Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS.Nguyễn Minh Phong để hiểu hơn về vấn đề này.
Thời gian qua, doanh nghiệp công nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó do thiếu các quy chuẩn và có nguy cơ bị tụt hậu khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Chuyên gia kinh tế, TS.Nguyễn Minh Phong. Ảnh: Quốc Chuyển |
Nhìn chung, năm 2024, dù kinh tế, thương mại toàn cầu có dấu hiệu khả quan hơn, song hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu mặt hàng chế biến chế tạo nói riêng của Việt Nam chịu ảnh hưởng của các diễn biến chính trị, cạnh tranh trên thế giới. Nhất là rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, giá cước vận tải tăng cao trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn như; Mỹ, EU… tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh...
Đặc biệt, gần đây, các nước nhập khẩu giày dép lớn liên tiếp đưa ra những yêu cầu mới về việc nhập khẩu các sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường ngày càng cao (như EPR – mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất, CBAM -Cơ chế định giá carbon).
Điển hình từ tháng 3/2024, thị trường EU đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới, như các thiết kế bền vững và truy xuất, minh bạch chuỗi cung ứng. Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, doanh nghiệp sẽ phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất tại khu vực sản xuất. Những chính sách này trực tiếp và gián tiếp đang và sẽ có tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp trong ngành.
Bên cạnh đó, xu hướng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên thế giới đang thay đổi theo hướng đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ lõi, dựa vào hiệu quả đầu tư thay vì lợi nhuận như trước đây. Bối cảnh và sự dịch chuyển này đang mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho mỗi nước thu hút vốn FDI nói riêng và phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hay xuất khẩu ngày càng phải đối mặt với áp lực thực hành ESG (bộ 3 tiêu chuẩn E- Môi trường, S- Xã hội, và G- Quản trị doanh nghiệp đo lường yếu tố liên quan đến định hướng hoạt động phát triển bền vững).
Nhiều ý kiến cho rằng, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là nhóm ngành dễ dao động trước biến đổi thị trường. Vậy theo ông, đâu là những cơ hội đối với các doanh nghiệp của ngành trong thời gian tới?
Trong giai đoạn 2025 – 2030, dự kiến xu hướng phát triển của ngành công nghiệp chế biến chế tạo theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Các nhóm ngành phát triển mạnh vẫn là nhóm ngành hóa chất, cao su, nhựa; ngành vật liệu xây dựng khi bất động sản đang trong giai đoạn khởi sắc hay nhóm ngành dệt may, da giày.
Cần thừa nhận, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là nhóm ngành dễ dao động trước biến đổi thị trường, vì vậy đòi hỏi ngành phải hướng tới tự chủ nguồn cung nguyên vật liệu ngay trong nước. Đồng thời, sản xuất phải gắn với sự đổi mới về công nghệ, hiện đại hóa máy móc và sáng tạo, ý tưởng… đặc biệt phải gắn với chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng hướng tới phát triển nhanh và bền vững.
Trong thời gian tới, Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội mới cho phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo, gắn với nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định rõ mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 25%. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan.
Trong giai đoạn 2025 – 2030, dự kiến xu hướng phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo xu hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Ảnh: P.A |
Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã tích cực ban hành, hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để tạo động lực hỗ trợ, phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm giải quyết, khơi thông các điểm nghẽn, tạo ra nguồn lực mạnh cho phát triển ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất nói chung và doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng cũng cần phải biết tận dụng, chủ động thích nghi với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghệ số. Cùng với việc tăng cường liên kết giữa các địa phương, vùng miền để chuyển dịch nền cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng gia tăng giá trị gia tăng.
Theo ông, đâu là giải pháp gỡ khó, tạo lực đẩy cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu?
Về giải pháp, theo tôi, thứ nhất, các cơ quan chức năng cần chủ động tiếp tục hoàn thiện thể chế cả về tổ chức, nhân sự và văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách để hỗ trợ công tác hội nhập quốc tế và xuất nhập khẩu nói chung, xúc tiến thương mại nói riêng như chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, kết nối cung cầu, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm địa phương của các vùng kinh tế.
Tăng cường sự hiện diện của các doanh nghiệp, ngành hàng, thương hiệu sản phẩm Việt Nam tại các hội chợ triển lãm quốc tế lớn; tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại các thị trường có FTA, thị trường xuất khẩu trọng điểm, thị trường tiềm năng.
Thứ hai, chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu... Xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư.
Thứ ba, tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ, tiến tới nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh gắn với mục tiêu phát triển bền vững: sản xuất sạch, xanh, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường. Đồng thời, chú trọng phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất đáp ứng được yêu cầu và xu thế phát triển.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp. Đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch nhưng chưa có nhà đầu tư, tập trung nghiên cứu, xúc tiến tìm kiếm và kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng, có năng lực, uy tín về tìm hiểu cơ hội đầu tư; vận dụng linh hoạt, áp dụng tối đa các cơ chế ưu đãi, khuyến khích đối với các nhà đầu tư hạ tầng cơ sở.