VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 7, 30/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpCông nghiệp ô tô phương Tây mắc kẹt trong ‘cuộc chiến sống còn’ với Trung Quốc

Công nghiệp ô tô phương Tây mắc kẹt trong ‘cuộc chiến sống còn’ với Trung Quốc

10:13:00 AM GMT+7Thứ 4, 09/10/2024

Ngành công nghiệp ô tô phương Tây hiện đang bị mắc kẹt trong một "cuộc chiến sinh tồn" quan trọng với các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc, theo những nhận định gần đây của CEO Mercedes-Benz và Ford.

Phát biểu tại một hội thảo tại hội nghị Đối thoại toàn cầu Berlin (Đức) vào ngày 2/10 khi được hỏi về mối đe dọa từ các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, CEO Mercedes-Benz, ông Ola Källenius, cho biết với người tiêu dùng Trung Quốc, xe điện rẻ hơn xe đốt trong mặc dù chi phí sản xuất xe điện cao hơn.

"Thật kỳ lạ. Đây là cuộc chiến giá cả theo Thuyết tiến hóa của Darwin, thanh lọc thị trường. Và nhiều người chơi hiện đang tham gia. Nhiều người trong số họ sẽ không còn tồn tại trong 5 năm nữa", ông Källenius nhận định.

Một lô xe năng lượng mới chờ xuất khẩu tại một nhà ga container quốc tế của Cảng Taicang, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, ngày 13/12/2023. (Ảnh: CFP)

"Trong giai đoạn củng cố thị trường đó, bạn sẽ phải đốt tiền mặt và hạ giá hết mức, thậm chí các công ty nằm ở phần đỉnh của kim tự tháp cũng bị ảnh hưởng vì không thể thoát khỏi thị trường", CEO Mercedes-Benz nói thêm.

Theo ông Källenius, các nhà sản xuất ô tô không nên "bị tê liệt" trước tất cả những biến động của thị trường này.

"Bạn phải kiểm soát được thần kinh của mình, tiếp tục đầu tư, tiếp tục đổi mới và đảm bảo rằng khi kết thúc cuộc chiến theo Thuyết tiến hóa của Darwin đó, bạn là một trong những chiến binh còn lại và đó là điều chúng tôi đang tập trung vào", CEO Mercedes-Benz nhấn mạnh thêm.

Ông Källenius không phải là giám đốc điều hành duy nhất lên tiếng cảnh báo về các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc.

Sau chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 5, CEO hãng xe Ford, ông Jim Farley, đã nói với một thành viên hội đồng quản trị rằng ông coi ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc là "mối đe dọa hiện hữu".

Trước đó, vào đầu năm 2023, ông Farley và Giám đốc tài chính John Lawler đã có mặt tại Trung Quốc, nơi họ lái thử nghiệm một chiếc SUV điện do Changan Automobile, một nhà sản xuất ô tô nhà nước Trung Quốc, sản xuất.

Trong cuộc lái thử diễn ra chóng vánh, ông Farley lái xe và ông Lawler ngồi ghế phụ, cả hai tỏ ra bị sốc và ấn tượng với chất lượng của những chiếc xe điện do Trung Quốc sản xuất.

"Jim, điều này không giống như trước đây. Những gã này đang đi trước chúng ta", ông Lawler được cho là đã nói với Farley sau cuộc lái thử.

Khi nói đến việc cạnh tranh trên thị trường xe điện, các nhà sản xuất ô tô phương Tây đã phải chơi trò "đuổi bắt" với các đối thủ Trung Quốc.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc như BYD đã mở rộng sang các nước Đông Nam Á như Thái Lan, cũng như các thị trường đang phát triển như Brazil và Mexico.

Theo dữ liệu do công ty công nghệ ABI Research biên soạn cho Business Insider, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chiếm 70% thị trường xe điện tại Thái Lan và 88% tại Brazil trong quý đầu tiên của năm nay.

Sự trỗi dậy dường như không thể ngăn cản của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã thúc đẩy các chính phủ phương Tây can thiệp dưới hình thức thuế quan.

Vào tháng 5, chính phủ Mỹ đã áp thuế đối với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Các hạn chế thương mại tàn khốc này đã thực sự khiến họ không thể tiếp cận thị trường ô tô Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) cũng áp dụng thuế quan chỉ một tháng sau đó.

Đáng chú ý, CEO Källenius của Mercedes-Benz không thích sử dụng các hạn chế thương mại để dập tắt sự cạnh tranh.

"Đừng tăng thuế quan. Tôi là người phản biện, tôi nghĩ hãy làm ngược lại: lấy mức thuế quan mà chúng ta đang áp dụng và giảm chúng", ông nói với tờ Financial Times trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào tháng 3.

"Đó là nền kinh tế thị trường. Hãy để sự cạnh tranh diễn ra", ông nói thêm.

Mới đây, hãng xe BMW cũng đã kêu gọi chính phủ Đức bỏ phiếu chống lại việc EU áp thuế cao hơn đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc nhằm tránh giảm bớt khả năng xảy ra tranh chấp thương mại với thị trường quan trọng nhất của hãng.

CEO của BMW - ông Oliver Zipse cho biết: “Các khoản thuế gia tăng mang đến tổn hại đến những công ty đa quốc gia tại Đức và có thể kích động một cuộc tranh chấp thương mại gây bất lợi cho tất cả các bên. Vì thế, chính phủ Đức nên có lập trường rõ ràng về vấn đề này".

Ngày 4/10, EU đã nhất trí áp thuế bổ sung đối với xe điện nhập khẩu của Trung Quốc. Mức thuế mới này sẽ có hiệu lực từ 31/10 trừ khi Trung Quốc đưa ra giải pháp chấm dứt bế tắc.

Theo đó, mức thuế áp dụng đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc lần lượt là 17% với BYD, 18,8% cho xe của Geely và 35,3% với xe SAIC. Geely sở hữu các thương hiệu như Polestar và Volvo của Thụy Điển, trong khi SAIC sở hữu MG của Anh, một trong những thương hiệu xe điện bán chạy nhất châu Âu.

Các nhà sản xuất xe điện khác tại Trung Quốc, bao gồm các công ty phương Tây như Volkswagen và BMW, sẽ phải chịu mức thuế 20,7%. Riêng hãng xe điện Tesla của Mỹ được Ủy ban châu Âu (EC) áp mức thuế riêng là 7,8%.

Các mức mới này được áp thêm trên mức thuế hiện hành là 10%. Điều này có nghĩa là trên thực tế, một số nhà sản xuất ôtô Trung Quốc sẽ sớm phải đối mặt với tổng mức thuế trên 45%.

TheoThanh Tú (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global