Thứ 2, 25/11/2024 | English | Vietnamese
10:46:00 AM GMT+7Thứ 7, 09/11/2024
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2024, doanh nghiệp dệt may trong nước đang tích cực sản xuất, đáp ứng thời gian giao hàng và về đích theo đúng kế hoạch.
Đến thời điểm hiện tại, Công ty CP Dệt may Đầu tư thương mại Thành Công (TCM) nhận khoảng 92% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý IV/2024 và khoảng 90% kế hoạch doanh thu đơn hàng năm 2024. Bên cạnh xuất khẩu những sản phẩm truyền thống, doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt những sản phẩm thân thiện với môi trường, những sản phẩm tái chế và có giá trị cao, nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.
Ngoài những thị trường truyền thống, TCM đang tiếp tục mở rộng khách hàng tại các thị trường còn nhiều dư địa, cũng như tìm kiếm và mở rộng khách hàng và các thị trường mới để gia tăng doanh thu xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa hiện. Với dự báo tình hình xuất khẩu dệt may sẽ khả quan hơn vào các tháng cuối năm và căn cứ vào mức độ tiếp nhận đơn hàng, lãnh đạo TCM đang hy vọng sẽ đạt kế hoạch kinh doanh đề ra trong năm này.
Doanh nghiệp dệt may tăng tốc về đích. Ảnh: Dony |
Tương tự, Công ty Cổ phần May Sông Hồng quý III/2024 đạt doanh thu 1.748 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước; trừ đi các chi phí, lãi ròng hơn 130 tỷ đồng, tương đương hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lãi hàng quý cao nhất mà công ty đạt được kể từ quý IV/2019. Đại diện Công ty Cổ phần May Sông Hồng cho biết, kết quả kinh doanh quý III/2024 tăng trưởng tích cực là nhờ công ty ký được nhiều đơn hàng trong quý và một số đơn hàng trong quý II/2024 được xuất hàng vào đầu tháng 7/2024.
Là ‘ông lớn’ trong ngành dệt may, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng khá khả quan. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2024 của tập đoàn tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn trong 3 quý của năm cũng có những dấu hiệu tích cực hơn so với năm trước với doanh thu hoàn thành 73,6% kế hoạch, tăng 2% so với cùng kỳ; lợi nhuận bằng 80% kế hoạch, tăng hơn 70% so với cùng kỳ. Khả năng về đích đúng kế hoạch của Tập đoàn năm 2024 được nhận định có ‘cửa sáng’.
Theo ông Phạm Xuân Hồng- Chủ tịch Hội Thêu đan TP. Hồ Chí Minh, từ khoảng cuối quý I, đầu quý II/2024, đơn hàng của doanh nghiệp dệt may trong nước có chuyển biến tích cực, nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu giữ được đà tăng trưởng ổn định. Nhờ đó, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam dự báo sẽ chạm mốc 44 tỷ USD trong năm 2024.
Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng nhận định, hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của ngành đều có tín hiệu phục hồi tích cực. Đối với thị trường Mỹ, ngày 18/9, FED lần đầu tiên hạ lãi suất kể từ tháng 3 năm 2020, GDP quý 2 năm 2024 ở mức 3%; lạm phát tháng 8/2024 ở mức 2,5% so với cùng kỳ, là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021; doanh số bán lẻ tháng 8 cũng đã tăng 2,11% so với cùng kỳ.
Kinh tế châu Âu cũng dần được kiểm soát gần với mục tiêu, lạm phát tháng 8 ở mức 2,4%, là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021; doanh số bán lẻ tăng nhẹ. Đối với thị trường Nhật Bản, GDP quý 2 năm 2024 tăng 2,9% so với cùng kỳ, tăng 7% so với quý trước, mặc dù lạm phát vẫn ở mức cao nhưng chi tiêu hộ gia đình có xu hướng tăng nhẹ.
Thị trường xuất khẩu ngành may trong 9 tháng đầu năm có sự phục hồi do sự chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar sang Việt Nam. Tồn kho tại các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản có xu hướng giảm dần so với cùng kỳ năm trước, cộng với sức mua có xu hướng tăng đã tạo nên sự phục hồi nhu cầu đặt hàng từ các đối tác. Dự kiến đơn hàng may mặc trong quý IV/2024 và quý I/2025 sẽ tiếp tục dồi dào, tuy nhiên đơn giá chưa cải thiện đáng kể. Trong dài hạn, khi chính sách cắt giảm lãi suất tại các thị trường lớn thực sự có tác động tích cực đối với nền kinh tế, tạo ra việc làm ổn định và sức mua, đơn giá sẽ cải thiện.
Có thể thấy nhờ đơn hàng khởi sắc, xuất khẩu của ngành dệt may dần đi vào ổn định sau năm 2023 nhiều khủng hoảng. Số liệu từ Tổng Cục Thống kê mới công bố gần đây, 10 tháng năm 2024 dệt may đứng thứ 4 trong nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước với 30,572 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, như chia sẻ của ông Phạm Quang Anh- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất May mặc Dony với báo Công Thương, đơn hàng tăng không phải hoàn toàn do nhu cầu thị trường mà còn do các nhà nhập khẩu tăng tồn kho. Do vậy, tín hiệu này dù tích cực nhưng không hẳn “sáng”.
Dự báo những tháng cuối năm 2024 cho thấy những tín hiệu tích cực nhất định, tuy nhiên các doanh nghiệp được khuyến cáo vẫn cần hết sức thận trọng, quản trị chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh bám sát kế hoạch đã đề ra, nhận diện và phòng ngừa tốt rủi ro, không để xảy ra bất kỳ tình huống bất ngờ nào nhằm hoàn thành kế hoạch năm và đón bắt xu hướng năm 2025.
11:33:00 AM GMT+7Thứ 2, 25/11/2024
11:32:00 AM GMT+7Thứ 2, 25/11/2024
11:31:00 AM GMT+7Thứ 2, 25/11/2024
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global