VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 7, 19/04/2025 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpDệt may có thể ứng phó với thuế quan như giai đoạn Covid-19 để tận dụng cơ hội

Dệt may có thể ứng phó với thuế quan như giai đoạn Covid-19 để tận dụng cơ hội

02:22:00 PM GMT+7Thứ 6, 18/04/2025

Với những nỗ lực của bản thân, ngành dệt may đã gặt hái được những kết quả khả quan trong quý I/2025 trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu. 90 ngày gia hạn thuế quan đối ứng của Mỹ là giai đoạn để các nước có những giải pháp thích ứng thích hợp.

 
 

Dệt may Việt Nam nỗ lực vượt qua khó khăn. Ảnh: Khắc Kiên

Khả quan trong biến động

Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) thông tin, hiện các đơn vị ngành sợi có đơn hàng đến tháng 5/2025. Tuy nhiên, từ tuần cuối cùng của tháng 2/2025 đến nay, thị trường sợi giảm cả về giá và nhu cầu trước những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, trong khi giá bông liên tục giảm sâu. Hầu hết, các đơn hàng sợi đang có xu hướng chốt theo nhu cầu sử dụng, yêu cầu giao hàng nhanh, không mua dự trữ, tồn kho, giá bán theo sát biến động thị trường.

Việc đầu tư vào công nghệ sẽ giúp tăng cạnh tranh. Ảnh: Khắc Kiên

Với ngành may, nhiều DN đã nhận đủ đơn hàng đến hết quý II/2025 và đang thương thảo cho quý III/2025. Tuy nhiên, trong quý I, các đơn hàng có xu hướng đẩy nhanh tiến độ giao hàng để hạn chế tác động (nếu có của chính sách thuế quan của Mỹ, còn đơn hàng quý II/2025 có xu hướng chững lại vì nghe ngóng các chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Trump.

Quý I/2025, doanh thu hợp nhất của Vinatex ước đạt 4.417 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 271 tỷ đồng, tăng 165,5% so với cùng kỳ năm 2024. Hiện nay, hầu hết các đơn vị ngành sợi có đơn hàng đến tháng 5/2025. Với ngành may, nhiều DN đã nhận đủ đơn hàng đến hết quý II/2025 và đang thương thảo cho quý II/2025.
 

Trước diễn biến của chính sách thuế mới, các DN thuộc Tập đoàn Dệt may đã nhanh chóng cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh và phản hồi từ các khách hàng quốc tế. Trước đó, khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng mới và kế hoạch áp thuế vào ngày 3/4 (theo giờ Việt Nam), nhiều khách hàng đã tạm dừng đơn hàng khiến thị trường và tình hình sản xuất chững lại.

Tuy nhiên, ngay khi thông tin tạm dừng áp dụng thuế được công bố vào 10/4, các khách hàng đã thúc đẩy tiến độ sản xuất và giao hàng, yêu cầu hoàn tất đơn hàng trong vòng 90 ngày tới. Ngoài ra, các DN cũng đã chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó trong ngắn và dài hạn, tập trung vào đàm phán với khách hàng trên tinh thần chia sẻ hữu nghị, tìm kiếm thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung nguyên phụ liệu mới, tối ưu hóa quản trị sản xuất, đẩy nhanh tốc độ sản xuất các đơn hàng đã ký trong quý II…

Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường. Ảnh: Hoàng Anh

Theo đánh giá, nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may tại thị trường Mỹ có thể sẽ không sụt giảm mạnh do tồn kho đã trở về mức thấp sau Covid-19 và kỳ vọng vào những tín hiệu tích cực hơn chính sách thuế quan. Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam cũng cần dự phòng phương án trong trường hợp hàng dệt may Trung Quốc không xuất khẩu vào Mỹ do thuế cao sẽ tấn công sang các thị trường lớn khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả thị trường nội địa Việt Nam.

90 ngày "thử lửa"

Các chuyên gia cho rằng, 90 ngày hoãn thuế là thời gian để có thể đàm phán thêm, cũng như thúc đẩy xuất khẩu nhanh các đơn hàng sang Mỹ. Nhiều đơn hàng DN đã và đang sản xuất, sẵn sàng xuất khẩu và tránh để hàng tồn quá lâu.

Ngoài việc nâng cao chất lượng, thị trường trong nước cũng được nhiều DN đầu tư. Ảnh: Khắc Kiên

Dưới góc độ của mình, Chủ tịch HĐQT Aligro Hoàng Văn Linh cho biết, việc Mỹ đưa ra mức thuế quan đối ứng, rồi hoãn 90 ngày với một số nước, trong đó có Việt Nam vừa là áp lực, thách thức cũng vừa là cơ hội để vươn mình. Nguyên nhân do  DN Việt Nam hiện đang chủ yếu làm gia công, nếu đánh thuế cao thì khả năng dịch chuyển nhà máy qua các nước áp thuế thấp hơn... Còn lao động có tay nghề cao, đang có nhiều lợi thế về quy mô, có khả năng làm FOB khi thay vì đang tập trung gia công. Muốn làm được điều đó, cần quy hoạch lại vùng nguyên liệu, tập trung R&D sản phẩm từ vải cho đến sản phẩm thời trang hoàn thiện để xuất khẩu FOB. Qua đó, tạo ra các chuỗi hệ thống thời trang quy mô lớn toàn cầu Made in Vietnam (tạo ra giá trị lớn hơn cả về quy mô và giá trị, xác lập chuỗi cung ứng tuần hoàn bền vững). 

"Việt Nam có lợi thế rất lớn về ngành may mặc thời trang nếu chúng ta thực sự tập trung vào từ khâu đầu vào nguyên phụ liệu, đến khâu nghiên cứu và ra sản phẩm hoàn thiện" - ông Hoàng Văn Linh nói. Đồng thời thông tin, hiện Aligro đã và đang đầu tư gần 100 tỉ xây dựng nhà máy 2.2ha để đưa ra các sản phẩm đáp ứng đủ yêu cầu trong nước, kể cả các thị trường khó tính. Ngoài ra, DN tập trung tìm kiếm thêm các đối tác EU, Hàn Quốc, Nhật, Trung Đông... để có thêm thị phần.

Từ thực tiễn hoạt động, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Bạch Thăng Long kiến nghị, chính sách tài khóa linh hoạt, kịp thời. Theo đó, ông Long đề nghị tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi, giãn – hoãn – giảm thuế phí đối với ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may. Hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn xanh, vốn chuyển đổi số: "Nhà nước cần xây dựng các quỹ tài chính xanh, hỗ trợ DN đầu tư công nghệ, thực hiện các tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG). Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng các FTA đã ký, đồng thời đàm phán song phương với Mỹ để tháo gỡ rào cản thuế quan" - ông Bạch Thăng Long chia sẻ.

"Ngoài ra, đẩy mạnh các chương trình kết nối DN với hệ thống phân phối toàn cầu, hỗ trợ xúc tiến ở các thị trường tiềm năng như: Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ; tiếp tục đơn giản hóa quy trình, đẩy nhanh chuyển đổi số trong các thủ tục xuất nhập khẩu, đầu tư, thuế – tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi; nên có gói tín dụng ưu đãi riêng dành cho ngành dệt may giống như các gói hỗ trợ lãi suất 2% cho các DN chịu ảnh hưởng của Covid-19, gói tín dụng xanh… đã triển khai trước đó; áp dụng giảm thuế suất từ 10% xuống 8% đồng loạt cho tất cả các nhóm nghành đang chịu thuế suất 10%" - ông Long nhấn mạnh.

May 10 luôn tập trung đầu tư công nghệ để đáp ứng thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: Khắc Kiên

Đây là giai đoạn đặc biệt, yêu cầu toàn hệ thống phải triển khai sản xuất kinh doanh với tinh thần khẩn trương nhưng vẫn giữ được bình tĩnh, sáng suốt. Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường nhấn mạnh, thị trường biến động, thuế suất cao không phải là điều mới xảy ra, nhưng dệt may Việt Nam vẫn vững vàng vượt qua, khẳng định được vị trí xuất khẩu thứ hai trên thế giới. Điều quan trọng nhất lúc này không phải là hoang mang, lo lắng mà là tinh thần kiên định, dũng cảm, gắn bó, sẵn sàng làm việc với hiệu suất cao nhất trong 90 ngày tới.

Các đơn vị cần kích hoạt cơ chế phối hợp chặt chẽ như giai đoạn Covid-19. Không hoang mang, không dao động mà nỗ lực cao độ, quyết tâm về đích các đơn hàng của quý II trong 90 ngày (trước 5/7/2025)...

Sau khi Mỹ tạm hoãn áp thuế bổ sung, tỷ trọng thị trường xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ có thay đổi. Vitas đang khuyến khích các DN tập trung thúc đẩy thương hiệu cho tỷ trọng thị trường trong nước cũng như khối ASEAN. Mỗi DN cần phải tạo được sân chơi cho mình tháo nút thắt, xây dựng liên kết chuỗi chặt chẽ hơn sau những bài học về thuế quan, hiểu về các chính sách môi trường và củng cố xu hướng thời trang bền vững của toàn cầu, loại bỏ tư tưởng thời trang nhanh. Khi Việt Nam vẫn là trung tâm sản xuất trọng điểm của toàn cầu, chúng ta có thể tự tin khi thế giới có những biến động nhưng với vị thế của Việt Nam cùng sự chủ động của các DN hoàn toàn có thể thích nghi phù hợp với những diễn biến thay đổi của thị trường toàn cầu.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang

TheoKhắc Kiên (Báo điện tử Kinh tế & Đô thị)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global