VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 4, 27/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpCơ chế CCP quan trọng thế nào với nâng hạng thị trường?

Cơ chế CCP quan trọng thế nào với nâng hạng thị trường?

11:57:00 AM GMT+7Thứ 5, 14/11/2024

Cơ chế CCP mới là giải pháp căn cơ và tổng thể cho câu chuyện phát triển thị trường chứng khoán theo hướng bền vững và đi đúng thông lệ quốc tế, Tổng Giám đốc VSDC cho biết.

 
CCP cần thiết để xử lý lượng giao dịch khổng lồ và đảm bảo ít sai sót. Nguồn: PV

Nâng hạng thị trường chứng khoán là mục tiêu quan trọng Chính phủ đặt ra trong năm 2025. Nhiều “nút thắt” đã từng bước được tháo gỡ và còn 2 “nút thắt” quan trọng là quy định ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và hạn mức đối với nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại).

Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024, bà Tạ Thanh Bình, Tổng Giám đốc Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho biết qua làm việc thì FTSE nhấn mạnh vấn đề No-Prefunding là giải pháp quan trọng để nâng hạng thị trường chứng khoán. Do vậy, ngay lập tức cơ quan quản lý đã làm việc để tìm giải pháp tháo gỡ và mới đây Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68 hiệu lực đầu tháng 11.

Thông tư 68 cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua và đến ngày T+2 mới phải thanh toán. Các chuyên gia cũng đánh giá Thông tư 68 là một trong những thông tư quan trọng giúp Việt nam đạt được tiêu chí để nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.

Tuy nhiên, Thông tư 68 là đúng nhưng chưa đủ. Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank bày tỏ Thông tư 68 cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài giao dịch không cần ký quỹ nhưng chỉ áp dụng cho một số công ty chứng khoán thuộc tốp đầu. Trong khi, thị trường chứng khoán được nâng hạng thì tần suất giao dịch càng lớn và cần cơ chế CCP (Mô hình đối tác thanh toán trung tâm) để hạn chế rủi ro cũng như tăng hiệu quả xử lý lệnh.

Giải thích rõ hơn, ông Sơn cho biết trong giai đoạn thị trường tài chính phát triển đến mức cao, các giao dịch diễn ra liên tục, hằng ngày với tần suất càng lớn, nếu không có CCP ở giữa thì việc thanh toán bù trừ gặp khó khăn. Cơ chế CCP là cơ chế thế vị, thay vì người bán và mua gặp nhau trực tiếp thông qua sàn giao dịch thì CCP đứng ra làm đơn vị trung gian, làm người mua của tất cả người bán và người bán của tất cả người mua. Chính cơ chế thế vị này giúp CCP giải quyết được khối lượng công việc lớn hơn. Trước đây, thị trường chứng khoán Việt Nam không cần CCP nhiều bởi vì chưa có những sản phẩm tài chính mang tính chất mới với khối lượng giao dịch khổng lồ, như phái sinh là ví dụ.

Cơ chế CCP quan trọng trong Prefunding bởi thành viên bù trừ có trách nhiệm xác nhận mức lưu ký của người mua và người bán trước khi giao dịch. Việc xác nhận nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không cần ký quỹ 100%, công ty chứng khoán – thành viên bù trừ cũng đứng ra bảo lãnh. Thông qua CCP rút ngắn yếu tố cản trở nâng hạng là cho nhà đầu tư nước ngoài đủ cơ sở pháp lý để giao dịch giao dịch T+2 không cần ký quỹ trước. Đồng thời, CCP cũng giảm thiểu rủi ro khi mà có những giao dịch không thành công nhưng vẫn xử lý được một cách đơn giản.

Chuyên gia VPBankS cho biết hiện nay, mô hình CCP đã được áp dụng trên thị trường phái sinh. Nhà đầu tư mở tài khoản ở công ty chứng khoán thành viên và chuyển tiền từ tài khoản công ty chứng khoán sang tài khoản bù trừ tại VSD. Tại VSD, nhà đầu tư có thể đặt lệnh long, short với tần suất dày đặc nhưng cuối ngày VSD xác nhận lệnh và tính toán bù trừ bao nhiêu. Để xử lý lượng lệnh rất lớn và câu chuyện Prefunding thì CCP là yếu tố cần thiết rất rõ cho việc nâng hạng thị trường.

Tổng Giám đốc VSDC cũng đánh giá Thông tư 68 ra đời là giải pháp tháo gỡ mang tính kỹ thuật, còn cơ chế CCP mới là giải pháp căn cơ và tổng thể cho câu chuyện phát triển thị trường chứng khoán theo hướng bền vững và đi đúng thông lệ quốc tế.

Vấn đề này đã được đưa ra năm 2021 cho đến lần sửa đổi Luật Chứng khoán mới đây, VSDC đề xuất thành lập công ty con để triển khai CCP. Luật sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 56 theo hướng bảo đảm cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch trên cả thị trường chứng khoán cơ sở và thị trường chứng khoán phái sinh.

“Thời điểm hiện nay sẽ giải quyết vấn đề kỹ thuật. Sau đó chúng ta sẽ giải quyết những căn cơ hơn. Nâng hạng hay không nâng hạng thì chúng ta vẫn đảm bảo việc giao dịch và thanh toán theo đúng thông lệ và cách thức như các thị trường của thế giới thực hiện”, bà Bình cho biết.

Lãnh đạo VSDC thông tin trong những ngày đầu triển khai Non-Prefunding, theo thống kê của một ngân hàng lưu lý, tỷ lệ các nhà đầu tư nước ngoài đặt lệnh Non-Prefunding đã chiếm 60%, dù phải thanh toán vào ngày T+2 nhưng nhiều đơn vị đã đổ tiền vào tài khoản từ cuối ngày T+1.

Nhìn chung, còn quá sớm để xác định Thông tư 68 có hiệu quả không nhưng về cơ bản cơ chế Non-Prefunding theo Thông tư 68 được đánh giá an toàn, trôi chảy, 5 tháng là khoảng thời gian để nhà đầu tư nước ngoài trải nghiệm, đến tháng 9/2025 FTSE mới công bố kết quả Review song kỳ vọng họ có góc nhìn tích cực hơn từ tháng 3/2025, bà Bình kết luận.

TheoMỹ Hà (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global