VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Chủ nhật, 24/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin VCCIDấu ấn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bộ ba nghị quyết về kinh tế

Dấu ấn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bộ ba nghị quyết về kinh tế

05:05:00 PM GMT+7Thứ 2, 22/07/2024

13 năm trên cương vị lãnh đạo cao nhất của đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại những định hướng lớn, quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.

Bộ ba nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, chọn lọc đầu tư nước ngoài và xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới những năm gần đây cho thấy tầm nhìn, định hướng chiến lược của Đảng về phát triển đất nước.

Trong đó, dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người thay mặt Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp ký 3 nghị quyết rất rõ nét.

13 năm trên cương vị lãnh đạo cao nhất đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại những định hướng lớn, quan trọng trong phát triển đội ngũ doanh nghiệp và kinh tế đất nước. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quán triệt Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế” tại trụ sở VCCI vào năm 2011

Đưa kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng

Trước những đòi hỏi phát triển đất nước, sau Hội nghị Trung ương lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt trung ương ký ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết 10 đã mở ra không gian phát triển mới cho khu vực kinh tế tư nhân, theo đó Đảng xác định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP”. 

Trong Nghị quyết 10, Đảng cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể trong phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Đó là, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp.

Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%.

Để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, Đảng cũng đưa ra nhiều giải pháp định hướng về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, trong đó tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt Đoàn đại biểu Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và đại diện các doanh nhân trẻ tiêu biểu. Ảnh: DNT.

Thể chế hoá đầy đủ và bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, các quyền, nghĩa vụ dân sự của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Có các cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập doanh nghiệp tư nhân, thu hẹp những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực, địa bàn mà pháp luật không cấm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp thông qua các chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất trong những năm đầu hoạt động.

Tính tới giữa năm 2023, cả nước có hơn 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, với khoảng 7 triệu doanh nhân, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% vào GDP cả nước, 1/3 thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước. Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế, chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Xây dựng đội ngũ doanh nhân dân tộc, lực lượng nòng cốt phát triển kinh tế

Để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ đầu đảm nhiệm cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, ngày 9-12-2011 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. 

Tiếp nối tinh thần này, 12 năm sau Bộ Chính trị dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ban hành Nghị quyết 41 - NQ/TW ngày 10-10-2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết 41 ra đời với những quan điểm rất mới, rất mạnh mẽ trong phát triển đội ngũ doanh nhân nước ta.

Tại Nghị quyết 41, lần đầu tiên đội ngũ doanh nhân được khẳng định có vị trí, vai trò “là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm THACO - Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải

Đảng đặt nhiệm vụ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Đây là lần đầu tiên, yếu tố “an toàn, bình đẳng” được đưa vào yêu cầu trong xây dựng môi trường kinh doanh, được giới doanh nhân vô cùng chào đón. Đặc biệt là giải pháp “bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hoá quan hệ kinh tế…” cho thấy tầm nhìn của Tổng Bí thư và Bộ Chính trị đã thấu suốt yêu cầu thực tế và nguyện vọng của các doanh nhân, doanh nghiệp. 

Nghị quyết 41 đặt ra yêu cầu “Ban hành chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia, ngành, địa phương gắn với mục tiêu tổng quát, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, đồng thời “Có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc”. Đây là những định hướng, giải pháp rất mới, rất mạnh mẽ, phù hợp với mục tiêu Đảng đặt ra là đến năm 2030 sẽ hình thành đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới, một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt, một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.

Sau khi Đảng ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 66/NQ-CP ban hành chương trình hành động với mục tiêu cụ thể đến năm 2030 cả nước có tối thiểu 2 triệu doanh nghiệp. Trong đó, 70 doanh nghiệp có vốn hoá trên 1 tỉ USD, 120 doanh nghiệp có doanh thu thuần trên 1 tỉ USD, 100 doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế đạt trên 100 triệu USD, 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỉ phú USD của thế giới, 5 doanh nhân quyền lực thế giới. Khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp 65-70% GDP cả nước.

Tính đến năm 2024, Việt Nam có 6 doanh nhân lọt vào danh sách tỉ phú USD của thế giới, đang sở hữu các tập đoàn tư nhân kinh doanh tronh nhiều lĩnh vực như bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô, kinh doanh hàng không, sản xuất thép, ngân hàng, khai khoáng và bán lẻ.

Ngoài ra, theo báo cáo  của Công ty tư vấn Henley & Partners kết hợp với New World Wealth, Việt Nam hiện có khoảng 19.400 triệu phú có tài sản trên 1 triệu USD, gần 58 triệu phú có tài sản hơn 100 triệu USD. Trong giai đoạn 2013-2023, số triệu phú USD của Việt Nam đã tăng 98%, tức gần gấp đôi. Tốc độ này vượt cả Trung Quốc (92%), Ấn Độ (65%) và Mỹ (62%).

Sự lớn mạnh của khu vực tư nhân Việt Nam cùng với sự gia tăng nhanh chóng các doanh nhân thành đạt từ năm 2011 đến nay đã khẳng định định hướng đúng đắn của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc hỗ trợ, mở không gian phát triển cho kinh tế tư nhân, hướng tới một nền kinh tế giàu mạnh, độc lập và tự chủ.

Đồng chí Phạm Tấn Công, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới ngày 10/05/2024.

Chọn lọc đầu tư FDI

Những thành công trong thu hút đầu tư FDI những năm gần đây cũng cho thấy chủ trương rất rõ của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong định hướng chọn lọc đầu tư FDI.

Những năm 2017 - 2018, khi dòng vốn đăng ký đầu tư FDI vào Việt Nam đạt mức kỷ lục lần lượt là 35,88 tỉ USD và 35,46 tỉ USD nhưng phát sinh nhiều vấn đề về công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, ngày 20-8-2019 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Có thể coi Nghị quyết 50-NQ/TW là thay đổi chiến lược trong thu hút đầu tư FDI, Việt Nam chuyển sang giai đoạn thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đồng thời Đảng cũng xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.

Đây là nền tảng để hàng loạt đại bàng công nghệ tìm đến Việt Nam đầu tư trong thời gian qua, từng bước hình thành hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn trong nước. Vai trò của khu vực đầu tư nước ngoài với nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đầu tư nước ngoài đang là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của đất nước.

Có thể thấy những động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam hiện nay như xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, sự phát triển mạnh mẽ của khu vực dân doanh trong nước từ năm 2011 đến nay cho thấy những định hướng phát triển đất nước đúng đắn của Đảng, trong đó có vai trò quan trọng của người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nhờ định hướng đúng đắn, chỉ đạo kịp thời của Đảng, kinh tế đất nước những năm qua luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, quy mô GDP của nền kinh tế đến đầu năm 2024 đạt 435 tỉ USD, đứng thứ 35 thế giới. Việt Nam đã và đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, đúng như Tổng Bí thư đã nhiều lần khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Giới doanh nhân Việt Nam nhớ mãi những kỷ niệm về sự quan tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đầu nhiệm kỳ đầu tiên làm Tổng Bí thư của Đảng, sau khi ký ban hành Nghị quyết số 09 ngày 9-12-2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vào ngày 17-12-2011, gặp gỡ đại diện giới doanh nhân cả nước và trực tiếp phổ biến Nghị quyết số 09. Với Nghị quyết số 41, tôi còn nhớ Bộ Chính trị đã họp thảo luận và cho ý kiến vào ngày 18-8-2023, khi đó Tổng Bí thư đã yêu cầu phải hoàn thiện và ban hành sớm trước Ngày Doanh nhân Việt Nam để động viên giới doanh nhân. Được Tổng Bí thư hỏi Chủ tịch VCCI có ý kiến gì thêm trước khi kết thúc phiên họp, tôi đã mạnh dạn đề xuất mời Tổng Bí thư tham dự gặp gỡ giới doanh nhân toàn quốc nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam. Biết điều kiện sức khoẻ và lịch làm việc dày đặc của Tổng Bí thư nên tôi đã vô cùng xúc động và bất ngờ khi được Tổng Bí thư đồng ý một cách rất giản dị: “các đồng chí cho đến thì tôi đến thôi”. Sáng 11/10/2023, Gặp gỡ toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam được VCCI tổ chức tại Hà Nội, mặc dù vì những lý do khách quan Tổng Bí thư không đến dự được, nhưng các doanh nhân vẫn cảm nhận được tình cảm sâu sắc, sự quan tâm của Tổng Bí thư khi được hân hoan đón nhận 2 món quà lớn đó là lẵng hoa chúc mừng cùng Nghị quyết 41, được Tổng Bí thư ký ban hành trước lúc khai mạc Gặp gỡ chưa đầy 24 giờ! Giờ đây Tổng Bí thư đã đi xa, nhưng những kỷ niệm, tình cảm, sự quan tâm ấm áp, giản dị và dấu ấn để lại của Tổng Bí thư còn lưu mãi mãi trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. 

TheoTạp Chí diễn đàn doanh nghiệp
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global