Vốn đầu tư ra nước ngoài đang chậm lại, nhưng đó chỉ là vấn đề thời điểm. Nguyên nhân là do những năm gần đây, do ảnh hưởng những khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, cũng như của Việt Nam, đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt có xu hướng giảm.
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, 8 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, bao gồm vốn cấp mới và điều chỉnh, đạt 147,3 triệu USD, giảm 64,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có 75 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư và 17 lượt dự án điều chỉnh vốn từ phía Việt Nam.
Xét về lĩnh vực đầu tư, Việt Nam đầu tư ra nước ngoài ở 14 ngành. Trong đó, khai khoáng đạt 58,6 triệu USD, chiếm 39,8% tổng vốn đầu tư. Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 29,1 triệu USD, chiếm 19,7%.
Đứng thứ ba là bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 24,7 triệu USD, chiếm 16,8%. Hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ đạt 20 triệu USD, chiếm 13,6%.
Dịch vụ khác đạt 10 triệu USD, chiếm 6,8%. Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và điều hòa không khí đạt gần 8 triệu USD, chiếm 5,4% vốn đầu tư.
Xét về lãnh thổ đầu tư, trong 8 tháng năm 2024, có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Có một điểm tích cực, đó là thời gian gần đây, bên cạnh các thị trường đầu tư truyền thống, một số doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Mỹ, sang Hà Lan, sang châu Âu… và một số thị trường khác.
Theo đó, Hà Lan là nước dẫn đầu với 54,6 triệu USD, chiếm 37,1% tổng vốn đầu tư; Lào 37,8 triệu USD, chiếm 25,7% vốn đầu tư.
Vương quốc Anh 19,8 triệu USD, chiếm 13,4% vốn đầu tư; Hoa Kỳ 18,6 triệu USD, chiếm 12,7%; Campuchia 16,6 triệu USD, chiếm 11,3%; New Zealand 5,9 triệu USD, chiếm 4% vốn đầu tư.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, các nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam; trong đó, có Vingroup, TH, FPT, Vinamilk… cho biết, các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
Mới đây, Tập đoàn TH đã khởi công Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa có tổng vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng ở vùng Viễn Đông (Nga), để tiếp tục hiện thực hóa kế hoạch đầu tư 2,7 tỷ USD ở thị trường rộng lớn này.
Để mở rộng thị trường, FPT gần đây liên tục thực hiện các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A). Hồi tháng 3/2024, FPT đã mua 100% vốn của Next Advanced Communications NAC Co., Ltd. (NAC), một công ty dịch vụ công nghệ thông tin của Nhật Bản; đồng thời, mở thêm các chi nhánh mới ở thị trường nước ngoài.
Chia sẻ với những khó khăn của một số dự án đầu tư của Việt Nam tại Nam Lào, ngay trong tuần trước, trong hai ngày 7-8/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam-Lào và đoàn công tác đã đi qua cửa khẩu La Lay (Quảng Trị) đến thăm mỏ than Kalừm của Công ty Phonsắc và địa điểm dự kiến xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Kalừm của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam tại tỉnh Xê Công. Vị trí hai dự án cách biên giới Việt Nam khoảng 120 km.
Đây là những dự án dự kiến có sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam. Bộ trưởng cùng đoàn công tác đã lắng nghe đại diện các doanh nghiệp trình bày dự án, một số vướng mắc, khó khăn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ sẽ cùng với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan của Việt Nam tạo điều kiện tốt nhất, cùng tháo gỡ các khó khăn để các doanh nghiệp thực hiện dự án. Bộ trưởng cũng đề nghị phía Lào cùng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các dự án…
Lũy kế đến tháng 8 năm 2024, Việt Nam đã có 1.757 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 22,26 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,6%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,5%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,7%); Campuchia (13,2%)./.