Thứ 3, 31/12/2024 | English | Vietnamese
03:56:00 PM GMT+7Thứ 5, 12/12/2024
Thúc đẩy hoàn thiện và phát triển chuỗi cung ứng sản xuất thông minh, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất thông minh của thế giới trong tương lai.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn “KCN trục cao tốc phía Đông 2024: Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh”, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, cách đây hơn 2 năm, tháng 7/2022, Thỏa thuận Kết nối Kinh tế Trục Cao tốc Phía Đông (VEHEC) đã được ký kết giữa VCCI và 4 địa phương gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên.
“Đây là một mô hình kết nối tiểu vùng đầu tiên, hướng đến thiết lập một cơ chế phối hợp nhằm tối ưu hóa các nguồn lực, khai thác thế mạnh của từng tỉnh, và tăng cường hợp tác liên tỉnh trong khu vực VEHEC, qua đó tối đa hóa khả năng kinh tế của khu vực”, Chủ tịch VCCI khẳng định.
Đồng thời Chủ tịch VCCI cho biết, VEHEC là một động lực kinh tế quan trọng của miền Bắc Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng GRDP toàn khu vực VEHEC trong những năm vừa qua đạt mức cao, dao động từ 9% đến 12% mỗi năm, cao hơn mức GRDP trung bình của 63 tỉnh, thành. Trong giai đoạn 9 tháng đầu năm 2024, các thành viên VEHEC vẫn đang duy trì mức tăng trưởng cao với thành phố Hải Phòng (9,77%), Quảng Ninh (8,02%), Hải Dương (9,31%), và Hưng Yên (8,07%), vượt xa mức 6,82% của cả nước.
Năm 2023, Hải Phòng đã thu hút khoảng 3,5 tỷ USD vốn FDI, và Quảng Ninh đã thu hút hơn 3,1 tỷ USD FDI, đưa hai tỉnh này trở thành những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI năm 2023. Bên cạnh đó tính đến tháng 09/2024, tỷ lệ thu hút FDI của 4 địa phương đều đang ở mức ấn tượng với lần lượt là Hải Phòng (1,7 tỷ USD), Quảng Ninh (1,7 tỷ USD), Hải Dương (353,8 triệu USD), và Hưng Yên (561,9 triệu USD).
Theo thống kê, hiện tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại 4 địa phương VEHEC là 52.000 doanh nghiệp, chiếm 5,7% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.
Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh vai trò của Đồng bằng sông Hồng là động lực phát triển kinh tế quốc gia, ưu tiên hiện đại hóa công nghiệp, mở rộng cơ sở hạ tầng và thực hiện các chính sách phát triển bền vững. Nghị quyết đặt mục tiêu xây dựng các cụm công nghiệp tiên tiến, mạng lưới logistics hiện đại, và quản lý tài nguyên bền vững nhằm tạo nên một nền kinh tế bền vững và cạnh tranh toàn cầu.
Tương tự, Quyết định 368-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng rõ nét về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường cho vùng Đồng bằng sông Hồng, với trọng tâm xây dựng các cực tăng trưởng mạnh, củng cố hệ thống đô thị và khu công nghiệp, và thúc đẩy phát triển bền vững thông qua áp dụng công nghệ cao, quản lý tài nguyên hiệu quả, và bảo vệ môi trường.
“Khu vực VEHEC là một phần của sáng kiến chiến lược này, đóng vai trò thiết yếu trong việc thực hiện các mục tiêu của Đồng bằng sông Hồng được nêu trong Nghị quyết 30-NQ/TW và Quyết định 368-QĐ/TTg, đặc biệt trong các lĩnh vực ứng dụng năng lượng tái tạo, phát triển logistics xanh và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Phạm Tấn Công nhận định, với sự phát triển và biến đổi không ngừng của nền kinh tế toàn cầu, sản xuất thông minh đã trở thành một động lực quan trọng cho hiện đại hóa và tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh này, Việt Nam là "mắt xích" sản xuất mới tại châu Á đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu.
Theo đó, sản xuất thông minh đang trở thành xu hướng mới của nền công nghiệp 4.0. Từ hai năm trước Tập đoàn Ericsson dự báo, hơn hai phần ba nhà sản xuất toàn cầu sẽ di chuyển tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2025, trong đó Việt Nam được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn.
Đến nay, ở Việt Nam đã có nhiều dự án sản xuất thông minh của châu Âu, các công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc. Các nhà đầu tư tiềm năng trong ngành sản xuất linh kiện điện tử và bán dẫn đang xem xét đầu tư để đón đầu cơ hội hợp tác với các “đại bàng” công nghệ nguồn như NIVIDA của Mỹ, ASML của Hà Lan, Amkor, Seojin của Hàn Quốc… Rồi các tập đoàn sản xuất bán dẫn của Nhật Bản, Trung Quốc cũng đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
“Trở lại với tiểu vùng kinh tế của chúng ta, VEHEC dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, với các dự án lớn từ Samsung, LG, Foxconn, và các tập đoàn đa quốc gia khác. Môi trường đầu tư ngày càng minh bạch và thuận lợi, đặc biệt nhờ vào các chính sách cải cách hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Phạm Tấn Công cho biết.
Do đó, thông qua Diễn đàn, Chủ tịch VCCI kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoàn thiện và phát triển chuỗi cung ứng sản xuất thông minh tại Việt Nam nói chung cũng như VEHEC nói riêng, qua đó khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế để trở thành trung tâm sản xuất thông minh trong tương lai.
“Tôi cũng mong muốn Diễn đàn sẽ tăng thêm sự khuyến khích sự quan tâm và đầu tư từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế vào thị trường Việt Nam, nhằm vừa nắm bắt, vừa tạo ra cơ hội mới trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam và đạt được kết quả cùng có lợi”, ông Phạm Tấn Công kỳ vọng.
Đồng thời Chủ tịch VCCI cho biết, tại Diễn đàn này, lần đầu tiên VCCI sẽ công bố “Báo cáo kinh tế tiểu vùng Trục cao tốc phía Đông”. Báo cáo này cung cấp một phân tích toàn diện về tình hình kinh tế, môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, và các nỗ lực phát triển bền vững của khu vực VEHEC; mà trong những năm gần đây, tầm quan trọng chiến lược của khu vực bốn tỉnh thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên đã được nâng cao, khi khu vực định hướng trở thành trung tâm công nghiệp, logistics và phát triển xanh, phù hợp với các ưu tiên quốc gia về tăng trưởng bền vững và toàn diện.
“Báo cáo này đóng vai trò cung cấp thông tin dành cho các bên liên quan—bao gồm nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và doanh nghiệp địa phương—muốn hiểu rõ hơn về các động lực kinh tế, thách thức và cơ hội của khu vực VEHEC”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
"Thông qua phân tích số liệu về kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh, xác định các hạn chế chính và đề xuất các khuyến nghị chính sách cụ thể, Báo cáo hướng đến cung cấp những thông tin hữu ích để hỗ trợ VEHEC tiếp tục chuyển mình thành một trung tâm kinh tế tăng trưởng bền vững và phát triển cao. Các phát hiện và khuyến nghị trong báo cáo nhằm củng cố vị thế 4 địa phương trong VEHEC như một khu vực kinh tế chiến lược, phù hợp với các chỉ đạo quốc gia và khát vọng khu vực nhằm thúc đẩy thịnh vượng lâu dài và toàn diện", Chủ tịch VCCI cho biết.
Chính vì vậy, Chủ tịch VCCI đánh giá cao Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Ban Pháp chế VCCI đã phối hợp với các bên liên quan chuẩn bị và tổ chức Diễn đàn KCN Trục cao tốc phía Đông 2024: Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh với mục tiêu tạo nên kết nối vùng trong khu vực, tạo thành mạng lưới cùng hợp tác phát triển và hình thành chuỗi sản xuất thông minh, thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, trân trọng cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ nhiệt tình, hiệu quả của UBND tỉnh Quảng Ninh đã tạo điều kiện tốt nhất cho việc tổ chức Diễn đàn hôm nay.
Chủ tịch VCCI tin tưởng rằng các doanh nghiệp tới Diễn đàn này sẽ tìm kiếm được các đối tác phù hợp để cùng nhau tạo ra một mạng lưới sản xuất tại chỗ cũng như thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh nội vùng, đa vùng và cao hơn là toàn cầu.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global