VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 7, 30/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpCông nghệ sinh học: Doanh nghiệp Việt vẫn đứng ngoài cuộc

Công nghệ sinh học: Doanh nghiệp Việt vẫn đứng ngoài cuộc

09:46:00 AM GMT+7Thứ 3, 08/10/2024

100% các đề tài khoa học về công nghệ sinh học đều do các Viện, Trường triển khai. Việc chuyển giao cũng gặp khó khăn vì doanh nghiệp không mặn mà..

Công nghệ sinh học- Khoảng cách xa với thế giới

Phát biểu tại Diễn đàn "Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế" do báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, TS. Cao Đức Phát, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế chia sẻ, công nghệ sinh học là một công cụ khoa học mạnh mẽ, làm thay đổi diện mạo của ngành nông nghiệp thế giới những thập kỷ gần đây. Công nghệ sinh học đã đem lại nhiều lợi ích, trong đó góp phần tăng mạnh năng suất nhiều loại cây trồng, nổi bật là ngô, đỗ tương, và bông, đồng thời cho phép giảm lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…

Ở Việt Nam, Đảng và Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo phát triển nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học từ sớm. Cụ thể, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 50-CT/TW ngày 4/5/2005 về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Năm 2016 Ban Bí thư có Kết luận 06 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW.

Sau đó, Chính phủ đã ban hành nhiều Chương trình, đề án về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, nổi bật là: Quyết định 11/2006/QĐ-TTg năm 2006 phê duyệt Chương trình trọng điểm về phát triển và ưng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020; Quyết định 97/2007/QĐ-TTg năm phê duyệt "Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2020"; Quyết định 553/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển công nghệ sinh học đến năm 2030; Quyết định 429/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030.

TS. Cao Đức Phát, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế  (ảnh: nongnghiep.vn)

Gần đây nhất, ngày 30/01/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, tại Việt Nam, công nghệ sinh học được sử dụng trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp. Nổi bật là việc sử dụng các chế phẩm sinh học, kit chẩn đoán bệnh, kỹ thuật nuôi cấy mô. Hay như từ năm 2014 cây ngô, đậu tương và bông biến đổi gen được phép trồng và sử dụng ở Việt Nam sau quá trình dài khảo nghiệm chặt chẽ theo các chuẩn mực quốc tế. Cùng với đó, năng lực phát triển công nghệ sinh học được nâng cao, cả về nhân lực, trang thiết bị và thể chế.

"Lợi ích của việc sử dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp là không thể phủ nhận. Trong khi, không có bằng chứng về tác hại như một số người lo ngại. Tuy nhiên, điều đáng tiếc lại là việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp nước ta quá chậm, khoảng cách với thế giới có xu hướng giãn ra, không đạt các mục tiêu Đảng và Chính phủ đề ra. Trong đó, cản trở chính là vấn đề nhận thức…"- TS. Cao Đức Phát thẳng thắn…

Lợi nhuận của người nông dân khi sử dụng giống biến đổi gen là rất lớn” (ảnh:Tiephong.vn)

"Cây trồng áp dụng công nghệ sinh học giúp Việt Nam thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, giúp người dân nâng cao sinh kế, đảm bảo thu nhập, nhất là tại các vùng chưa đảm bảo về nước tưới, vùng sâu, vùng xa. Trải qua quá trình 10 năm phát triển công nghệ sinh học, Việt Nam đang trong giai đoạn rực rỡ nhất, bởi đây là quãng thời gian đủ dài để các bên liên quan có những quan sát, nghiên cứu cặn kẽ về các thành tựu đã đạt được. Cơ quan quản lý nên là đầu mối tiên phong, sắm vai trò 'mở đường' cho công nghệ sinh học, giúp người nông dân có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với công nghệ mới.  Khi nhìn vào khung pháp lý của các quốc gia lân cận, CropLife thấy có sự tương đồng với Việt Nam. Tôi tin, các bạn sẽ thu được những kinh nghiệm quý báu khi phát triển các công nghệ sinh học trong tương lai…"

Bà Sonny Tababa, Giám đốc Công nghệ sinh học CropLife châu Á

Doanh nghiệp Việt không mặn mà

Khẳng định công nghệ sinh học là công cụ quan trọng để giải quyết vấn đề an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, PGS.TS. Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, trên thế giới nhiều Tập đoàn công nghệ sinh học đã có đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) như: Năm 2022, Tập đoàn Bayer đầu tư 2,6 tỷ Euro với 7.000 cán bộ R&D; Tập đoàn Syngenta đầu tư 2,5 tỷ USD với 5.000 cán bộ R&D;…

Một số quốc gia có tỷ lệ đầu tư từ khu vực tư nhân cho công nghệ sinh học cao như: Pháp 64%; Hoa Kỳ 71%; Nhật bản 79%;...

Trong khi đó, tại Việt Nam giai đoạn 2005 - 2020 có 279 chương trình công nghệ sinh học (36 triệu USD), giai đoạn 2021 - 2030 có 32 chương trình công nghệ sinh học (6,5 triệu USD). "Tất cả đều do các Viện, Trường triển khai, không có sự tham gia của doanh nghiệp.."- Ông Ninh thông tin.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) (ảnh:nongnghiep.vn)

Lý giải vì sao trong giai đoạn từ nay đến 2030, số lượng nhiệm vụ khoa học công nghệ bị giảm so với cách đây 10 năm, theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Hữu Ninh, một phần là do rào cản về các cơ chế, chính sách, điển hình là Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.

Cụ thể, kết quả nghiên cứu thuộc phạm vi đầu tư của ngân sách Nhà nước sẽ được xem là tài sản Nhà nước. Vì vậy, doanh nghiệp thời gian qua kém mặn mà trong việc phối hợp, đầu tư nghiên cứu công nghệ sinh học.

Nhấn mạnh hệ thống thú y cần có công nghệ cao, đủ sức chẩn đoán sớm, phòng ngừa từ xa với dịch bệnh, nhất là các bệnh mới nổi, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long chia sẻ: "Trình một dự án công nghệ theo cơ chế Nhà nước mất nhiều thời gian, có thể khiến nghiên cứu cơ bản của Việt Nam bị teo tóp".

Từ thực tế này, lãnh đạo Cục Thú y đề xuất cần có một mô hình cởi mở giữa cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp để sớm đưa các nghiên cứu ra đồng ruộng, thay vì "cất vào ngăn kéo".

Trong lĩnh vực thủy sản, PGS.TS Đặng Thị Lụa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản chỉ ra một thực tế là các doanh nghiệp chưa "mặn mà", tạo khó khăn cho các Viện trong việc nghiên cứu, chuyển giao. Bà Lụa đề nghị cần có cơ chế để các nghiên cứu có sự phối hợp của doanh nghiệp...

PGS.TS Nguyễn Đức Bách, Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề nghị, để thực hiện các nghiên cứu, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho R&D.

"Hiện nay, nhiều vướng mắc chính sách đã khiến các nhà nghiên cứu gặp khó khăn trong việc tiếp cận với doanh nghiệp. Nhiều dự án có giá trị khoa học cao nhưng không thể được áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Các nhà quản lý cần điều chỉnh chính sách để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc ứng dụng các thành tựu nghiên cứu vào sản xuất thực tế, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và xã hội từ công nghệ sinh học…"- PGS.TS Nguyễn Đức Bách đề nghị.

TheoThanh Thanh (Tạp chí điện tử Nhà đầu tư)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global