Thứ 6, 16/05/2025 | English | Vietnamese
10:15:00 AM GMT+7Thứ 5, 15/05/2025
TS. Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trần Liên Hưng nói: Hai từ khóa tôi kỳ vọng ở các văn bản thể chế hoá Nghị quyết 68 chính là “cởi trói” và “dẫn dắt” để kinh tế tư nhân xứng đáng được coi là động lực quan trọng nhất.
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân đã và đang được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm và đánh giá rất cao. Nghị quyết được xem là bước ngoặt lịch sử, tạo niềm tin, là điểm tựa cực kỳ quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp vươn mình bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Nghị quyết cũng được đánh giá như một cú hích lịch sử, mở đường cho khu vực này bứt phá, đóng vai trò là một động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance có cuộc trò chuyện với TS. Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trần Liên Hưng.
- Vì sao kinh tế tư nhân lại xứng đáng là động lực quan trọng nhất, thưa ông?
TS. Trần Khắc Tâm: Đảng, Chính phủ đã rất nhiều lần khẳng định vai trò, vị thế quan trọng của kinh tế tư nhân trong việc phát triển kinh tế thời gian qua và trong Kỷ nguyên mới. Lãnh đạo Đảng, Chính phủ cũng đã có những quyết tâm, cam kết thúc đẩy khu vực này trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Điều này thể hiện qua các chủ trương, chính sách và hành động rất cụ thể trong thời gian qua. Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong các cuộc gặp mặt với khối kinh tế tư nhân đều khẳng định vai trò, sứ mệnh của các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân trong việc phát triển kinh tế xã hội.
Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đánh dấu bước ngoặt rất lớn trong tiến trình phát triển kinh tế tư nhân.
Tôi cho rằng, Nghị quyết 68 kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt cải cách thể chế với một sự thay đổi về chất, giúp nâng vai trò của doanh nghiệp tư nhân để phát triển bền vững nếu được thực thi đúng và đầy đủ....
Còn về việc tại sao kinh tế tư nhân xứng đáng là động lực qua trọng nhất thì chúng ta có thể nhìn thấy rõ nét qua những con số đóng góp của khối này trong việc phát triển kinh tế xã hội. Thực tế đã chứng minh điều đó khi hộ kinh doanh cá thể và khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, khối này tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội. Có lẽ chẳng cần phải phân tích quá nhiều về vai trò của khối kinh tế tư nhân vì các con số ở trên đã minh chứng rõ ràng cho điều đó.
- Ông đã nói và bàn rất nhiều về kinh tế tư nhân. Khi nhắc đến kinh tế tư nhân Việt Nam, điều gì bật lên ngay trong đầu ông ngay lúc này?
TS. Trần Khắc Tâm: Khi nhắc đến kinh tế tư nhân, không chỉ tôi mà nhiều người chắc chắn sẽ nghĩ đến cụm từ “vươn mình”. Bởi nhiều năm qua, khối kinh tế tư nhân đã thực hiện công cuộc vươn mình ra biển lớn. Rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã khẳng định được vị thế, thương hiệu của mình trên trường quốc tế.
Đó là Vinamilk đã xuất khẩu sản phẩm sữa đến 56 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Đó là Masan Consumer với hàng loạt sản phẩm có thương hiệu chinh phục được các thị trường như Bắc Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu và Úc.
Đó là café Trung Nguyên với hành trình đưa đưa thương hiệu Trung Nguyên và Trung Nguyên Legend vào các thị trường như Mỹ và Singapore.
Ngoài Vinamilk, Trung Nguyên, Masan ra còn rất nhiều doanh nghiệp khác nữa đã và đang ngày đêm nỗ lực đem thương hiệu Việt ra thế giới. Có thể nói, sự thành công của kinh tế tư nhân trong lĩnh vực hàng tiêu dùng đã khẳng định cho trí tuệ Việt, tầm vóc Việt trên trường quốc tế.
Tôi rất tâm đắc khi đọc bài viết Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng của Tổng Bí thư Tô Lâm. Tổng Bí thư khẳng định, nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới, kinh tế tư nhân chỉ giữ vai trò thứ yếu, nền kinh tế chủ yếu dựa vào khu vực nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thì trong hai thập niên trở lại đây, khu vực kinh tế này đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế. Kinh tế tư nhân ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Tuy nhiên, so với tiềm năng vốn có, kinh tế tư nhân lại chưa phát huy hết.
- Vậy, vì sao doanh nghiệp tư nhân lại chưa phát huy hết tiềm năng, thưa ông?
TS. Trần Khắc Tâm: Tôi cho rằng, mặc dù đạt được những thành tích đáng kể nhưng với sự biến động của chính trị, kinh tế thế giới, chắc chắn khối kinh tế tư nhân sẽ đối mặt với những khó khăn thách thức và không phát huy hết tiềm năng của mình. Nếu không được tháo gỡ kịp thời, những khó khăn, thách thức đó sẽ kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân nói riêng, kinh tế Việt Nam nói chung.
Theo tôi, có những rào cản dưới đây khiến khối kinh tế tư nhân chưa thể phát huy hết khả năng của mình.
Thứ nhất là chi phí tuân thủ và thủ tục hành chính vẫn là rào cản.
Thứ hai là việc tiếp cận vốn còn hạn chế.
Thứ ba là việc bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả. Chúng ta hoàn toàn có thể thấy tình trạng doanh nghiệp bị gây khó dễ bởi một số cơ quan quản lý địa phương, dẫn đến chi phí không chính thức. Cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế đôi khi chưa kịp thời, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp tư nhân.
- Với những điểm nghẽn như vậy, theo quan điểm của ông điểm mấu chốt mà đề án phát triển kinh tế tư nhân cần phải có là gì?
TS. Trần Khắc Tâm: Tôi cho rằng, việc phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam thời điểm này và những thời điểm sau đòi hỏi một chiến lược toàn diện và đồng bộ từ chính sách vĩ mô đến hỗ trợ vi mô.
Đầu tiên, Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung pháp lý và môi trường kinh doanh. Cụ thể ở đây chính là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng tiếp theo là vốn. Bởi nguồn vốn chính là “máu” của doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng cần cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung, kinh tế tư nhân nói riêng. Đó có thể là tín dụng ưu đãi hoặc quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Chính phủ cần có chủ trương khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng cường cho vay dựa trên phương án kinh doanh thay vì chỉ dựa vào tài sản thế chấp. Đặc biệt là xây dựng cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Vấn đề nhân lực cũng vô cùng quan trọng. Khi đã có chính sách thông thoáng, thủ tục hành chính đơn giản, đã có nguồn tín dụng thì cần phải phát triển nguồn nhân lực. Chính phủ cần định hướng nguồn nhân lực cho tầm nhìn dài hạn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tự thân hợp tác với các cơ sở đào tạo để nâng cao chất lượng lao động.
Một vấn đề sống còn đối với cộng đồng doanh nghiệp trong thời kỳ cách mạng 4.0 đó là thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số để thích ứng với xu hướng thế giới. Bên cạnh đó, Chính phủ cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới và tham gia vào nền kinh tế số, xây dựng các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Cuối cùng là một tầm nhìn dài hạn hơn. Đó là có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững. Tôi cho rằng chỉ khi các doanh nghiệp bỏ được tâm lý “ăn xổi”, có chiến lược phát triển dài hạn, bền vững thì mới có thể vươn ra biển lớn được.
- Các văn bản thể hoá tinh thần của Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân sẽ sớm được xây dựng. Nếu được chọn 2 từ khóa để kỳ vọng vào một nghị quyết mới mang tính đột phá cho khu vực kinh tế tư nhân sắp được soạn thảo và ban hành, ông sẽ chọn từ khóa nào để thể hiện mong đợi và kiến nghị của mình?
TS. Trần Khắc Tâm: Hai từ khóa tôi kỳ vọng ở các văn bản thể chế hoá Nghị quyết mới chính là “cởi trói” và “dẫn dắt”.
Thứ nhất là từ khóa “cởi trói”. Những năm qua, kinh tế tư nhân tại Việt Nam đã dần được “cởi trói” với sự hoàn thiện hơn, cởi mở hơn ở khung pháp lý và môi trường kinh doanh. Đảng và Nhà nước rất coi trọng và ủng hộ, tạo mọi điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Chỉ khi “cởi trói” hoàn toàn cho kinh tế tư nhân thì khối này mới có thể bứt phá và tạo ra xung lực lớn để cùng với các khối kinh tế khác đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình.
Thứ hai là từ khóa “trụ cột”. Thực tế cho thấy, qua 40 năm đổi mới, đến nay, kinh tế tư nhân đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế. Rõ ràng, với việc đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước, 82% tổng số lao động, kinh tế tư nhân đã thể hiện được vai trò của mình.
Và như tôi đã nói ở trên khi và chỉ khi xác định, kinh tế tư nhân là trụ cột của nền kinh tế thì khối này mới thể hiện được vai trò dẫn dắt của mình.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global