VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Chủ nhật, 20/04/2025 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpChủ tịch ACB: ‘Bài toán kinh doanh 2025 còn nhiều ẩn số’

Chủ tịch ACB: ‘Bài toán kinh doanh 2025 còn nhiều ẩn số’

03:00:00 PM GMT+7Thứ 4, 09/04/2025

Lãnh đạo ACB đánh giá chính sách thuế quan của Mỹ ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam. ACB luôn chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh ở bất kỳ tình huống nào.

 
Ngân hàng ACB tổ chức đại hội sáng ngày 8/4. Ảnh: Q.A

Quý I thực hiện 20% kế hoạch lợi nhuận

Sáng ngày 8/4, Ngân hàng ACB (mã: ACB) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2025. Lãnh đạo nhà băng báo cáo trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả năm dự kiến đạt 8% trở lên, lạm phát bình quân khoảng 4,5% - 5%, triển vọng phục hồi của khu vực doanh nghiệp, ngân hàng sẽ tăng trưởng ổn định về quy mô tổng tài sản và duy trì khả năng sinh lời.

Theo đó, HĐQT trình mục tiêu tăng 14% tổng tài sản lên 984.967 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 14% lên 728.409 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 16% lên 673.596 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5%.

Tuy nhiên, kế hoạch kinh doanh này được đặt ra trước khi chính sách thuế quan mà Mỹ vừa công bố vào đầu tháng 4 với tỷ lệ thuế đối ứng 46% gây sốc. Tại đại hội, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc cho biết ngay khi chính sách thuế quan của Mỹ công bố, ACB đã xem xét lại danh mục khách hàng.

Nhìn chung, danh mục khách hàng của ACB khá đặc thù, cá nhân khoảng 65%, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) 29%, phần còn lại là doanh nghiệp lớn và FDI. Với nhóm doanh nghiệp FDI, trong quá trình phát triển, nhà băng đặt quy tắc là không muốn có sự tập trung vào thị trường duy nhất.

Do vậy, ACB vẫn duy trì mức tăng trưởng tín dụng 16 – 18%. Bên cạnh thế mạnh khách hàng cá nhân, ngân hàng nhận thấy mảng doanh nghiệp lớn và FDI rất tiềm năng. Nhóm này mới chỉ chiếm tỷ trọng cho vay rất nhỏ trong cơ cấu khách hàng của ACB và còn không gian phát triển rất lớn.

Với mảng huy động, ông Phát nhận xét lãi suất huy động tăng nhẹ gần đây. Song, với nội lực và động thái của Chính phủ, lãi suất huy động sẽ giữ ổn định thời gian tới. Lãnh đạo ACB nhìn nhận có những yếu tố vừa tích cực, vừa tiêu cực ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Tích cực là nhu cầu tín dụng cá nhân tăng trở lại, thị trường bất động sản phía Nam khởi sắc, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp tăng trở lại. Tuy nhiên, chính sách thuế quan của Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam chịu ảnh hưởng từ tỷ giá, nhu cầu tín dụng toàn hệ thống có thể chậm lại. NIM sinh lợi của các ngân hàng không tăng được và khó cải thiện thời gian tới.

Theo ông Phát, Ngân hàng ACB luôn chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh ở bất kỳ tình huống nào. Đồng thời, ngân hàng cố gắng kiểm soát nợ xấu thấp để gia tăng lợi nhuận.

Trong quý đầu năm, nhà băng ghi nhận tín dụng tăng 3%, huy động tăng trên 2%, nợ xấu có tín hiệu tích cực. Nợ xấu tính đến hết quý I ở mức 1,34% giảm từ mức 1,39% so với năm trước. Lợi nhuận dự kiến hoàn thành 20% kế hoạch cả năm. “Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận cải thiện qua từng tháng, từng quý và hoàn thành kế hoạch năm”.

Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT bày tỏ năm 2025 tiếp tục khó khăn khi mà diễn biến quý I khó lường, cầu thị trường giảm sút mạnh. Đặc biệt, trong những ngày đầu tháng 4, mức áp thuế đối ứng 46% lên thị trường Việt Nam của Mỹ đã làm xuất hiện những động thái tiêu cực trên thị trường chứng khoán, thể hiện sự quan ngại sâu sắc của nhà đầu tư. Việt Nam là nước xuất khẩu mạnh, có nhiều khoản đầu tư FDI. Do vậy, bài toán kinh doanh 2025 còn nhiều ẩn số và đó là một trong những việc ACB phải giải quyết trong phần còn lại của năm.

Song song đó, ACB tiếp tục chiến lược 5 năm tiếp theo 2025 – 2030. Nếu bỏ qua ngắn hạn và nhìn vào trung dài hạn thì ngành tài chính đối mặt với 3 thách thức. Thứ nhất là cạnh tranh giữa các ngân hàng để giữ chân khách hàng ngày càng gay gắt hơn. Thứ 2, Việt Nam ngày càng mở cửa thị trường, việc tuân thủ quy định của các ngân hàng ngày càng gắt gao. Yếu tố thứ 3 là công nghệ, năm 2024, công nghệ về Gen AI có bước tiến vượt bậc và công nghệ về an ninh, tấn công mạng ngày càng tinh vi và đó là điều mà ACB phải tiếp tục đầu tư, song song đó thì cơ hội áp dụng công nghệ vào việc tạo ra sản phẩm mới.

Theo đó, việc đầu tư của ACB cần được đẩy mạnh trong thời gian tới. Trước tiên, ACB vẫn thúc đẩy thế mạnh là mảng bán lẻ và cũng tập trung vào phát triển khách hàng doanh nghiệp; phát triển năng lực mới, thay đổi phương thức hoạt động để phát triển bền vững; đầu tư cơ sản hạ tầng, áp dụng công nghệ AI vào vận hành và kiểm soát rủi ro.

Ông Trần Hùng Huy phát biểu tại đại hội. Ảnh: Q.A

Chia cổ tức tỷ lệ 25%, chưa có kế hoạch IPO ACBS

Nhìn lại năm 2024, Ngân hàng ACB báo cáo tổng tài sản tăng 20%, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 19,4%, cho vay khách hàng tăng 19%; đều vượt từ 4% cho đến 8% kế hoạch năm. Riêng lợi nhuận trước thuế chỉ thực hiện được 95% kế hoạch năm với 21.006 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023. Mặc dù đà tăng chững lại nhưng ACB vẫn duy trì được chuỗi tăng trưởng 11 năm liên tiếp.

Với kết quả đó, HĐQT trình phương án chia cổ tức tỷ lệ 25% cho năm 2024 gồm 15% cổ phiếu và 10% tiền mặt. Theo đó, vốn điều lệ sẽ cán mốc 2 tỷ USD sau chia.

Với phương án chia cổ phiếu, nhà băng sẽ phát hành thêm 670 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 51.367 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Thời điểm hoàn tất dự kiến trong quý III. HĐQT đánh giá việc tăng vốn điều lệ là cần thiết đối với ngân hàng để thêm nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ; xây dựng văn phòng làm việc, cải tạo, sửa chữa, di dời trụ sở kênh phân phối; nâng cao năng lực tài chính…

Năm 2025, Ngân hàng ACB dự kiến duy trì mức chi trả cổ tức tỷ lệ 25% bằng tiền mặt, bao gồm 15% cổ phiếu và 10% tiền mặt. Từ năm 2020, ACB đã bắt đầu triển khai chính sách trả cổ tức tỷ lệ 25% và duy trì đều đặn đến nay.

Trong thời gian qua, ACB rót vốn mạnh vào ACBS. Việc này nhận được nhiều câu hỏi quan tâm của cổ đông. Ông Phát cho biết ACB đã tăng vốn cho ACBS từ 7.000 tỷ lên 10.000 tỷ. Trong tháng 4, ngân hàng tiếp tục tăng vốn cho ACBS lên 11.000 tỷ. Việc tăng vốn có hai cấu phần.

Cấu phần đầu tiên, ACB tăng vốn cho ACBS thêm 3.000 tỷ để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh. Với vốn mới, ACBS sẽ là một trong 5 công ty chứng khoán có vốn lớn nhất và có thể tiếp tục gia tăng những năng lực liên quan công nghệ.

Cấu phần còn lại là có thể khai thác tiềm năng lớn trong hệ sinh thái của ACB và ACBS, cộng hưởng tất cả những hoạt động. Với 1.000 tỷ dự kiến tăng thêm là tăng cho công ty con của ACBS - công ty quản lý quỹ. Trong thời gian tới, ACBS sẽ có những sản phẩm về đầu tư cũng như sản phẩm mới cung cấp đến khách hàng cá nhân.

Liên quan vấn đề bán vốn ACBS, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT cho biết ACB từng muốn tìm đối tác đến bán vốn ACBS nhưng trong quá trình tìm hiểu đối tác không đáp ứng các tiêu chí của ngân hàng. Trong bối cảnh hiện nay, ACB đã ngưng kế hoạch bán vốn ACBS và cũng chưa có kế hoạch IPO ACBS.

Đại hội kết thúc với việc các tờ trình được thông qua.

TheoMỹ Hà (Tạp chí điện tử Nhà đầu tư)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global