VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 3, 24/12/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpĐề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ năm 2026 đến 2030

Đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ năm 2026 đến 2030

10:33:00 AM GMT+7Thứ 5, 12/12/2024

Chính phủ đề xuất trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo các nghị quyết của Quốc hội với thời hạn 5 năm, từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030.

Tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 5 năm

Sáng 11/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, quyết định việc bổ sung một số dự án luật, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Tại phiên họp, Chính phủ trình bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 các dự án luật, Nghị quyết sau: Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Luật sư (sửa đổi).

Trong đó, nội dung dự thảo Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đề xuất về tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo các nghị quyết của Quốc hội với thời hạn 5 năm, từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030.

Đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ năm 2026 đến 2030
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra.

Về nội dung này, Ủy ban Tài chính, Ngân sách và các cơ quan của Quốc hội cơ bản nhất trí với chính sách được đề xuất. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là 10 năm nhằm bảo đảm sự ổn định chính sách.

Theo Chương trình đã được quyết định, tại kỳ họp thứ 9, khối lượng công tác lập pháp của Quốc hội là rất lớn. Cụ thể, Quốc hội thông qua 10 luật, 1 nghị quyết, cho ý kiến 12 dự án luật, đồng thời, ngoài các dự án luật, nghị quyết đã có đề nghị bổ sung lần này, Chính phủ đang nghiên cứu, dự kiến tiếp tục đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2025 một số dự án luật khác.

Do đó, để vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, vừa phù hợp với quỹ thời gian và cân đối khối lượng công việc Quốc hội tại 1 kỳ họp, Ủy ban Pháp luật kiến nghị trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua Nghị quyết này tại kỳ họp thứ 9 theo quy trình một kỳ họp.

Bổ sung quy định thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí

Đối với dự án Luật Báo chí (sửa đổi), Chính phủ đề nghị xây dựng với 4 chính sách gồm: tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí; nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí; điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.

Theo đó, sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về các khái niệm báo, tạp chí; điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí; thu hồi giấy phép hoạt động của cơ quan báo chí; quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương; quy định để tạp chí khoa học theo đúng tính chất; về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; bổ sung quy định việc nộp lưu chiểu bản tin, đặc san.

Sửa đổi, bổ sung các quy định về: nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Nhà báo Việt Nam; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn của cấp phó người đứng đầu cơ quan báo chí; yêu cầu về bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo trước khi cấp thẻ nhà báo lần đầu; quy định về cấp, cấp lại, thu hồi đổi thẻ nhà báo.

Về kinh tế báo chí, dự thảo sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về: phát triển mô hình tổ hợp báo chí truyền thông; liên kết trong hoạt động báo chí; chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí; nhập khẩu báo in, tạp chí in và xuất khẩu nội dung báo nói, báo hình;...

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về: hoạt động trên không gian mạng của cơ báo chí; công cụ số để giám sát hoạt động báo chí trên không gian mạng của cơ quan quản lý nhà nước; quy định cơ chế quản lý đối với các hoạt động có ảnh hưởng đến hoạt động báo chí.

Đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ năm 2026 đến 2030

UBTVQH nhất trí bổ sung 4 luật và 1 nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Thường trực Ủy ban Quốc phòng, an ninh cơ bản nhất trí với nội dung của 4 chính sách được nêu trong tờ trình của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội đề nghị đề nghị nghiên cứu, làm rõ một số nội dung sau: mối quan hệ giữa quy định về “tạp chí khoa học” với quy định về “tạp chí in”, “tạp chí điện tử”; hình thức “xử lý vi phạm” đối với hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam và nghĩa vụ tham gia Hội Nhà báo Việt Nam đối với “người làm báo”.

Ngoài ra, đề nghị làm rõ mô hình tổ hợp báo chí truyền thông bảo đảm phù hợp với pháp luật về doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập; hình thức, điều kiện hoạt động của báo chí trên không gian mạng; chính sách quản lý đối với “trang thông tin điện tử tổng hợp”…/.

Sau khi xem xét các báo cáo và thảo luận, UBTVQH đã thống nhất bổ sung 4 luật và 1 nghị quyết nêu trên vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Theo đó, Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) được xem xét thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Báo chí (sửa đổi) và Luật Luật sư (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

TheoDương An (Thời báo Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global