VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 4, 22/01/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpĐã đến lúc Mỹ cần thừa nhận sự thật Việt Nam là nền kinh tế thị trường

Đã đến lúc Mỹ cần thừa nhận sự thật Việt Nam là nền kinh tế thị trường

03:02:00 PM GMT+7Thứ 4, 12/06/2024

Với hơn 10 năm nghiên cứu về Đông Nam Á và kinh tế Việt Nam, GS. TS. Andreas Stoffers tự tin khẳng định: Việt Nam có thể được công nhận một cách chính đáng là nền kinh tế thị trường!

Ông Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam không hề đơn độc với nhận định của mình. Trong buổi trò chuyện với phóng viên TG&VN, vị chuyên gia đã yêu Việt Nam ngay từ cái nhìn đầu tiên này dẫn chứng, đất nước hình chữ S đã chứng tỏ rõ ràng về khả năng đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường ở mức độ tương đương với các nước có nền kinh tế thị trường khác, thậm chí còn làm tốt hơn ở một số khía cạnh…

GS. TS. Andreas Stoffers: Mỹ cần thừa nhận sự thật, Việt Nam đã là nền kinh tế thị trường
GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Việt Nam đã là nền kinh tế thị trường!

Đến thời điểm hiện tại, có tổng cộng 72 quốc gia công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nổi bật là Vương quốc Anh, Canada, Australia và Nhật Bản. Tháng 9/2023, Việt Nam chính thức đề nghị Mỹ xem xét, công nhận quy chế kinh tế thị trường. Đánh giá của ông về nền kinh tế thị trường của Việt Nam hiện nay?

Những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Cá nhân tôi cho rằng, Việt Nam có thể được công nhận một cách chính đáng là nền kinh tế thị trường!

Và tôi không đơn độc với đánh giá của mình! Gần đây nhất, sự tiến bộ của Việt Nam đã được ghi nhận trong báo cáo thường niên về Chỉ số tự do kinh tế 2024 của Quỹ Di sản (Heritage Foundation - Mỹ).

Cụ thể, trong năm, Việt Nam xếp thứ 59/179 quốc gia. Như vậy, tính từ năm 1995, Việt Nam đã tăng 21 điểm, nhiều hơn tất cả các quốc gia nào có quy mô tương đương. Nhưng điểm đáng chú ý nhất là kể từ khi lập báo cáo cách đây 30 năm, chưa có quốc gia nào có mức tăng trưởng cao hơn Việt Nam, trong đó, phải kể đến việc tăng 13 bậc chỉ trong một năm (từ năm 2023 đến năm 2024).

Chính việc Việt Nam tuân thủ mô hình kinh tế thị trường, quản lý tài khóa thận trọng dẫn đến nợ công ở mức thấp và chính sách tiền tệ thận trọng do Ngân hàng Nhà nước giám sát đã góp phần tạo nên môi trường kinh tế tích cực này.

Quỹ đạo tích cực của nền kinh tế Việt Nam - đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu - chủ yếu là do cam kết lâu dài của đất nước đối với nền kinh tế thị trường mở, được áp dụng kể từ năm 1986, khi đất nước bắt đầu công cuộc Đổi mới. Đất nước cũng chủ động ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác, trong đó có các FTA thế hệ mới như FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Việt Nam cũng đang đàm phán 3 FTA khác.

Đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Mỹ (BTA), tư cách thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ là những mảnh ghép còn thiếu của một bức tranh nhiều màu sắc trong quan hệ giữa hai nước.

Kể từ thời kỳ Đổi mới, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc khi chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang từng bước hoàn thiện nền kinh tế thị trường. Thị trường ngày càng đóng vai trò quyết định về mặt giá cả và cung/cầu. Việt Nam không chỉ được hưởng lợi từ thương mại tự do mà ngày càng thu hút các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) là những đất nước có nhiều nhà đầu tư chọn Việt Nam làm “bến đỗ”.

Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Mỹ (BTA), tư cách thành viên WTO của Việt Nam và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ là những mảnh ghép còn thiếu của một bức tranh nhiều màu sắc trong quan hệ giữa hai nước.

Dù Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một số hướng dẫn nhất định về chính sách kinh tế nhưng phần lớn Chính phủ vẫn nằm ngoài phạm vi quản lý vi mô, nhường chỗ cho các hoạt động của các nhà đầu tư tư nhân. Khu vực tư nhân hiện đóng góp gần 45% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước, thấp hơn đáng kể so với Đức hay Mỹ. Tuy nhiên, thành tựu này vô cùng đáng ghi nhận với một đất nước sau 40 năm chuyển đổi kinh tế.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, là đối tác thương mại lớn thứ hai. Nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, theo đánh giá của ông, hai nước sẽ gặt hái được những lợi ích về thương mại như thế nào?

Mỹ đã tham gia sâu vào quan hệ thương mại với Việt Nam và đã được hưởng lợi từ tự do hóa thương mại trong quá khứ. Chỉ trong 5 năm qua, doanh thu xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 230%, trong khi nhập khẩu tăng hơn 175%.

Kể từ khi BTA được ký kết, thương mại song phương đã tăng từ 2,9 tỷ USD năm 2002 lên hơn 139 tỷ USD vào năm 2022 và 128,71 tỷ USD vào năm 2023, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Mỹ, tính theo giá trị nhập khẩu năm 2022.

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa trị giá 97,02 tỷ USD sang Mỹ. So với mức 109,38 tỷ USD năm 2022, Việt Nam ghi nhận mức giảm hơn 11%, đây không phải là điều đáng lo ngại nhưng cần được theo dõi cẩn thận

Việc dỡ bỏ các rào cản thương mại, đặc biệt là các biện pháp phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp sẽ giúp cho hoạt động thương mại hàng hóa, dịch vụ trở nên dễ dàng và hàng hóa rẻ hơn. Kim ngạch thương mại giữa hai nước dự kiến ​​sẽ tăng gấp bội nếu quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ được tăng cường và việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường là một cột mốc quan trọng. Điều này có thể khuyến khích doanh nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới “để mắt” tới đất nước hình chữ S nhiều hơn cũng như tìm kiếm thêm khả năng tiếp cận thị trường.

GS. TS. Andreas Stoffers: Mỹ cần thừa nhận sự thật, Việt Nam đã là nền kinh tế thị trường
Cuộc hội đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden diễn ra ngày 10/9/2023, tại  Hà Nội đã mang lại nhiều kết quả hết sức tốt đẹp, thể hiện qua việc thông qua Tuyên bố chung về nâng tầm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Không chỉ thương mại, với vai trò và tầm ảnh hưởng rộng lớn, khi Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường đối với Việt Nam, đầu tư giữa hai nước cũng có thể phát triển mạnh mẽ hơn?

Đúng vậy. Khi Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, danh tiếng của Việt Nam tại nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ được nâng cao. Quan hệ song phương được tăng cường thúc đẩy các kênh thương mại thông suốt hơn, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và tăng “dấu chân” của doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ tại thị trường Việt Nam.

Việt Nam đã trở thành một trong những lựa chọn yêu thích - thay thế Trung Quốc - của các nhà sản xuất nhờ vị trí địa lý thuận lợi, mức lương cạnh tranh, lực lượng lao động lành nghề, nhiều FTA và khả năng kết nối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Minh chứng là thời gian qua, các “ông lớn” lớn của Mỹ như Apple, Intel, Qualcomm, Universal Alloy Corporation, Nike và Key Tronic EMS đã chuyển dây chuyền sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Việt Nam. Thời gian tới, các ngành như dệt may, da giày, thủy sản, điện tử, linh kiện và đồ nội thất dự kiến ​​sẽ nâng xuất khẩu sang Mỹ lên một tầm cao mới, nếu có kế hoạch và đầu tư phù hợp.

Trong 5 năm qua, đầu tư trực tiếp của Mỹ liên tục nằm trong Top 12 nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam. Vào năm 2021 và năm 2022, Mỹ nằm trong Top 8, với hơn 700 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp đăng ký mỗi năm. Đầu tư tích lũy của Mỹ vào Việt Nam trong 30 năm qua lên tới khoảng 12 tỷ USD, trải rộng trên 1.374 dự án.

Nhìn chung, triển vọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ rất tích cực. Do đó, hành trình này cần tiếp tục được nối dài. Đất nước có thể thực thi chặt chẽ hơn quyền sở hữu trí tuệ để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn nữa.

Ngoài ra, vị trí ở Việt Nam cũng có thể là một lợi thế “hút” nhà đầu tư Mỹ. Không những sẽ là lựa chọn thay thế cho Trung Quốc, đất nước hình chữ S còn tăng cường hội nhập vững chắc vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua “bản đồ” FTA vô cùng phong phú. Hơn nữa, Việt Nam còn có vị trí trung tâm ngay trung tâm ASEAN và châu Á-Thái Bình Dương. Nói một cách ngắn gọn, quan hệ đầu tư với Mỹ có thể tăng cường, sau khi Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường.

Mỹ không nên đánh mất cơ hội lớn

Hãng tin Reuters thông tin, hiện nay, các nhà sản xuất thép và nuôi tôm ở duyên hải vịnh Mexico của Mỹ phản đối việc nâng Việt Nam lên quy chế kinh tế thị trường. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ và các nhóm kinh doanh khác ủng hộ động thái này. Như vậy, về phía Mỹ, vẫn có những ý kiến phản đối. Những ý kiến như vậy liệu có nên là cái cớ để Mỹ đánh mất cơ hội lớn trong hợp tác thương mại, đầu tư với Việt Nam?

Trong lĩnh vực chính sách thương mại, luôn có trường hợp một số ngành được hưởng lợi nhiều hơn và một số ngành được hưởng lợi ít hơn. Điều này là hoàn toàn bình thường và là bản chất của sự vật. Điểm cốt yếu là tác động của chính sách thương mại mở cửa rõ ràng tích cực trên bảng cân đối kế toán. Nhiều bên liên quan hơn sẽ được hưởng lợi, cả ở Việt Nam và Mỹ.

Việt Nam đã chứng tỏ rõ ràng rằng mình đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường ở mức độ tương đương với các nước có nền kinh tế thị trường khác hoặc thậm chí tốt hơn ở một số khía cạnh. Bên cạnh đó, hợp tác địa chính trị với Việt Nam trên mọi lĩnh vực cũng rất quan trọng đối với Mỹ.

Trong trường hợp của Việt Nam, có hai xu hướng đã thể hiện rõ ràng: Cơ cấu nền kinh tế thị trường của đất nước và chủ động hướng tới tự do hơn nữa trong tương lai. Vì lý do này, Mỹ nên trao cho Việt Nam quy chế kinh tế thị trường.

Theo quan điểm của tôi, Việt Nam muốn duy trì tính trung lập và nỗ lực xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các cường quốc - bao gồm việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng - điều này có lợi cho cả Mỹ và Việt Nam. Vì vậy, Mỹ không nên đánh mất cơ hội lớn trong hợp tác thương mại và đầu tư với Việt Nam.

Đối với các nhà sản xuất thép và nuôi tôm ở duyên hải vịnh Mexico của Mỹ, họ lo ngại việc nâng quy chế như vậy sẽ giúp giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam, từ đó, gia tăng cạnh tranh với mặt hàng trong nước.

Tuy nhiên, họ sẽ tốt hơn nếu dựa vào khả năng cạnh tranh của chính mình, thay vì dựa vào các biện pháp thương mại của Mỹ áp đặt lên các quốc gia khác. Tất nhiên, lập luận tương tự cũng áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam - vốn phải đối mặt và tiếp tục đối mặt với sự cạnh tranh tương tự trong nhiều lĩnh vực khác.

GS. TS. Andreas Stoffers: Mỹ cần thừa nhận sự thật, Việt Nam đã là nền kinh tế thị trường
Việt Nam xứng đáng được công nhận là nền kinh tế thị trường. (Nguồn: Bloomberg)

Phía Mỹ có 6 quy chế để công nhận nền kinh tế thị trường. Ngày 8/5, tại phiên điều trần thông qua hình thức trực tuyến liên quan đến xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định, nền kinh tế hoàn toàn đáp ứng 6 tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường theo quy định pháp luật Mỹ. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Theo quy định của Mỹ, có 6 tiêu chí được sử dụng để xác định xem một quốc gia có phải là nền kinh tế thị trường hay không. Đó là: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; Đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; Các yếu tố khác.

Việt Nam đã đáp ứng được tất cả các tiêu chí này. Nhiều thay đổi tích cực đã diễn ra ở đất nước. Cụ thể như: Tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Tiền lương có thể được thiết lập thông qua đàm phán tự do giữa người lao động và người quản lý. Không chỉ thế, Bộ Tài chính Mỹ cũng công nhận, Việt Nam không có hiện tượng thao túng tiền tệ và có môi trường kinh doanh công bằng cho các nhà đầu tư quốc tế.

Một ví dụ về phạm vi rộng lớn của quyết định phân loại này: Nếu Việt Nam là một nền kinh tế phi thị trường, Mỹ vẫn có thể áp đặt thuế suất quốc gia đối với các doanh nghiệp không hợp tác hoặc không thể chứng minh rằng, họ không nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ. Thuế suất quốc gia, thường được Mỹ tính toán dựa trên dữ liệu sẵn có - thường được đặt ở mức cao và được duy trì trong tất cả các lần xem xét - sẽ cản trở việc xem xét xóa bỏ thuế. Việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ thay đổi điều này và chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại song phương.

Việc thúc đẩy quan hệ kinh tế Mỹ - Việt nhờ việc Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ mang lại cho nền kinh tế lớn nhất thế giới cơ hội mở rộng và khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với đất nước hình chữ S và đa dạng hóa hơn nữa chuỗi cung ứng ở châu Á.

Đương nhiên, Việt Nam vẫn có thể làm được nhiều hơn thế. Tôi cho rằng, cải cách tư pháp đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Điều này bao gồm việc phát triển hơn nữa khuôn khổ pháp lý hiệu quả, đặc biệt là khả năng thực hiện hành động pháp lý với tư cách là một công ty chống lại những bất công, vi phạm và các quyết định hành chính. Tôi cũng muốn đề cập đến vấn đề tuân thủ. Việt Nam cần phải tăng cường nỗ lực bằng cách tăng cường tính minh bạch và công bằng trong hệ thống pháp luật, đảm bảo các quy định pháp luật được thực thi một cách minh bạch.

Ngoài ra, tốc độ ra quyết định và tăng tốc của các thủ tục hành chính phải được tăng lên. Mục tiêu cần thúc đẩy hơn nữa tự do kinh tế thông qua cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch và tối ưu hóa hiệu quả trong quản lý hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Hiện tại, Việt Nam đã đủ điều kiện để được công nhận là nền kinh tế thị trường nhưng tôi coi việc tiếp tục hoàn thiện cơ cấu kinh tế thị trường nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế là một nhiệm vụ cần thực hiện. Vấn đề này không hề làm giảm đi những thành công của đất nước hình chữ S cho đến nay. Việt Nam xứng đáng được công nhận là nền kinh tế thị trường.

Việt Nam đã đáp ứng đủ tiêu chí của Mỹ cùng những lợi ích mang lại cho cả hai nước, theo ông, hiện tại có phải thời điểm Mỹ cần công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường?

Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể về tự do hóa thị trường trong những năm gần đây và được quốc tế ghi nhận, gần đây nhất là báo cáo mới nhất của Quỹ Di sản - như tôi đã nói ở trên.

Không phải mọi thứ đều hoàn hảo và không quốc gia nào trên thế giới có “kinh tế thị trường hoàn hảo”. Tuy nhiên, trong trường hợp của Việt Nam, có hai xu hướng đã thể hiện rõ ràng: Cơ cấu nền kinh tế thị trường của đất nước và chủ động hướng tới tự do hơn nữa trong tương lai. Vì lý do này, theo tôi, Mỹ nên trao cho Việt Nam quy chế kinh tế thị trường.

Ngoài những thực tế kinh tế thị trường ở Việt Nam đã nói lên điều đó, Mỹ cũng có lợi ích ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc thúc đẩy quan hệ kinh tế Mỹ - Việt nhờ việc Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ mang lại cho nền kinh tế lớn nhất thế giới cơ hội mở rộng và khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với đất nước hình chữ S và đa dạng hóa hơn nữa chuỗi cung ứng ở châu Á.

Mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và Việt Nam là một bước quan trọng hướng tới một trật tự thế giới hòa bình, dựa trên quan hệ thương mại vào thời điểm căng thẳng toàn cầu gia tăng. Xét cho cùng, việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường là thừa nhận sự thật đã rõ ràng!

Xin cảm ơn ông!

TheoBáo Quốc tế
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global