VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Chủ nhật, 17/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpĐại sứ Bùi Văn Nghị: Việc tham dự Hội nghị G20 khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế

Đại sứ Bùi Văn Nghị: Việc tham dự Hội nghị G20 khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế

11:52:00 AM GMT+7Thứ 7, 16/11/2024

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Brazil, Chủ tịch G20 năm 2024, Luiz Inácio Lula da Silva và Phu nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil từ ngày 16-19/11.

 
Đại sứ Bùi Văn Nghị: Việc tham dự Hội nghị G20 khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế- Ảnh 1.

Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN - Ảnh: TTXVN

Thưa Đại sứ, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự G20 là minh chứng cho thấy vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng gia tăng trên trường quốc tế. Đại sứ đánh giá như thế nào về những đóng góp của Việt Nam tại các cơ chế đa phương khi Việt Nam thường xuyên được mời tham dự các hội nghị của G20 trong những năm gần đây?

Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị: Nhận lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil.

Với chủ đề “Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững”, Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ tập trung thảo luận ba vấn đề chính: Cuộc chiến chống đói nghèo, bất bình đẳng; ba khía cạnh của phát triển bền vững (kinh tế, xã hội và môi trường) và cải cách quản trị toàn cầu. Việc Việt Nam nhận lời mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này cho thấy các vấn đề thảo luận phù hợp với các mục tiêu Việt Nam cam kết thực hiện. Điều này không chỉ khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam đang ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế và khu vực, mà còn tạo cơ hội để thúc đẩy thương mại, đầu tư và hợp tác với các quốc gia thành viên.

Việc Việt Nam thường xuyên được mời tham dự các hội nghị của G20 trong những năm gần đây phản ánh những đóng góp quan trọng của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, cũng như thể hiện năng lực, trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề toàn cầu, cụ thể:

Một là, vai trò tích cực trong hợp tác quốc tế, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với hợp tác đa phương, đóng góp vào các thảo luận toàn cầu về phát triển bền vững, an ninh, và biến đổi khí hậu. Sự tham gia của Việt Nam tại G20 cho thấy vị thế ngày càng tăng trên trường quốc tế.

Hai là, chia sẻ kinh nghiệm phát triển, một trong những vấn đề thảo luận là cuộc chiến chống đói nghèo và phát triển bền vững. Từng nằm trong nhóm các nước nghèo, nhưng Việt Nam đã vươn mình trở thành một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. Trong giai đoạn từ 1989 tới 2023, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 40 lần. Nếu như năm 1993, tỉ lệ hộ nghèo ở Việt Nam chiếm hơn 58% thì đến năm 2021, con số này là 2,23%. Thu nhập bình quân đầu người năm 1993 đạt 185 USD, đến cuối năm 2023, con số này là 4.284 USD. Với những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo, Việt Nam có thể chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về chính sách phát triển và quản lý kinh tế, góp phần vào việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề chung.

Ba là, đại diện cho các nước đang phát triển đóng góp vào các vấn đề toàn cầu, Việt Nam có thể đóng vai trò cầu nối giữa các nước phát triển và đang phát triển, đưa ra quan điểm và nhu cầu của các quốc gia này trong các vấn đề toàn cầu. Với phương châm chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm, căn cứ chủ đề và nội dung nghị sự của hội nghị, Việt Nam sẽ phối hợp với các nước thúc đẩy các vấn đề quan tâm chung của quốc tế như tăng cường các quan hệ đối tác, hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc; tăng cường hợp tác củng cố môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trong năm 2024, Việt Nam và Brazil kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước?

Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva, đồng thời tham dự các hoạt động ngoại giao văn hoá chào mừng kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Brazil (8/5/1989-8/5/2024). Chuyến công tác không chỉ giúp cho việc kỷ niệm dấu mốc này thiết thực hơn mà còn góp phần làm tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Brazil, định hướng cho công cuộc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương lên một tầm cao mới trong thời gian tới.

Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil lần này thể hiện sự củng cố quan hệ chính trị giữa Việt Nam – Brazil, giúp tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai chính phủ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực. 

Minh chứng cho thấy quyết tâm thực hiện các cam kết trong Thông cáo chung giữa hai nước trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil tháng 9/2023 đó là việc phía Brazil đã thực hiện hai chuyến thăm cấp bộ trưởng đến Việt Nam. Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Luciana Santos (tháng 11/2023), hai bên nhấn mạnh khả năng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số, ngành bán dẫn và công nghệ sinh học. Trong khi đó, chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Mauro Vieira (tháng 4/2024) đã cụ thể hóa những cam kết của lãnh đạo hai nước trong Thông cáo chung, thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, đồng thời, chính thức chuyển thư của Tổng thống Brazil Lula da Silva mời Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này tại Rio de Janeiro.

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Brazil không chỉ có tác động đến quan hệ chính trị mà còn tạo ra cơ hội cho việc thiết lập và phát triển các mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước nhất là trong các lĩnh vực hai bên cùng có thế mạnh và quan tâm như nông nghiệp, khoa học công nghệ, chuyển đổi năng lượng, năng lượng sinh học, phù hợp với các vấn đề thảo luận trong Hội nghị thượng đỉnh G20. 

Ngoài ra, đây còn là cơ hội để tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác mà hai bên có nhu cầu và thế mạnh như sản xuất lương thực thực phẩm Halal, văn hóa, thể thao-đào tạo bóng đá, du lịch, giáo dục đào tạo, an ninh - quốc phòng, giao lưu nhân dân. 

Việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao còn thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao vai trò chủ động của Brazil trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam đóng góp vào các vấn đề thảo luận chung, tăng cường trao đổi song phương với các nước, từ đó củng cố vị thế của cả Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1989, Việt Nam và Brazil đã xây dựng mối quan hệ vững chắc và toàn diện trên cơ sở tin cậy chiến lược và hiểu biết lẫn nhau. Quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Brazil được thiết lập từ năm 2007 đã góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ trên tất cả các lĩnh vực, trên tất cả các kênh đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, ngoại giao nghị viện và đối ngoại nhân dân. 

Quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước ngày càng được củng cố thông qua sự bổ trợ lẫn nhau của hai nền kinh tế, sự tương đồng về lợi ích và gắn kết sâu sắc giữa nhân dân hai nước. Mối quan hệ Việt Nam -Brazil hiện nay đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, việc Thủ tướng tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với Brazil, là minh chứng cho quyết tâm chính trị của lãnh đạo Việt Nam và Brazil sớm đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh, do đó việc củng cố quan hệ hợp tác với Brazil nói riêng và các quốc gia tại khu vực nói chung, nhất là các quốc gia trong khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng để thúc đẩy khởi động đàm phán Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) giữa Việt Nam và khối này. Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng đàm phán FTA giữa Việt Nam và Mercosur?

Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị: Đối với Việt Nam, Brazil là đối tác quan trọng số 1 ở khu vực Nam Mỹ. Với vị trí địa lý rộng lớn thứ 5 trên thế giới và dân số gần 213 triệu người, Brazil thực sự là một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác Brazil là cửa ngõ để Việt Nam đi vào các thị trường khu vực Mỹ Latinh, ngược lại Việt Nam là cánh cửa để các doanh nghiệp Brazil thâm nhập vào vào thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước châu Á khác.

Mercosur là khu vực kinh tế, công nghiệp năng động, cạnh tranh và phát triển, có ảnh hưởng ngày càng lớn với vị thế là khối kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới, là một trong khu vực sản xuất hàng đầu về lương thực, nguyên liệu và năng lượng. Bên cạnh đó, Mercosur là một thị trường đầy tiềm năng, với gần 300 triệu người tiêu dùng, với tổng GDP đạt 4.580 tỷ USD, chiếm 82,3% GDP của khu vực và chiếm khoảng 70% dân số Nam Mỹ. Đây là thị trường rất tiềm năng cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như may mặc, da giày, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến...

Việc ký kết FTA giữa Việt Nam và Mercosur sẽ tạo đột phá trong hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Brazil, mang lại kết quả thực chất cho doanh nghiệp và người dân hai nước.

Brazil có thể trở thành cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận thị trường các nước Mỹ Latinh cũng như Mercosur. Trong khi đó, Việt Nam sẽ trở thành cầu nối giúp Brazil tiếp cận thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 650 triệu dân và một thị trường lớn hơn với 800 triệu dân của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đàm phán FTA Việt Nam - Mercosur đặt kỳ vọng đưa Hiệp định này thành động lực khai thác thị trường xuất khẩu khu vực Mỹ Latinh đối với hàng hóa của Việt Nam.

Việc ký FTA Việt Nam- Mercosur mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cho Việt Nam, từ việc mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư đến tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Việt Nam mong muốn Brazil thúc đẩy sớm khởi động đàm phán FTA Việt Nam - Mercosur. Hai nước sẽ là cầu nối đắc lực của nhau trong hợp tác với ASEAN và Mercosur cũng như giữa hai khối này với các tổ chức khu vực khác.

TheoBáo Chính phủ
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global