VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 7, 23/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpĐại biểu Quốc hội: Tại sao không dành quỹ đất để phục vụ cho nhà ở xã hội?

Đại biểu Quốc hội: Tại sao không dành quỹ đất để phục vụ cho nhà ở xã hội?

11:25:00 AM GMT+7Thứ 6, 22/11/2024

Sáng 21/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Đa số đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm.

Băn khoăn tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm

Liên quan tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm, dự thảo Nghị quyết quy định dự án thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất không quá 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch (so với hiện trạng sử dụng đất ở), nhiều đại biểu đề nghị làm rõ hơn xung quanh mức 30% mà Chính phủ đưa ra.

Đại biểu Quốc hội: Tại sao không dành quỹ đất để phục vụ cho nhà ở xã hội?
Đại biểu Quốc hội Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) tham gia ý kiến.

Tham gia ý kiến về nội dung này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị, nên làm rõ trong quy định là 30% diện tích đất ở tăng thêm trong thời kỳ quy hoạch so với hiện trạng sử dụng đất ở có bao gồm diện tích đất ở đã được thực hiện trong nhà ở thương mại, đã được quy hoạch trong Luật Đất đai hay không.

"Phải làm cho rõ, người ta quy định là được phép quy hoạch đất ở là 30% nhưng bây giờ đất này không phải là đất ở, ngoài đất ở, 30% này nằm trong 30% quy định của Luật Đất đai hay không hay là ngoài phạm vi. Tôi đề nghị ban soạn thảo nên giải trình cụ thể vấn đề này để dễ áp dụng cho các địa phương" - đại biểu Phạm Văn Hòa nêu.

Theo đại biểu, trường hợp không bao gồm diện tích đất ở thực hiện dự án nhà ở thương mại đã được quy hoạch trong Luật Đất đai thì cần nghiên cứu, quy định rõ vì hạn mức diện tích tối đa để thực hiện dự án nhà ở thương mại có vượt quá 30% diện tích trong thời kỳ quy hoạch hay không?

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) cũng bày tỏ băn khoăn vì "tấc đất tấc vàng", tài nguyên đất là vô giá, trong khi nhà ở thương mại nhiều, đô thị nhiều nơi xây lên bỏ hoang không có người ở. Quốc hội tiếp tục bàn về thí điểm cho thêm 30% diện tích đất ở tăng thêm cho các dự án nhà ở thương mại, trong khi nhu cầu người dân quan tâm là nhà ở xã hội lại vô cùng thiếu.

Đại biểu tỉnh Đồng Nai đặt câu hỏi: "Tại sao chúng ta không dành quỹ đất, không dành nghị quyết để phục vụ cho nhà ở xã hội mà những người dân đang rất cần. Những người dân ở đây là những người thu nhập thấp, lương 7-10 triệu đồng, 20 triệu đồng, người ta không đủ tiền để mua nhà ở thương mại".

Các đại biểu đề nghị quan tâm xem xét đến thực trạng thị trường bất động sản, nhu cầu thực tế của người dân về nhà ở để tháo gỡ đúng và trúng những vướng mắc hiện tại.

Tránh tạo ra hai mặt bằng pháp lý

Ở khía cạnh khác, một số đại biểu cho rằng, cơ sở pháp lý cho phát triển nhà ở thương mại đã cơ bản đầy đủ, việc ban hành Nghị quyết này cần tránh tạo ra 2 mặt bằng pháp lý trong phát triển nhà ở thương mại.

Đại biểu Quốc hội: Tại sao không dành quỹ đất để phục vụ cho nhà ở xã hội?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) phát biểu tại phiên họp.

Dẫn chứng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) nói: Quốc hội đã rất kỳ công và đã ban hành tất cả các hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, bất động sản, từ Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch và các luật khác.

Theo đại biểu: "Đến nay chúng ta lại ban hành 1 nghị quyết thí điểm khác nữa, như vậy chúng ta sẽ có 2 mặt bằng pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản. Một là phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành như đất đai, kinh doanh bất động sản, nhà ở, quy hoạch,... và hai là Nghị quyết này với nhiều ưu thế hơn".

Do đó, đại biểu Nguyễn Công Long đề nghị, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc thí điểm Nghị quyết đối với thị trường bất động sản. Đặc biệt là việc thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận quyền sử dụng đất có thể khiến giá bất động sản tăng lên.

Lý do bởi theo quy định hiện hành, việc thu hồi đất phải theo giá thị trường. Khi cho phép thực hiện dự án nhà ở thương mại tràn lan, doanh nghiệp sẵn sàng thỏa thuận mua đất (phần lớn là đất nông nghiệp) giá cao khiến mặt bằng giá đất trên thị trường tăng lên, ảnh hưởng tới hoạt động xây dựng nhà ở thương mại thông quá đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn (đoàn TP. Hà Nội) ví dụ: "Bên cạnh Nhà nước cần thu hồi đất để sử dụng theo mục tiêu của Nhà nước. Một bên tư nhân sẵn sàng mua, ví dụ giá của miếng đất chỉ 500.000 đồng/m2 thôi nhưng tư nhân sẵn sàng trả tới 2 triệu đồng/m2. Điều đó sẽ dẫn tới sự so sánh của người bán. Sao cái kia 2 triệu mà Nhà nước chỉ trả cho tôi 500.000 và vấn đề này sẽ nảy sinh tranh chấp và việc thu hồi của Nhà nước sẽ rất khó khăn"./.

Cũng theo đại biểu, hiện cử tri rất quan tâm các vấn đề trên thị trường bất động sản, giá nhà ở tăng phi mã, người lao động, cán bộ công chức rất khó có thể mua được nhà. Vì vậy, những chính sách liên quan có thể tác động đến thị trường bất động sản cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

TheoHồng Vân (Thời báo Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global