thống đã được kết nối, chia sẻ với các hệ thống thông tin có liên quan như Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Hệ thống định danh và xác thực điện tử, Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống quản lý thuế...
Điều này một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đồng thời là công cụ hiệu quả quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thực hiện nghiêm nguyên tắc chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn liền với công tác kiểm tra sau đăng ký thành lập.
Cùng với đó, Nghị định 168/2025/NĐ-CP đã giải quyết nhiều tồn tại trước đó trong hoạt động đăng ký kinh doanh, như việc sử dụng căn cước của người khác để thành lập doanh nghiệp, gây ra nhiều hệ lụy.
Khoản 13 Điều 3 của Nghị định đã quy định về xác thực điện tử. Đây là hoạt động xác thực danh tính đối với người nộp hồ sơ, người ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh.
Như vậy, với việc xác định rõ “người nộp hồ sơ là người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh hoặc người được người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh”, Nghị định đã đảm bảo xác thực người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Thủ tục này được thực hiện trước khi Cơ quan đăng ký kinh doanh quyết định việc giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp, nên không còn hiện tượng dùng căn cước của người khác để đăng ký thành lập doanh nghiệp.
6 tháng đầu năm, cả nước có trên 91.000 doanh nghiệp thành lập. Cùng với đó, có hơn 61.000 doanh nghiệp tái gia nhập thị trường trong 6 tháng qua, tăng trên 57% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, thông tin tại Cuộc họp báo thường kỳ quý II/2025 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 2/7, bà Trịnh Thị Hương, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể cho biết, lần đầu tiên, tổng số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường đã cao hơn số doanh nghiệp rút lui - vượt hơn 1,2 lần.
“Đây là tín hiệu cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế đang được củng cố mạnh mẽ,” bà Hương đánh giá.
Không chỉ dừng lại ở doanh nghiệp, khu vực hộ kinh doanh cũng ghi nhận bước tăng trưởng ấn tượng. Trong tháng 6, số hộ kinh doanh thành lập mới tăng 118% so với cùng kỳ năm trước và tăng hơn 60% so với tháng trước đó. So với mức bình quân tháng trong 2 - 3 năm gần đây, con số này cao gấp 2,4 lần.
Một điểm sáng khác là quy mô vốn bổ sung của các doanh nghiệp đang hoạt động cũng tăng mạnh - trên 170% so với cùng kỳ năm 2024.
“Đây là các doanh nghiệp đang hoạt động, đã có trải nghiệm thực tế. Việc doanh nghiệp có kế hoạch, mở rộng quy mô vốn cho thấy họ nhìn nhận thấy cơ hội kinh doanh cũng như tiềm năng của thị trường đang rất khả quan. Kết quả này cho thấy rằng, các chính sách của Đảng, Nhà nước đã bắt đầu đi vào cuộc sống, khuyến khích được cộng đồng tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp vào nền kinh tế độc lập và tự chủ và bền vững”, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.
02:32:00 PM GMT+7Thứ 6, 04/07/2025
02:30:00 PM GMT+7Thứ 6, 04/07/2025
02:28:00 PM GMT+7Thứ 6, 04/07/2025
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global