VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Chủ nhật, 13/04/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin VCCIDoanh nghiệp ngành dệt may cần đẩy mạnh liên kết chuỗi

Doanh nghiệp ngành dệt may cần đẩy mạnh liên kết chuỗi

09:47:00 AM GMT+7Thứ 5, 10/04/2025

Các doanh nghiệp ngành dệt may cần đẩy mạnh liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ, tự động hóa và xanh hóa, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu

Nội dung trên được Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh khu vực TP HCM (VCCI – HCM) Trần Ngọc Liêm nêu tại Lễ khai mạc Triển lãm SaigonTex 2025.

anhliem.jpg
Giám đốc VCCI – HCM Trần Ngọc Liêm cho biết, ngành dệt may nằm trong TOP 8 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD của Việt Nam - Ảnh: Đình Đại.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Giám đốc VCCI – HCM Trần Ngọc Liêm cho biết, dệt may là ngành công nghiệp hàng đầu của Việt Nam, không những có đóng góp lớn vào tăng trưởng thương mại trong và ngoài nước mà còn thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong suốt những năm qua.

Về thương mại, theo Giám đốc VCCI – HCM Trần Ngọc Liêm, năm 2024, hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam đạt được nhiều thành tích đáng chú ý, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau đại dịch và nỗ lực duy trì tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 đạt trên 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 405, 53 tỷ USD, tăng 14,3% và nhập khẩu đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng ký năm trước.

Ông Liêm cho rằng, thành quả đó có sự góp phần không nhỏ của ngành dệt may với giá trị xuất khẩu đạt 44 tỷ USD (tăng 11,26% so với năm 2023), nằm trong TOP 8 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD của Việt Nam, đưa Việt Nam vượt qua Bangladesh trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam theo tỉ trọng lần lượt là: Hoa Kỳ (37,98%) , EU (9,77%), Hàn Quốc (8,93%;), Trung Quốc (8,3%;), ASEAN (6,59%). Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%. Như vậy, toàn ngành xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.

“Thị trường trong nước 25 năm qua cũng tăng từ trên 300 triệu USD lên khoảng 4,5 tỷ USD. Năm 2025, Bộ Công thương đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 10-12% so với năm 2024. Riêng, mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may là từ 47 đến 48 tỷ USD”, Giám đốc VCCI – HCM Trần Ngọc Liêm thông tin.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, theo Giám đốc VCCI – HCM Trần Ngọc Liêm, tính đến hết năm 2024, cả nước có 42.002 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 502,8 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt gần 322,5 tỷ USD, tương đương 64,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Riêng ngành dệt may có khoảng 3.500 dự án FDI trong lĩnh vực dệt may, với tổng mức đầu tư trên 37 tỷ USD. Khu vực FDI đang chiếm giữ vai trò quan trọng, đóng góp khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Những quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào dệt may Việt Nam gồm: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Giám đốc VCCI – HCM Trần Ngọc Liêm đánh giá, mặc dù ngành dệt may Việt Nam đạt được nhiều thành quả cả về thương mại lẫn đầu tư, nhưng trong thời gian tới, ngành vẫn còn phải đối đầu với nhiều thách thức lớn như sự thiếu hụt nguồn lao động, sự khó đoán định của đơn hàng, vấn đề nguyên phụ liệu có nguồn gốc xuất xứ theo yêu cầu của các FTA, rào cản thương mại mới của các thị trường truyền thống ...

catbang.jpg
Triển lãm SaigonTex 2025 diễn ra từ ngày 9-12/04, tại SECC TP HCM, do VCCI-HCM, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Hội Dệt may thêu đan TP HCM (Agtek), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), CP Exhibition Ltd (Hongkong) và Công ty TNHH Tổ chức - Ảnh: Đình Đại.

Để vượt qua những khó khăn này, ông Liêm cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành cần đẩy mạnh liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ, tự động hóa và xanh hóa nhà máy từ nguyên liệu, nhiên liệu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Cụ thể, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Từ 2031-2035, phát triển bền vững một cách hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Là triển lãm lớn nhất và có tầm ảnh hưởng nhất của ngành dệt may Việt Nam, trong suốt 35 năm qua, triển lãm SaigonTex – Hanoitex không chỉ là dịp để giới thiệu những thành tựu của ngành dệt may Việt Nam từ nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị đến thành phẩm, mà còn là nơi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm kiếm bạn hàng, đối tác kinh doanh”, Giám đốc VCCI – HCM Trần Ngọc Liêm đánh giá.

Đồng thời, ông cho biết, với vai trò là cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư quốc gia, VCCI-HCM đã liên tục đồng hành cùng ban tổ chức và các cơ quan ban ngành để tích cực quảng bá cho triển lãm. Năm nay, Saigontex - Saigonfabric 2025 quy tụ hơn 1.100 nhà triển lãm, đến từ 25 quốc gia và khu vực lãnh thổ, đều là các nhà cung cấp uy tín trong lĩnh vực dệt may thế giới. Ông cũng tin tưởng rằng, đây không chỉ là cơ hội tốt đề các nhà trưng bày giới thiệu công nghệ, sản phẩm của mình cho thị trường Việt Nam và thế giới mà còn là dịp để khách tham quan triển lãm cập nhật thông tin thị trường cũng như tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.

TheoĐình Đại (Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global