VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 5, 22/05/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpChuỗi cung ứng toàn cầu chao đảo vì Trung Quốc siết xuất khẩu đất hiếm

Chuỗi cung ứng toàn cầu chao đảo vì Trung Quốc siết xuất khẩu đất hiếm

12:15:00 PM GMT+7Thứ 3, 20/05/2025

Việc chậm trễ trong cấp phép theo quy định mới của Trung Quốc đang đặt hàng loạt ngành công nghiệp chiến lược từ xe điện, máy bay chiến đấu tới công nghệ cao, vào tình trạng rủi ro cao, đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt nguy cơ gián đoạn sâu rộng.

Là quốc gia chiếm thế thống trị trong chuỗi giá trị đất hiếm toàn cầu, Trung Quốc gần đây đã áp đặt các biện pháp kiểm soát mới đối với việc xuất khẩu 7 nguyên tố đất hiếm quan trọng cùng các loại nam châm vĩnh cửu, thành phần cốt lõi trong sản xuất ô tô điện, tua-bin gió, robot hình người và máy bay chiến đấu thế hệ mới.

Động thái này được đánh giá là một bước đi có tính toán nhằm tăng cường đòn bẩy chiến lược của Bắc Kinh trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung có dấu hiệu gia tăng.

Theo quy định mới, các doanh nghiệp Trung Quốc buộc phải xin giấy phép xuất khẩu từ Bộ Thương mại. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất và hiệp hội ngành nghề phản ánh quá trình phê duyệt hiện đang bị trì hoãn nghiêm trọng, không theo kịp nhu cầu thị trường, từ đó gây ra gián đoạn đáng kể trong nguồn cung nguyên liệu cho các tập đoàn công nghiệp lớn tại Mỹ, châu Âu và Đông Á.

Mặc dù Trung Quốc đã bắt đầu phê duyệt một số giấy phép xuất khẩu sang châu Âu sau nhiều tuần chậm trễ, giới chuyên môn nhận định tiến độ này là quá chậm để đáp ứng thực tiễn sản xuất. Các hiệp hội ngành hàng trong nước cũng cho rằng quy trình hiện hành thiếu minh bạch và linh hoạt, tiềm ẩn nguy cơ gây đứt gãy chuỗi sản xuất trong nhiều lĩnh vực chiến lược.

Ông Wolfgang Niedermark, thành viên ban điều hành Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI), cảnh báo: “Cánh cửa để tránh thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất tại châu Âu đang nhanh chóng khép lại”.

Bản đồ các loại đất hiếm có tại Trung Quốc (Ảnh: sciencedirect.com)

Cùng lúc, các tập đoàn công nghiệp lớn của Mỹ như Tesla, Ford và Lockheed Martin cũng bày tỏ lo ngại trong các cuộc họp nhà đầu tư gần đây, phản ánh mối quan ngại sâu sắc về sự phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc.

Riêng Lockheed, nhà sản xuất chiến đấu cơ F-35, cho biết công ty đã tích trữ đủ đất hiếm cho cả năm 2025 và hy vọng chính phủ Mỹ sẽ đảm bảo ưu tiên nguồn cung cho các dự án quốc phòng trọng điểm.

 

Một lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Trung Quốc gọi tình trạng hiện nay là “không thể chấp nhận được” và cho thấy năng lực thực thi của hệ thống hành chính đang không theo kịp quy mô ảnh hưởng. “Họ đã đánh giá thấp tác động và chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về mặt vận hành”, vị này nhấn mạnh.

Điều đáng chú ý là quy định siết xuất khẩu được ban hành chỉ vài ngày sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố gói thuế quan quy mô lớn hôm 2/4. Giới quan sát nhận định đây là phản ứng địa chính trị rõ nét từ phía Bắc Kinh, thể hiện chiến lược sử dụng lợi thế tài nguyên làm công cụ gây áp lực đối ngoại trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt.

Nam châm vĩnh cửu, một sản phẩm từ đất hiếm, là thành phần không thể thiếu trong động cơ phản lực và vũ khí định hướng của các dòng máy bay chiến đấu hiện đại như F-35, cho thấy tầm quan trọng của nguyên liệu này trong chuỗi giá trị quốc phòng và công nghệ cao.

Một số chuyên gia tin rằng vẫn có một lượng nguyên liệu đang được xuất khẩu lặng lẽ ra khỏi Trung Quốc dù chưa có giấy phép chính thức. Ông Cameron Johnson, đối tác tại Tidalwave Solutions, cho biết các công ty có quan hệ lâu dài với Trung Quốc có thể vẫn duy trì được nguồn tiếp cận, song ông cảnh báo không nên trông đợi sự ổn định dài hạn từ kênh này.

Công tường khai thác đất hiếm tại Trung Quốc (Ảnh: VCG)

Trong khi đó, ông Cory Combs, Giám đốc hãng tư vấn Trivium China, đánh giá hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về việc Trung Quốc phong tỏa hoàn toàn xuất khẩu, nhưng nhấn mạnh mức độ bất định là “cực kỳ cao”. “Lợi thế chiến lược của Trung Quốc một phần nằm ở khả năng kiểm soát đòn bẩy xuất khẩu mỗi khi các cuộc đàm phán với Mỹ không mang lại kết quả như kỳ vọng”, ông Combs nói.

Diễn biến này đang buộc các nền kinh tế phương Tây phải tăng tốc chiến lược “thoát Trung” trong chuỗi cung ứng đất hiếm. Song song với việc đẩy mạnh công nghệ tái chế, Mỹ và EU đang đầu tư vào khai thác, chế biến đất hiếm tại nội địa hoặc thông qua liên minh tài nguyên với các quốc gia thân thiện như Úc, Canada và Việt Nam.

Tuy nhiên, giới phân tích lưu ý rằng việc phát triển năng lực thay thế Trung Quốc trong chuỗi đất hiếm sẽ cần nhiều năm, với thách thức lớn về môi trường, chi phí và công nghệ.

TheoThanh Tu (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global