VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 6, 04/07/2025 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpCơ hội nào cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sau căng thẳng ở Trung Đông?

Cơ hội nào cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sau căng thẳng ở Trung Đông?

11:46:00 AM GMT+7Thứ 5, 03/07/2025

Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nỗ lực tìm cơ hội trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu bị đứt gãy do căng thẳng ở Trung Đông.

Xung đột giữa Israel và Iran, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro về địa chính trị, đang có những biến thể ngày càng phức tạp, khiến Trung Đông - khu vực trọng yếu trong chuỗi cung cấp năng lượng và hàng hóa toàn cầu - rơi vào tình trạng bất ổn chưa từng có trong nhiều năm qua.

Căng thẳng này còn tạo ra ảnh hưởng dây chuyền đến hoạt động xuất khẩu, chuỗi hậu cần và dòng vốn đầu tư tại khu vực.

Trong bối cảnh trên, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam cần phải xác định được hoạt động gián đoạn và nắm bắt cơ hội từ chuyển đổi thương mại toàn cầu. Doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt như thế nào có thể biến đổi nguy cơ và mở rộng thị trường tại các khu vực đầy tiềm năng?.

Tìm kiếm thị trường mới

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, căng thẳng giữa Israel và Iran đã, đang và sẽ có những tác động đáng kể đến hoạt động thương mại quốc tế nói chung và vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói riêng.

Căng thẳng giữa Israel và Iran tác động đáng kể đến hoạt động thương mại quốc tế nói chung và vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói riêng. Ảnh: Tân Cảng Sài Gòn.

Mức độ tác động đến vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tùy thuộc vào việc cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài bao lâu và cách giải quyết của bên liên quan tại khu vực này.

Ông Hải phân tích, căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran có thể dẫn đến một số tác động cụ thể như sau: Trung Đông là khu vực sản xuất dầu mỏ lớn của thế giới và Eo biển Hormuz là tuyến đường huyết mạch vận chuyển một lượng lớn dầu thô và khí đốt. Bất kỳ sự gián đoạn nào tại đây, dù là do xung đột trực tiếp hay do lo ngại về an ninh, đều đẩy giá dầu thế giới lên cao.

Giá dầu tăng sẽ trực tiếp làm tăng chi phí vận tải biển, đường hàng không và đường bộ. Điều này ảnh hưởng đến giá cước vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, làm đội giá thành sản phẩm và giảm lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Khu vực Trung Đông nơi có các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng đi qua đặc biệt là Kênh đào Suez (Biển Đỏ) và Eo biển Hormuz là 2 trong số 5 điểm trọng yếu trong các tuyến hàng hải quan trọng của thế giới (gồm Kênh đào Suez, Kênh đào Panama, Eo biển Malacca giữa Indonesia và Malaysia, Eo biển Hormuz giữa Iran và Oman, và Eo biển Bab-al-Mandab giữa Djibouti và Yemen).

Để ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực của tình hình căng thẳng giữa Israel và Iran đối với hoạt động vận tải hàng hóa liên quan đến doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương đưa ra các khuyến cáo doanh nghiệp cần cập nhật thường xuyên tình hình chính trị - an ninh tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là các thông tin từ Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các cơ quan truyền thông uy tín để có đánh giá kịp thời về rủi ro.

Hạn chế phụ thuộc quá mức vào một thị trường hoặc một tuyến vận tải. Chủ động tìm kiếm các thị trường mới, các đối tác vận tải khác có lộ trình ít rủi ro hơn. Xây dựng kế hoạch dự phòng cho chuỗi cung ứng, bao gồm việc tìm kiếm các nhà cung cấp nguyên liệu thay thế và các tuyến vận chuyển khác để giảm thiểu tác động khi có gián đoạn.

“Tình hình căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là tại khu vực Trung Đông, luôn tiềm ẩn rủi ro lớn đối với hoạt động xuất nhập khẩu toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức chủ động, linh hoạt và có kế hoạch dự phòng rõ ràng để giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn”, ông Trần Thanh Hải chỉ rõ.

Nhiều cơ hội mới khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy

Về góc nhìn từ doanh nghiệp, trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty VIETGO cũng nhận định, tác động lớn nhất hiện nay là chi phí vận chuyển gia tăng do bất ổn tại các tuyến đường huyết mạch như kênh Suez, eo biển Hormuz. Thay vì tăng cước vào mùa cao điểm cuối năm như thông lệ, năm nay giá vận tải sẽ tăng sớm hơn.

Dù vậy, ông Việt cũng nhìn thấy nhiều cơ hội mới khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Nhu cầu tích trữ hàng thiết yếu tăng mạnh, nhất là từ các nhà nhập khẩu lớn như Ấn Độ, vốn chiếm thị phần lớn trong hoạt động thương mại tại Trung Đông. Ngay khi căng thẳng nổ ra, một số đối tác Ấn Độ đã liên hệ tìm nguồn cung từ Việt Nam.

Theo ông Việt, dù kim ngạch xuất khẩu sang Trung Đông còn khiêm tốn, nhưng với lợi thế từ các hiệp định thương mại, tiêu chuẩn thị trường không quá cao và khoảng cách vận chuyển ngắn, nhiều mặt hàng Việt có tiềm năng như than củi, hạt điều, tiêu, chè, trái cây khô - tươi, thủy sản, thiết bị điện tử... đang tận dụng cơ hội.

Vị đại diện doanh nghiệp cho hay, theo khảo sát của VIETGO, dù có tâm lý lo ngại, các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động giao thương ổn định, đơn hàng không bị gián đoạn.

"Rút kinh nghiệm từ cuộc chiến Nga - Ukraine, khi nhu cầu viên nén mùn cưa tăng vọt đưa Việt Nam là nước đứng thứ hai thế giới về mặt hàng này, ông Việt kỳ vọng các doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng tốt cơ hội, mở rộng xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu và phục vụ tái thiết sau chiến tranh", ông Nguyễn Tuấn Việt phân tích.

TheoTạp chí điện tử Nhà đầu tư
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global