Chủ nhật, 22/12/2024 | English | Vietnamese
09:48:00 AM GMT+7Thứ 4, 18/12/2024
Chuyên gia nhận định chênh lệch lãi suất là yếu tố khiến tỷ giá bất ổn năm qua. Cần theo dõi chính sách thuế quan của ông Donald Trump để xác định xu hướng tỷ giá và lãi suất thời gian tới.
Năm 2024 có thể nói là năm khá thành công với nền kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng GDP ước đạt 6,8% đến 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Với năm sau, mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Quốc hội giao cho Chính phủ là 6,5 - 7%, phấn đấu đạt 7 – 7,5%. Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2025 tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8%.
Tại hội thảo VPBankS Talk #4: Vững vàng vượt sóng gió, ông Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa kinh tế học, ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU), Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) bình luận GDP tăng trưởng 8% năm sau là kịch bản rất lạc quan, quanh 6,5% là con số khả thi.
Động lực tăng trưởng năm sau vẫn xuất phát từ động lực chính là đầu tư công với việc khởi động loạt dự án mới. Động lực tiếp theo là xuất khẩu, song, xuất khẩu có thể tăng chậm lại trên nền cao của năm nay, cộng với chính sách thuế mới của ông Trump và tăng trưởng kinh tế thế giới theo dự báo sẽ chậm lại kéo theo nhu cầu yếu.
Điểm sáng là xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn tiếp tục, không chỉ do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn từ lợi thế vị trí địa lý, giá lao động ở Việt Nam vẫn rẻ. Hiện nay, ở thị trường Mỹ, châu Âu hay các nước phát triển lạm phát chủ yếu xuất phát từ thị trường lao động do giá nhân công cao. Do vậy, Việt Nam vẫn có lợi thế về giá nhân công rẻ, hấp dẫn đầu tư nước ngoài và hướng sang xuất khẩu ra bên ngoài để đáp ứng về nhu cầu lao động. Việt Nam cũng tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu, động lực vẫn đến từ sản xuất hàng hóa tiêu dùng hướng ra xuất khẩu.
Mặt khác, chuyên gia VESS nhận định Việt Nam đang đứng trước rất nhiều câu chuyện lớn. Những năm trước đây, Việt Nam chỉ nói đến chuyện cải cách kinh tế, bó hẹp trong phạm vi lĩnh vực kinh tế từ chính sách thuế, trợ cấp hay hạ lãi suất... để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Còn hiện nay, Việt Nam đang làm rộng hơn đi về thể chế, môi trường kinh doanh thể hiện qua việc sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy Nhà nước.
Chính phủ đang đi từ cải cách thể chế, sau đấy đi vào chính sách kinh tế lớn, quyết tâm thực hiện các chương trình, chính sách lớn từ sân bay Long Thành, điện hạt nhân, thu hút đại bàng trong lĩnh vực công nghệ, đường sắt cao tốc Bắc Nam.
“Đây đều là các chương trình lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, nếu chúng ta thành công thì Việt Nam sẽ thoát khỏi tình trạng bẫy thu nhập trung bình. Đây là thời khắc quyết định”, ông Thế Anh nói.
Đối với ý kiến để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP thì mặt bằng lãi suất cần giảm thêm hỗ trợ doanh nghiệp, Kinh tế trưởng VESS cho rằng lãi suất khó hạ, thậm chí còn phải tăng nhẹ.
Lãi suất hiện nay đã về mức thấp hơn so với trước dịch covid, lãi suất tiết kiệm đã về khoảng 6% hoặc thấp hơn trong khi trước dịch 7 – 8%. Lãi suất phụ thuộc nhiều vào lạm phát trong nước.
Chuyên gia VESS phân tích lạm phát Việt Nam không thể xuống thấp mà phải duy trì quanh mức 3 – 4%. Nếu nhìn vào lịch sử cũng như hiện tại để thấy rằng lạm phát Việt Nam không thể xuống thấp như các nước phát triển, do sức ép tăng lương, tăng giá bất động sản, giá nhà và chuyển dần vào giá tiêu dùng. Lãi suất đang quanh 6% và lạm phát 4%, để duy trì mức lãi suất thực dương thì lãi suất khó giảm thêm.
Mặt khác, Việt Nam đang muốn cân bằng 2 mục tiêu về lãi suất và tỷ giá, nếu muốn hạ lãi suất thì phải từ bỏ bớt mục tiêu về tỷ giá. Tỷ giá VND trong những năm trước đây chủ yếu phụ thuộc vào thâm hụt thương mại và chênh lệch lãi suất thế giới với trong nước. Các năm qua, Việt Nam giải quyết được vấn đề thâm hụt thương mại, thặng dư mang về khá tốt. Song, năm vừa qua chênh lệch lãi suất là vấn đề gây ra bất ổn về tỷ giá, chênh lệch lãi suất thường kéo theo việc rút dòng vốn.
Thời gian tới có thêm ẩn số nữa là chính sách thuế quan của ông Donald Trump. Khi ông Trump lên làm Tổng thống và công bố chính sách thuế quan đồng USD lại tăng giá. Lý do là nhà đầu tư kỳ vọng khi áp dụng chính sách thuế quan sẽ giúp làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ làm cung đồng USD trên thị trường ngoại hối bớt đi làm USD tăng giá.
Thứ hai là khi áp dụng thuế quan ít nhiều sẽ chuyển thuế vào giá tiêu dùng, Trump tuyên bố không khiến dân Mỹ phải chịu thuế mà để cho nhà xuất khẩu chịu, song Kinh tế trưởng VESS cho rằng đó là điều không thể. Các nhà sản xuất sẽ ít nhiều chuyển thuế đó vào giá. Điều này sẽ khiến lạm phát của Mỹ kéo dài lâu hơn và lãi suất khó giảm nhanh. Qua đó, ngân hàng trung ương các đối tác thương mại của Mỹ cũng phải chậm giảm lãi suất hơn vì họ không muốn đồng tiền họ mất giá quá nhiều.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS cũng cho rằng mặt bằng lãi suất trong năm 2025 được giữ nguyên đã là điều tốt rồi. Bởi trong năm 2024, NHNN đã rất linh hoạt để điều tiết lãi suất liên ngân hàng cũng như hút bớt tiền qua phát hành tín phiếu để giúp tỷ giá có sự ổn định nhất định so với các đồng tiền khác trong khu vực. Tuy nhiên, nếu giữa và cuối năm sau sức ép từ tỷ giá và lạm phát có biến động thì lãi suất có thể nhích nhẹ.
Về diễn biến thị trường chứng khoán, trong năm nay, VN-Index đã xác lập vùng chặn trên và dưới rất rõ quanh 1.200 và 1.300. Nếu những yếu tố tác động liên quan đến tỷ giá, áp lực bán ròng chưa có cải thiện đáng kể thì vẫn nằm trong biên độ này. Từ giờ đến cuối năm, thậm chí quý I năm sau, ông Sơn nhận định áp lực bán của nhà đầu tư nước ngoài lẻ tẻ vẫn suất hiện, tuy nhiên, không còn quá lớn như giai đoạn trước.
Theo ông Phạm Thế Anh, để dòng vốn ngoại quay trở lại thì nâng hạng thị trường là điều kiện cần nhưng không phải tất cả. Bên cạnh tăng trưởng kinh tế ổn định thì một yếu tố quan trọng khác giúp thu hút vốn ngoại quay trở lại là nhìn vào chính sách lãi suất của Mỹ có thể giảm mạnh mẽ về 2% như trước đây không.
Song, để lãi suất Mỹ hạ về 2% phụ thuộc vào lạm phát, Mỹ có giải quyết được vấn đề thị trường lao động không, giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới có ổn định không. Thêm nữa, cũng cần phải theo dõi thêm chính sách thuế quan, nếu các bên có thể ngồi vào bàn đàm phán và không có chính sách trả đũa lẫn nhau thì đến một lúc nào đấy dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại Việt Nam.
“Hiện nay, các thị trường tài sản đang ở mức định giá rất cao. Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiềm năng rất lớn do đang ở nền định giá thấp, còn TTCK Mỹ ở nền định giá rất cao. Tôi kỳ vọng đến một lúc nào đấy Mỹ không còn hấp dẫn dòng vốn đổ vào, lãi suất hạ xuống, dòng vốn vào cổ phiếu lẫn trái phiếu Mỹ đảo chiều thì lúc đó sẽ chảy vào các thị trường mới nổi. Thị trường nào tận dụng được cơ hội sẽ đón dòng vốn lớn. Việt Nam đang cải cách mạnh mẽ, kỳ vọng thu hút được dòng vốn quay trở lại”, ông Thế Anh phân tích.
03:23:00 PM GMT+7Thứ 7, 21/12/2024
03:22:00 PM GMT+7Thứ 7, 21/12/2024
03:20:00 PM GMT+7Thứ 7, 21/12/2024
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global