Chủ nhật, 13/04/2025 | English | Vietnamese
08:41:00 AM GMT+7Thứ 7, 12/04/2025
Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công về nguy cơ thương chiến toàn cầu; cũng như những khuyến nghị để thích ứng với bối cảnh đầy thách thức này.
Trải qua hơn một tuần đầy biến động với các cung bậc cảm xúc xoay quanh "cơn địa chấn" thuế đối ứng của Hoa Kỳ, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về một trật tự thương mại đang thay đổi mạnh mẽ, khó lường, không có thời gian cho sự "chậm chân". Ngày 11/4, tại trụ sở Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, đánh giá về tình hình hiện tại, góc nhìn của đại diện cộng đồng doanh nghiệp về nguy cơ thương chiến toàn cầu; cũng như những khuyến nghị với Chính phủ, các cấp ngành và doanh nghiệp để thích ứng với bối cảnh đầy thách thức này.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tình hình và những khó khăn chung của thương mại toàn cầu hiện nay, nhất là sau động thái áp thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Hoa Kỳ của Chính quyền Tổng thống Donald Trump?
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Hiện nay, bức tranh thương mại thế giới đã thay đổi rất nhiều. Chủ nghĩa bảo hộ đang dần quay trở lại với những vấn đề xung đột giữa hai xu thế bảo hộ và thương mại tự do...
Hoa Kỳ là một thị trường lớn. Trong xu thế toàn cầu hóa và thương mại tự do thì hành động áp thuế nói trên là một cú shock. Có thể hình dung, giống khi dòng chảy thương mại toàn cầu bị chặn lại, hậu quả thật khó lường.
Trước cú shock này, phản ứng của các nước là rất gay gắt, kể cả là với những nước là đồng minh của Mỹ. Hiện cũng có nhiều quan điểm trái chiều, nhưng điều không thể phủ nhận đó là chỉ với một thay đổi đã kéo theo những phản ứng dây chuyền khiến cho cả thế giới như rơi vào cơn "địa chấn" thương mại trong những ngày qua.
Phóng viên: Dường như đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam gặp phải thách thức lớn như thế này từ cú shock về thương mại quốc tế?
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Đúng là đối với Việt Nam, đây không phải là lần đầu tiên chúng ta gặp chấn động lớn như thế này. Nhìn lại cách đây 30 năm, khi Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới, cũng đã phải đối mặt với những tình huống vô cùng ngặt nghèo khi kinh tế các nước Đông Âu cũ bị phân rã...
Bây giờ, chúng ta đang bắt đầu khởi động một kỷ nguyên mới thì thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu là Hoa Kỳ lại thay đổi toàn bộ chiến lược. Tôi tin rằng, chúng ta đã có kinh nghiệm từ bài học trước kia. Trong khó khăn chung, Việt Nam luôn tìm ra những động lực phát triển mới; thậm chí, tranh thủ bối cảnh để trong "nguy" thấy "cơ" và "bay" lên.
Bây giờ là lúc, chúng ta cần phải xác định, tìm ra con đường phát triển mới. Bối cảnh này rất cần sự bình tĩnh, rồi sẽ có giải pháp!
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về phản ứng của Chính phủ, các cấp ngành trong bối cảnh này?
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Những ngày qua, Chính phủ, các cấp ngành và doanh nghiệp đã rất tích cực tìm kiếm giải pháp. Sau cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump, Chính phủ và Đặc phái viên của Tổng Bí thư đang trên đường qua Mỹ làm việc một cách rất chủ động và tích cực, nỗ lực thúc đẩy định hướng chung để đàm phán sao cho đạt được kết quả thuận lợi nhất.
Ở trong nước, Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng tạo nhóm chuyên trách, tích cực làm việc và phối hợp với các tổ chức, các hiệp hội ngành hàng như với Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) hay Phòng Thương mại Mỹ tại Washington để tiếp sức cùng Chính phủ Việt Nam tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. VCCI cũng đồng thời gửi thư và nhận được ngay phản hồi ủng hộ từ các đối tác thân thiện khác như Phòng Thương mại Los Angeles, Phòng Thương mại San Francisco để tạo nên một liên minh doanh nghiệp, cùng đồng lòng lên tiếng phản đối việc áp dụng thuế quan của Tổng thống Donald Trump. Việc tạo nên tiếng nói chung và nhận được sự ủng hộ của giới doanh nghiệp Hoa Kỳ, cùng với phản ứng của thị trường chứng khoán toàn cầu đã tạo nên sức ép rất lớn khiến chính quyền Donald Trump phải tuyên bố lui lại việc áp thuế 90 ngày.
Đối với chính phủ các nước thì 90 ngày này là khoảng thời gian để kịp thời đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận tốt nhất cho doanh nghiệp. Còn với các doanh nghiệp thì đây cũng là cơ hội để tận dung 90 ngày hưu chiến này xử lý các vấn đề của doanh nghiệp như: các hợp đồng đã ký kết, việc xử lý hàng hóa, dây chuyền sản xuất sẽ như thế nào, phương án nối lại thị trường ra sao?
Đây là lúc cần sự liên kết giữa các quốc gia trong việc đàm phán để đạt được thỏa thuận, riêng lẻ sẽ rất là bất lợi. Cụ thể như Cộng đồng các nước ASEAN chẳng hạn, mỗi quốc gia có thể có những đặc thù riêng, nhưng cần có những thống nhất về nguyên tắc chung như thúc đẩy tự do thương mại toàn cầu, tôn trọng và tuân thủ luật lệ thương mại quốc tế….
Đối với Việt Nam, trong 90 ngày tới, có những việc cần làm. Một là, phải ưu tiên đàm phán sao cho đạt kết quả tốt nhất, đảm bảo cho Việt Nam không mất đi những lợi thế cạnh tranh vốn có và những bước lùi cần nằm trong sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt Nam.
Hai là, cần định vị những giải pháp, xây dựng được những kịch bản để giữ thế chủ động trong thích ứng. Nếu đàm phán đạt kết quả cao, kết quả trung bình hay kết quả thấp thì giải pháp tương ứng để xử lý là gì? Chiến lược, định hướng phát triển nền kinh tế và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân sẽ như thế nào?
Đây cũng là cơ hội để chúng ta xem xét lại và chuyển đổi, chắc chắn sẽ cần phải có sách lược. Đó là việc tiếp tục nỗ lực đổi mới thể chế và môi trường kinh doanh; là việc đa dạng hóa thị trường và sản phẩm; phải xác định lại sức mạnh, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thời gian tới. Đây cũng là thời điểm phù hợp để phát huy và có động lực thay đổi theo các chiến lược mà Đảng, Chính phủ đang chủ trương như sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy Nhà nước, sắp xếp lại các địa phương để tạo thêm không gian phát triển mới, thúc đẩy các chiến lược về khoa học công nghệ… nhằm nâng sức cạnh tranh và nâng cao giá trị, vị thế cho Việt Nam.
Việc đa dạng hóa thị trường cần nhìn rộng hơn bằng việc chọn thêm trụ cột mới của nền kinh tế. Đó là phát triển thị trường nội địa song song với xuất khẩu. Cùng với việc mở thêm không gian cho các thị trường mới thông qua việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thì cũng phải phát huy mạnh hơn nữa những chính sách, cơ chế hỗ trợ thúc đẩy tiêu dùng trong nước; dành một phần tăng thu ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển song song với thúc đẩy đầu tư công.
Điều quan trọng cần làm là hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, chuyển đổi công nghệ, các công cụ về tài chính, về đất đai, tạo thêm các quỹ, các chương trình khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ không chỉ tự nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn có thể xoay chuyển được tình hình, tìm cách xoay ngược dòng hàng hóa, biến Việt Nam sớm trở thành trung tâm giao dịch hàng hóa quốc tế trong tương lai gần.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global