Điều hành giá linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát
Chỉ số giá tiêu dùng dự báo sẽ giữ được sự ổn định trong mục tiêu đề ra. Ảnh tư liệu

PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hình giá cả trong 9 tháng năm 2024?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Nhìn chung, từ đầu năm 2024 lạm phát tăng cao trong tháng 1, tháng 2; sau đó có đà giảm dần và đến quý III thì mức giảm rõ rệt. Đến hết thời điểm 9 tháng năm 2024, chỉ số lạm phát chỉ còn 3,88%. Đây là xu hướng tương đối tích cực đối với lạm phát thông qua các biện pháp kiềm chế lạm phát và biện pháp kích cầu tiêu dùng giảm thiểu các việc tăng giá theo tăng lương hoặc vụ việc cụ thể. Vì vậy, chúng ta vẫn thấy mức độ lạm phát đang giảm dần.

Theo nghiên cứu từ đầu năm, chúng tôi đưa ra phương án cơ bản về tăng trưởng kinh tế là 6,7 - 7,2%, thì lạm phát trong khoảng 3,5 - 3,8%. Nhưng đến tháng 6/2024, dựa theo tình hình sản xuất kinh doanh, chúng tôi đưa ra phương án tăng trưởng có thể đạt 6,9 - 7,3% và lạm phát trong khoảng 3,8 - 4,1%. Thực tế, đến thời điểm cuối tháng 9/2024 mức tăng trưởng kinh tế đạt 6,82% và lạm phát lùi dần, từ đó kéo lạm phát chung giảm xuống.

Từ nay đến cuối năm còn gần 3 tháng, chúng tôi tin tưởng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 7,2 - 7,3% và lạm phát vẫn nằm trong mức trên. Điều này chứng tỏ diễn biến giá cả theo đúng kịch bản đề ra, quá trình xây dựng kế hoạch tăng trưởng kinh tế và kìm chế lạm phát của Việt Nam tốt.

PV: Mức lạm phát bình quân 9 tháng đầu năm nay cho thấy khả năng lạm phát cả năm sẽ đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra 4 - 4,5%. Theo ông, có những yếu tố thuận lợi gì giúp kiểm soát được lạm phát trong thời gian qua?

Điều hành giá linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát

Ông Đinh Trọng Thịnh: Thuận lợi đầu tiên là chúng ta có chương trình kích cầu tiêu dùng từ giảm thuế giá trị gia tăng. Theo đó, từ ngày 1/7 đến 31/12/2024, thuế giá trị gia trăng giảm 2% (từ 10% xuống 8%) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Điều này góp phần giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại - dịch vụ trên cả nước nói chung và trong những tháng cuối năm.

Khi giảm thuế giá trị gia tăng 2% chi phí đầu vào sản xuất giảm thì giá thành và chi phí đầu ra cũng giảm, doanh nghiệp có lợi nhuận cao hơn, từ đó có khả năng để kích cầu tiêu dùng cũng như đảm bảo các chương trình khuyến mãi phù hợp. Vì vậy, giá cả rẻ sẽ kiềm giữ lạm phát.

Bên cạnh đó, chính sách cũng đóng vai trò rất quan trọng, cùng với cơ chế kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng kinh tế còn có các biện pháp tài khóa như giảm 36 phí, loại phí, giảm tiền thuê đất… cũng dẫn đến việc giá hàng hóa giảm, có nghĩa là sức ép lạm phát giảm.

Một trong những thuận lợi trong quá trình điều hành giá là chính sách tiền tệ của Việt Nam tương đối tốt. Sức ép tăng giá đồng USD từ đầu năm rất lớn, nhưng sau đó Ngân hàng Nhà nước đã kiềm giữ tỷ giá bằng nhiều cách, trong đó có cả biện pháp bán ngoại tệ dự trữ. Trên cơ sở tỷ giá VND/USD ổn định thì xuất khẩu được đẩy mạnh, sản xuất kinh doanh cải thiện, từ đó góp phần giảm lạm phát tốt. Ngoài ra, Nhà nước điều hành chính sách lãi suất tốt cũng góp phần giảm áp lực về lạm phát.

Đặc biệt, Việt Nam không để bị động trong quản lý, điều hành giá. Đó là kinh nghiệm trong công tác điều hành, quản lý giá qua các năm. Từ ngày 1/7, Việt Nam tăng lương cơ sở (tăng 30%) nhưng lạm phát không tăng và thậm chí sau đó còn giảm… Điều này cho thấy kinh nghiệm của chúng ta trong quản lý giá đã tránh tình trạng tăng giá theo lương, từ đó đảm bảo mặt bằng giá trên thị trường ổn định, góp phần hỗ trợ lạm phát không cao. Đặc biệt, việc tăng các mặt hàng do nhà nước quản lý giá như dịch vụ y tế, giáo dục, điện, nước… cũng được tăng rải rác trong các thời điểm phù hợp trong năm cho nên không ảnh hưởng đến giá chung và lạm phát không tăng.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, những tháng cuối năm, thị trường hàng hóa sẽ sôi động khi nhu cầu tiêu dùng của nhân dân tăng cao, công tác quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm sẽ rất khó khăn, do đó, không được lơ là chủ quan. Ông bình luận gì về điều này?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Từ giờ đến cuối năm vẫn có nhiều thách thức trong công tác điều hành giá. Xung đột địa chính trị là rủi ro lớn nhất, nếu như chiến tranh bùng phát thì giá các mặt hàng nguyên vật liệu sẽ tăng cao, chi phí vận chuyển cũng tăng. Chính phủ các nước trên thế đang ngăn chặn nguy cơ này.

Bên cạnh đó, cuối năm, nhu cầu dự trữ để sản xuất của doanh nghiệp lớn khiến lạm phát có thể đẩy lên, đồng thời tình trạng “té nước theo mưa” do nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu sản xuất cuối năm tăng cao, cũng có thể đẩy giá tăng…

Vì vậy, từ nay đến cuối năm, công tác quản lý thị trường cần tăng cường để kiểm soát chặt chẽ giá cả tiêu dùng. Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) phải theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, nắm sát giá cả. Nhà nước cần tiếp tục giữ vững cân đối vĩ mô trong nền kinh tế để tạo sự ổn định cho giá cả hàng hóa tiêu dùng.

PV: Xin cảm ơn ông!