Thứ 3, 26/11/2024 | English | Vietnamese
10:13:00 AM GMT+7Thứ 4, 06/11/2024
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về việc hình thành và hoạt động của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo nhằm cung cấp khoản vốn hạt giống ban đầu để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp sáng tạo phát triển. Nghị định đã ban hành được 6 năm, đến nay số lượng các quỹ đầu tư thành lập còn hạn chế khi mới chỉ có 33 quỹ trên phạm vi cả nước với tổng số vốn góp đạt 413 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 16 triệu USD), chiếm dưới 5% thị phần đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.
Các quỹ đầu tư thành lập theo Nghị định 38/2018/NĐ-CP đa phần có quy mô nhỏ xét trên phương diện vốn đầu tư đăng ký, cụ thể: 15 quỹ có quy mô vốn dưới 1 tỷ đồng, 11 quỹ có quy mô vốn từ 1 – 10 tỷ đồng, 5 quỹ có quy mô vốn từ 10 – 50 tỷ đồng và chỉ có 2 quỹ có quy mô vốn trên 50 tỷ đồng. Hoạt động của các quỹ đầu tư chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực đầu tư có độ rủi ro thấp, mang lại lợi nhuận ổn định như công nghệ thông tin, giáo dục, y tế và thương mại điện tử.
Đồng thời, tổng hợp kết quả đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 38/2018/NĐ-CP cho thấy một số quy định tại Nghị định còn bất cập trong quá trình thực hiện, chưa phát huy hết tiềm năng cũng như kỳ vọng của cộng đồng quỹ đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, cụ thể: quy định về giới hạn quy mô góp vốn của quỹ; danh mục và lĩnh vực hoạt động của quỹ chưa đầy đủ, chưa thể hiện đúng bản chất hoạt động của một quỹ đầu tư, chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm của công ty quản lý trong việc tập trung nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…
Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2018/NĐ-CP là cần thiết nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thúc đẩy nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Trong quá trình tổng hợp ý kiến, cộng đồng các quỹ đầu tư có ý kiến việc quy định hạn chế tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn vào quỹ làm giảm sự hấp dẫn của các quỹ đầu tư, gây khó khăn trong huy động vốn của các quỹ đồng thời cũng làm giảm tính thanh khoản của các khoản đầu tư vào quỹ. Do đó, các quỹ đầu tư đề xuất nâng tổng số các nhà đầu tư góp vốn thành lập quỹ lên trên mức 30 nhà đầu tư, có thể xem xét quy định tối đa lên tới 99 nhà đầu tư nhằm tiệm cận với quy định về số lượng nhà đầu tư tối đa đối với các quỹ đầu tư thành viên hoạt động theo Luật Chứng Khoán (Điều 105 Luật Chứng khoán).
Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và theo dõi thực trạng thành lập, hoạt động của các quỹ đầu tư tại Việt Nam thời gian qua cho thấy, trung bình một quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo có số lượng nhà đầu tư góp vốn từ khoảng 3 đến 20 nhà đầu tư. Số lượng nhà đầu tư góp vốn lớn nhất vào quỹ hiện nay cũng chỉ đến 23 nhà đầu tư. Trên cơ sở đánh giá quy mô thị trường đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc tăng số lượng nhà đầu tư góp vốn tối đa lên 99 cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng để giảm thiểu rủi ro cho thị trường do các nhà quản lý quỹ có thể lợi dụng chính sách, huy động tiền từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ (đặc biệt là hình thức huy động cam kết lợi nhuận) để đầu tư vào các công ty, dự án khởi nghiệp sáng tạo (với đặc tính rủi ro cao), các mô hình kinh doanh rủi ro.
Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và đánh giá mức độ phát triển của thị trường đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị sửa đổi khoản 1 Điều 5 Nghị định 38/2018/NĐ-CP như sau: Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân, có từ 2 đến tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập trên cơ sở Điều lệ quỹ. Vốn góp tối thiểu tại thời điểm thành lập quỹ là 200 triệu đồng.
Điều 5 Nghị định 38/2018/NĐ-CP chỉ cho phép các quỹ thực hiện một số nghiệp vụ hạn chế như đầu tư vốn điều lệ của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo hoặc gửi tiền để lấy lãi tiết kiệm, chưa cho phép nhà đầu tư nắm giữ quyền mua cổ phần (option) tại doanh nghiệp, điều này hạn chế các quỹ đầu tư tiếp cận các tiềm năng tăng trưởng của một doanh nghiệp mới mà không cần phải đầu tư một lượng vốn lớn ngay từ ban đầu. Ngoài ra, thông lệ quốc tế cũng cho phép các quỹ đầu tư có thể đầu tư chứng chỉ tiền gửi để tối ưu hoá nguồn lực tài chính.
Do đó, nhằm mở rộng và hoàn thiện các nghiệp vụ đầu tư của quỹ, đảm bảo đầy đủ các nhu cầu đầu tư cốt lõi và chính đáng, dự thảo Nghị định bổ sung thêm ba lĩnh vực hoạt động của quỹ đầu tư (tại khoản 3 Điều 5), bao gồm: Đầu tư chứng chỉ tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, đầu tư công cụ đầu tư có thể chuyển đổi (convertible instruments) và quyền mua cổ phần tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (option).
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
11:33:00 AM GMT+7Thứ 2, 25/11/2024
11:32:00 AM GMT+7Thứ 2, 25/11/2024
11:31:00 AM GMT+7Thứ 2, 25/11/2024
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global