Thứ 4, 09/07/2025 | English | Vietnamese
11:11:00 AM GMT+7Thứ 3, 08/07/2025
Ngược dòng thời gian, hơn 300 năm trước vùng đất Sài Gòn – Gia Định được hình thành bởi các sông rạch, phương tiện di chuyển chủ yếu là các ghe thuyền. Và tại đây có một dòng sông luôn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này đó là dòng Sài Gòn là chứng nhân và đây là câu chuyện lịch sử của các qua năm thời kỳ “khai hoang, xây thành đắp lũy, trên bến dưới thuyền, thương cảng phồn thịnh, rực rỡ thành phố bên sông” của vùng đất này, vùng đất Sài Gòn – Gia Định – TP.
Vùng đất Gia Định (tiền thân của Sài Gòn – TP. HCM) từng là nơi hội tụ của những lớp người tiên phong từ khắp nơi đổ về trong hành trình khai phá phương Nam. Theo "Gia Định thành thông chí" – bộ địa chí nổi tiếng do học giả Trịnh Hoài Đức (1765 – 1825) biên soạn – tên gọi “Gia Định” mang ý nghĩa sâu xa: “Gia” là nhà, “Định” là yên ổn, chỉ vùng đất an cư, ổn định dành cho những lưu dân phiêu bạt không nhà, không tài sản, tìm đến để khai hoang, dựng xây cuộc sống mới.
Chính dòng sông Sài Gòn – khởi nguồn từ rạch Chàm (nay thuộc Bình Phước), chảy qua Tân Bình xưa (gồm cả Bình Dương, Bình Phước ngày nay) – đã trở thành tuyến đường thủy quan trọng, dẫn dắt những đoàn lưu dân xuôi về phía Nam.
Điểm giao thoa giữa Bình Dương và Gia Định cũng là nơi đặt dấu ấn lịch sử quan trọng – cây cầu sắt Phú Long (còn gọi là cầu Lái Thiêu) do hãng Levallois – Perret của Pháp xây dựng năm 1913.
Cây cầu không chỉ là cửa ngõ giao thương, mà còn là chứng nhân cho sự kết nối giữa hai vùng đất giàu truyền thống. Sau hơn một thế kỷ phục vụ giao thông và lịch sử, cầu Phú Long đã được tháo dỡ vào năm 2019, khép lại chặng đường 106 năm gắn bó với miền đất từng là trái tim của Gia Định xưa.
Trong quá trình hình thành vùng đất Gia Định xưa, phần lớn cư dân đầu tiên là những lưu dân từ miền Trung phiêu bạt vào Nam, tìm đến các gò đất cao như Gò Cây Mai, Bà Chiểu, Gò Vấp, Hóc Môn để khai hoang, lập nghiệp. Họ chọn nơi đất cao để tránh ngập, đồng thời thuận tiện cho việc trồng trọt, sinh sống.
Song song đó, các thương thuyền từ nhiều nơi cũng đổ về đây buôn bán, trao đổi hàng hóa. Nhằm thuận lợi cho việc kinh doanh lâu dài, nhiều thương nhân đã chọn cách cắm sào định cư, lập nên các làng xóm nhỏ ven sông rạch – nơi giao thông đường thủy thuận lợi, thuyền bè qua lại nhộn nhịp. Trịnh Hoài Đức từng mô tả sự sầm uất này trong “Gia Định thành thông chí”: “Gia Định là chỗ đô hội thương thuyền của các nước, cho nên trăm món hàng hóa phải tụ hội ở đây”.
Từ cuối thế kỷ XIX, khi dòng Sài Gòn uốn lượn qua vùng đất nay gọi là quận Bình Thạnh, những đoàn lưu dân dõi theo mạch nước mà tụ cư ngày một đông. Trên các doi đất nhô ra giữa sông, những thôn mới lần lượt thành hình: Thạnh Đa (Thanh Đa ngày nay), Bình Quới Tây…
Riêng thôn Thạnh Đa nổi bật như bán đảo ba bề sóng nước, chỉ có một lối đất thông với nội thị. Nhận thấy vị trí vừa phòng thủ vừa thuận lợi giao thương, chính quyền Pháp năm 1897 đã cho đào kênh Thanh Đa, cắt ngang thôn để nối hai khúc sông, rút ngắn hành trình thủy lộ và biến nơi đây thành “hòn đảo” thương hồ, nơi ghe bầu, thuyền buôn tránh nước xoáy và chở gạo, mật đường, trái cây miệt Lái Thiêu, Hóc Môn vào chợ Bến Thành.
Nhờ tuyến kênh và các bến bãi dọc bờ, Bình Thạnh sớm trở thành cửa ngõ vận chuyển hàng hóa của Gia Định, đồng thời là vùng “phên dậu” phía Bắc, che chắn cho trung tâm Sài Gòn khỏi nạn lũ và ngoại xâm.
Ngư dân Nguyễn Ngọc Ái, người gắn đời mình với khúc sông này, kể rằng hằng ngày có hơn hai chục ghe từ các tỉnh lân cận ghé thả lưới, mỗi ghe thường thu về trên dưới mười ký cá, cộng lại hơn hai trăm ký sản vật.
Anh cười hiền: “Nếu không ai đánh bắt, cá sẽ đầy kín cả sông thôi!”. Câu nói mộc mạc ấy gợi ta hình dung dòng Sài Gòn thuở hoang sơ – dòng sông từng nuôi dưỡng bao thế hệ cư dân Bình Thạnh, từ lớp lưu dân lập làng đến những người chài lưới bám trụ giữa đô thành phồn hoa ngày nay.
Đối diện trung tâm Sài Gòn xưa, bên kia dòng Bến Nghé, là vùng đất hoang sơ ngập mặn mang tên Thủ Thiêm – một vùng đầm lầy xen rừng, cỏ bàng mọc đầy, sình lầy đọng nước quanh năm.
Vào khoảng năm 1912, một bến đò ngang được hình thành để nối liền hai bờ – từ Thủ Thiêm sang chợ Sài Gòn – vừa thuận tiện cho việc đi lại, vừa phục vụ nhu cầu giao thương hàng ngày. Do nơi đặt bến có nhiều cây bàng cổ thụ, người dân quen gọi là bến đò Cây Bàng, một địa danh mộc mạc mà suốt gần một thế kỷ đã in đậm trong ký ức bao thế hệ.
Chiếc đò gỗ ngày ngày vượt dòng nước lặng, chở theo học sinh sang trường, phụ nữ mang gánh hàng, người lao động qua sông mưu sinh, từng là một phần không thể thiếu trong nhịp sống của cư dân Thủ Thiêm – Bến Nghé.
Giờ đây, đổi thay và đô thị hóa, bến đò vẫn kiên trì phục vụ dân sinh, như một chứng tích lặng lẽ của mạch giao thông thủy mang đậm dấu ấn Nam Bộ xưa. Thế nhưng, đến năm 2011, bến đò Cây Bàng chính thức ngừng hoạt động, khép lại hành trình gần 99 năm gắn bó với người dân hai bờ.
Sự biến mất của bến đò ấy không chỉ đánh dấu một giai đoạn chuyển mình của Thủ Thiêm từ vùng đất ven đô thành khu đô thị mới, mà còn như một hồi chuông khép lại thời kỳ “bến nước – con đò” từng rất thân thương với người dân Nam Bộ thuở trước.
Năm Mậu Dần 1698, Chúa Nguyễn cử Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Đồng Nai – Sài Gòn, chính thức lập phủ Gia Định, đặt nền hành chính đầu tiên và sáp nhập vào quốc gia Đại Việt. Từ đây, các sông rạch dần trở thành huyết mạch giao thông, vừa phục vụ giao thương vừa đóng vai trò chiến lược trong bảo vệ vùng đất mới.
Đến năm 1790, giữa thế kỷ binh đao với nhà Tây Sơn, Chúa Nguyễn Phúc Ánh chọn bờ tây sông Sài Gòn để dựng thành Phiên An, dân gian gọi là thành Bát Quái vì thiết kế mô phỏng đồ hình bát quái.
Thành có tám cửa lớn chia đều trên các trục đường nay là Tôn Đức Thắng – Đinh Tiên Hoàng – Nguyễn Đình Chiểu – Lê Thánh Tôn, trong đó cửa Ly Minh mở thẳng ra sông Sài Gòn, là điểm tiếp vận thủy quân quan trọng.
Để đảm bảo hậu cần, xưởng Chu Sư được lập cách cửa đông một dặm. Theo “Gia Định thành thông chí”, nơi đây “dọc bờ sông Tân Bình (tức sông Sài Gòn), quanh theo sông Bình Trị (rạch Thị Nghè), dài ba dặm, chuyên chế tạo thuyền bè và dụng cụ thủy chiến.” Đây chính là tiền thân của nhà máy Ba Son, sau này được người Pháp mở rộng thành xưởng sửa chữa chiến hạm lớn nhất Nam Kỳ.
Ngày nay, nơi từng đóng khinh thuyền phòng thủ Cần Giờ – Thủ Thiêm đã thành khu đô thị cao tầng Ba Son, nhưng lớp phù sa Bình Trị xưa vẫn âm thầm lưu giữ ký ức một Gia Định từng lấy sông làm “đường cái” và thành Bát Quái làm trái tim phòng thủ phương Nam.
Năm 1836, dưới triều vua Minh Mạng, thành Gia Định – còn gọi là thành Phụng – được xây dựng thay thế cho thành Phiên An trước đó. Vị trí thành cũng được thay đổi đôi chút: thay vì nằm lệch về phía sông Sài Gòn như thành Phiên An, thì lần này, thành Gia Định được dựng sát hơn với sông Bình-Trị cho thuận tiện trong vận chuyển và tiếp cận đường thủy (theo Đại Nam thực lục – Chính biên Đệ nhị kỷ (Minh Mạng, 1820 – 1840).
Thành tọa lạc trên khu vực ngày nay là bốn con đường: Nguyễn Bỉnh Khiêm – Nguyễn Đình Chiểu – Mạc Đĩnh Chi – Lê Duẩn, trong đó đường Nguyễn Bỉnh Khiêm chạy song song và gần với rạch Thị Nghè hơn so với trục Lê Duẩn – nơi từng là mép phía nam của thành Phiên An.
Dù quy mô không bằng tiền thân, thành Gia Định vẫn giữ vai trò trung tâm hành chính – quân sự quan trọng bậc nhất của Nam Kỳ cho đến khi bị quân Pháp đánh phá và chiếm đóng vào năm 1859, khép lại một giai đoạn lịch sử đầy biến động của vùng đất phương Nam.
Vào năm 1772, trước mối đe dọa từ phía quân Xiêm, vị tướng tài của chúa Nguyễn là Chưởng cơ Nguyễn Cửu Đàm đã xin triều đình cho phép huy động quân dân đắp một tuyến phòng thủ quy mô lớn nhằm bảo vệ vùng Sài Gòn – Gia Định đang hình thành.
Tuyến lũy này được gọi là lũy Bán Bích hay lũy Tân Hóa, kéo dài khoảng 15 dặm (hơn 8,5 km), tạo thành một vòng cung như bán nguyệt, nối từ rạch Tàu Hủ đến rạch Thị Nghè, chạy qua khu vực nay là các quận 3, 10, 11 và cầu Bông, ôm lấy các dinh trại quân sự lúc bấy giờ. Nhờ hình dáng ấy, người xưa gọi là “Bán Bích”, tức nửa bức tường thành.
Lũy Bán Bích đã khiến Sài Gòn trở thành pháo đài tự nhiên bất khả xâm phạm, ngăn ngừa các cuộc tấn công từ đường bộ và kiểm soát vùng ven hiệu quả. Từ phòng tuyến đất đắp chống giặc, đến ranh giới đô thị thời Pháp thuộc, lũy Bán Bích là biểu tượng tiêu biểu cho tầm nhìn chiến lược và tổ chức không gian đô thị của người Việt ở Gia Định xưa.
Do luôn gắn liền với sông rạch và gần biển nên vùng đất Sài Gòn – Gia Định chịu ảnh hưởng rõ rệt của con nước thủy triều và hầu như có nước quanh năm tạo thuận tiện cho ghe thuyền vận chuyển, dần tạo nên đô thị trù phú với nền kinh tế hướng sông, sớm tạo nên hình thức kinh thương với cảnh bán buôn “Trên bến dưới thuyền”.
Theo “Gia Định thành thông chí”, rạch Tàu Hủ xưa có tên là sông An Thông (An Thông hà) là rạch xưa nhất tại vùng đất này và cũng là tuyến đường thủy huyết mạch nối giữa Sài Gòn – Gia Định và các tỉnh miền Tây Nam Bộ xưa. Dọc tuyến rạch này có một bến sông xưa có tên là bến Bình Đông và tại đây hình thành rõ nét nhất hình ảnh “Trên bến dưới thuyền” xưa.
Ngay giữa hành lang thương hồ ấy, bến Bình Đông (nay thuộc quận 8 và quận 6) nổi lên như “Chợ nổi” của đất Sài Gòn. Từ đầu thế kỷ XIX, thuyền buôn người Hoa và người Việt đã lập bến, cắm sào, dựng dãy phố lầu gạch, phía trước thò ban công vươn sát mép nước để bốc xếp hàng, phía sau là kho chứa tiêu, quế, gạo, mắm gửi đi các chợ lớn nhỏ trong thành.
Từ An Thông hà đến bến Bình Đông, con kênh dài chưa đầy mười cây số ấy không chỉ đắp bồi phù sa mà còn dựng nên phồn hoa Sài Gòn – Gia Định, biến đô thị ven sông thành trung tâm giao thương lớn nhất phương Nam suốt hơn hai thế kỷ.
Từ thuở Sài Gòn – Gia Định còn vang tiếng chèo khua trên rạch An Thông, bến cảng đã là nơi gặp gỡ của hàng hóa, con người và những giấc mơ phồn thịnh. Vào cuối thế kỷ XIX, khi người Pháp đặt chân lên mảnh đất này và bắt đầu quy hoạch đô thị theo kiểu châu Âu, Cảng Sài Gòn được hình thành như một đầu mối giao thương chiến lược không chỉ cho miền Nam mà cho cả toàn cõi Đông Dương.
Từ những tàu hơi nước đầu tiên cập bến, cho đến thập niên 1960, đây là nơi hàng hóa từ khắp nơi đổ về: gạo từ miền Tây, cao su từ Đông Nam Bộ, tiêu, cà phê, hạt điều từ cao nguyên… tất cả được vận chuyển lên tàu đưa ra thế giới.
Không chỉ là thương cảng, Cảng Sài Gòn còn là biểu tượng của một Sài Gòn năng động, thức thời và vươn xa. Giai đoạn đổi mới, từ năm 1986 đến 1995, cảng đóng vai trò trụ cột trong quá trình hội nhập, là nơi tiếp nhận và xuất khẩu khối lượng lớn hàng hóa, đóng góp to lớn cho ngân sách quốc gia.
Nay, khi nhịp sống đô thị đổi khác, Cảng Sài Gòn cũng khép lại sứ mệnh cũ để bắt đầu một hành trình mới. Các luồng vận chuyển hàng hóa được chuyển dịch về các thương cảng hiện đại hơn như Cát Lái, Hiệp Phước, Phước Long, Cái Mép – Thị Vải, nơi ứng dụng công nghệ cao, robot bốc dỡ, điều hành logistic bằng thuật toán. Còn lại nơi bến cảng cũ, làn gió mới thổi vào từ những đoàn siêu du thuyền quốc tế, đưa du khách đến chiêm ngưỡng một thành phố từng là “hòn ngọc Viễn Đông”.
Từ bến ghe xưa dưới rặng dừa nước, đến cảng biển quốc tế đón tàu triệu đô, Cảng Sài Gòn là chứng nhân sống động cho hành trình vươn mình của một vùng đất từ Gia Định xưa đến đô thị thông minh hôm nay – luôn vận động, luôn kết nối, và không ngừng đổi mới trong làn gió thời đại.
Trải qua bao lớp phù sa lịch sử, Sài Gòn – Gia Định hôm nay đã khoác lên mình tấm áo mới của một đô thị ven sông hiện đại và văn minh. Dọc theo bờ sông Sài Gòn, nơi từng in dấu những bến ghe buôn bán sầm uất thuở xưa, nay là công viên Bạch Đằng tươi mát với lối đi bộ lát đá, hàng cây thẳng tắp và ánh đèn vàng dịu soi bóng người qua lại.
Chiều xuống, những chiếc du thuyền sang trọng lặng lẽ rẽ nước, đưa du khách len qua những công trình biểu tượng như cầu Ba Son cong mềm như dải lụa, hay tòa Landmark 81 vươn cao giữa trời như ngọn đuốc soi sáng cho một thời kỳ mới.
Cuộc sống ven sông giờ không chỉ còn là bến thuyền, mà là nơi tụ hội của những giá trị đô thị thời đại: người dân chạy bộ buổi sáng, các gia đình dạo chơi cuối tuần, những phiên chợ ẩm thực dọc công viên, cùng với các hoạt động nghệ thuật đường phố sống động về đêm.
Đây không chỉ là nơi sinh sống, mà còn là không gian văn hoá giao hòa giữa quá khứ và hiện tại, nơi người dân có thể tìm thấy ký ức Gia Định xưa qua tên một bến nước, mà vẫn thấy mình là công dân của một thành phố đang bước vào kỷ nguyên số.
Vùng đất này và sông Sài Gòn giờ không đơn thuần chỉ là “Đô thị Bên sông”, mà dòng chảy của nó đã và đang đánh thức cả Thành phố, lấy dòng chảy làm trục sống, đưa người dân Thành phố vươn mình theo cuộc sống mới “văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động và sáng tạo” hòa cùng mạch nước, vươn ra biển lớn để cùng hội nhập ở tương lai.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global