Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tới.

Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024: Chống lãng phí tài sản công, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực quốc gia

Thứ trưởng Bùi Văn Khắng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Đức Minh

Về quy mô nền kinh tế, đến năm 2023, quy mô GDP ước đạt 430 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.300 USD, tăng 58 lần so với những năm đầu đổi mới. Với quy mô GDP hiện tại, Việt Nam nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Về hội nhập quốc tế, từ một nền kinh tế đóng, Việt Nam thành một nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD (năm 2024 dự kiến chạm mốc 800 tỷ USD), thu hút FDI năm 2023 đạt 23 tỷ USD (trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt gần 27,3 tỷ USD).

Những thành tựu này phản ánh sự nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh tế và mở rộng quan hệ quốc tế, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Đây là tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, như thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Cùng với những thuận lợi, còn nhiều khó khăn và thách thức khi thế giới đang trải qua những thay đổi mang tính thời đại, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong bối cảnh đầy biến động, Việt Nam có thể tận dụng thời cơ, đón đầu xu thế để vươn lên mạnh mẽ, toàn diện.

Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024: Chống lãng phí tài sản công, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực quốc gia
Thứ trưởng Bùi Văn Khắng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: Đức Minh

Hôm nay, Bộ Tài chính tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024 với chủ đề “Chính sách tài chính thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ phát triển kinh tế” với mong muốn lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý về tình hình kinh tế - tài chính thế giới và Việt Nam; từ đó thảo luận, gợi mở các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, cũng như đổi mới toàn diện nền kinh tế trong giai đoạn tới. Trong đó, chính sách tài chính cần tập trung vào: Đổi mới sâu rộng, đột phá về thể chế tài chính để khơi thông nguồn lực, tháo gỡ rào cản, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Huy động đa dạng, tối ưu mọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội, phát triển lực lượng sản xuất mới, nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển.

Đẩy mạnh phòng, chống lãng phí tài sản công và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực quốc gia.

Với những mục tiêu đó, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng đề nghị diễn đàn ngày tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề sau:

Thứ nhất, các giải pháp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế. Trong đó, chú trọng các giải pháp nhằm khơi thông nguồn lực tài chính, đầu tư cho cơ sở hạ tầng trọng điểm; tháo gỡ và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả đầu tư toàn xã hội; cùng với các chính sách tài chính thích ứng với sự biến động của thương mại toàn cầu.

Thứ trưởng đề nghị, Ban Tổ chức Diễn đàn tổng hợp, nghiên cứu kỹ lưỡng các gợi ý, đề xuất giải pháp chính sách tại diễn đàn ngày hôm nay để tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài chính, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng và điều hành chính sách tài khóa, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tạo nền tảng cho sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Thứ hai, nhận diện và làm rõ những cơ hội và thách thức đối với chính sách tài khóa trong giai đoạn tới. Trong đó, tập trung cải cách quản lý tài chính công, tăng cường minh bạch trong quản lý NSNN; ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách khác.

Thứ ba, đề xuất các giải pháp thúc đẩy công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng vốn của doanh nghiệp; khuyến khích và hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp trong các ngành kinh tế chiến lược, mũi nhọn nhằm tạo động lực tăng trưởng mới, bền vững hơn cho nền kinh tế.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nghiêm Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, chính sách tài chính thúc đẩy tổng cầu, tăng trưởng nền kinh tế trong bối cảnh mới là hết sức quan trọng. Tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực, hoạt động kinh tế và việc làm, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác nhân trường, kinh tế, ổn định giá cả. Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024 sẽ tạo không gian để các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận và đề xuất các sáng kiến, giải pháp triển khai về tài chính ngân sách nhà nước. Từ đó, kỳ vọng có được những chính sách tài khóa và giải pháp hiệu quả, tháo gỡ vướng mắc để các nền kinh tế đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

“Tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm đến chủ đề của Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024. Tôi kỳ vọng kết quả của Diễn đàn sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển kinh tế của tỉnh" - ông Nghiêm Xuân Cường chia sẻ./.