VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 4, 27/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpDoanh nghiệp "ngóng" thông qua quy định áp thuế GTGT 5%

Doanh nghiệp "ngóng" thông qua quy định áp thuế GTGT 5%

10:31:00 AM GMT+7Thứ 4, 27/11/2024

Việc áp thuế giá trị gia tăng 5% nếu được thông qua sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón tách thuế ra khỏi giá bán, tăng cạnh tranh khi giảm giá sản phẩm tới tay nông dân, cũng như tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Tránh được tình trạng cơ chế hai giá

Thời gian qua, khi áp dụng Luật 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, phân bón đã được chuyển sang diện không chịu thuế Giá trị gia tăng (GTGT). Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất không được hoàn thuế nguyên vật liệu đầu vào, dẫn đến việc họ phải cộng số thuế đó vào giá thành bán ra, khiến giá phân bón tăng. Tình hình càng trở nên khó khăn khi nguyên liệu đầu vào khan hiếm và giá phân bón tăng mạnh do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine, khi hai quốc gia này là những nhà sản xuất phân bón lớn.

Việc áp thuế với phân bón sẽ tránh được cơ chế hai giá. Ảnh: Ngọc Thanh
Việc áp thuế với phân bón sẽ tránh được cơ chế hai giá. Ảnh: Ngọc Thanh

Mặc dù việc đưa phân bón ra khỏi danh mục chịu thuế GTGT ban đầu có vẻ hợp lý, nhưng thực tế lại gây bất cập khi giá thành tăng, gây áp lực lớn lên nông dân, những đối tượng sử dụng phân bón nhiều trong sản xuất nông nghiệp.

Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, việc chuyển các mặt hàng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, như phân bón, máy móc và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, sang diện chịu thuế GTGT 5% nhằm tránh tình trạng tăng giá thành sản phẩm, đồng thời tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu và hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp.

Liên quan đến vấn đề, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, để xử lý bất cập trong chính sách đối với ngành phân bón thời gian qua, cần giữ nguyên dự thảo của Chính phủ, tức là đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT 5%.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), thuế GTGT cần phải có tính luân hồi, tức là đầu vào và đầu ra phải đi cùng nhau. "Các quốc gia xuất khẩu phân bón như Nga, Trung Quốc, và Ấn Độ, với mức thuế GTGT từ 10 - 20%, cho thấy việc áp thuế GTGT 5% đối với phân bón sẽ tạo ra sự công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu, đồng thời có lợi cho cả Nhà nước và người nông dân" - ông ví dụ.

Đồng tình với phương án áp thuế GTGT 5% cho phân bón, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho hay, việc chuyển phân bón từ diện không chịu thuế GTGT đã làm các doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu, tạo ra sự bất công đối với ngành sản xuất phân bón trong nước.

Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C Nguyễn Văn Thứ bày tỏ, thuế GTGT đầu vào và đầu ra cho phân bón sẽ giúp tránh được tình trạng cơ chế hai giá cho cùng một mặt hàng, đồng thời giúp người nông dân không phải chịu thiệt thòi khi giá phân bón tăng lên.

Ba nhà cùng lợi

Việc áp thuế GTGT 5% cho phân bón không chỉ mang lại lợi ích cho Nhà nước, mà còn giúp doanh nghiệp trong nước có cơ hội cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nhập khẩu; qua đó đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Nhiều kỳ vọng, chính sách mới được thông qua sẽ mang lại những cải cách tích cực cho ngành phân bón và sản xuất nông nghiệp trong nước.

Nông dân sẽ là người hưởng lợi.
Nông dân sẽ là người hưởng lợi.

PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đều sử dụng nguyên vật liệu đầu vào với mức thuế suất thuế GTGT là 10%, chi phí này chiếm khoảng 50% giá vốn hàng bán, nên khi không được khấu trừ sẽ hạch toán vào chi phí và đẩy giá thành tăng là điều tất yếu.

Thực tế cho thấy, chỉ những doanh nghiệp nhập khẩu phân bón hoặc những đơn vị sản xuất NPK chuyên dùng nguyên liệu nhập khẩu mới được hưởng lợi do không chịu thuế GTGT. Vì vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nông dân, việc chuyển phân bón sang diện chịu thuế là cần thiết.

"Quy định phân bón không chịu thuế không những ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nông dân, mà còn ảnh hưởng tới môi trường, nông sản đầu ra của Việt Nam" - PGS.TS Ngô Trí Long chỉ ra.

Bởi, nếu không có sự thay đổi về chính sách thuế, các doanh nghiệp trong nước còn phải đối mặt với nguy cơ thay đổi chiến lược kinh doanh sang lĩnh vực khác, nhường thị phần lại cho các sản phẩm phân bón ngoại nhập giá rẻ, kém chất lượng. Đây chính là nguy cơ lớn nhất cho ngành nông nghiệp và xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Khi không được khấu trừ thuế GTGT thì tự nhiên phân bón nội địa “lép vế” với sản phẩm nhập khẩu. Nguy hại hơn là tạo điều kiện cho phân bón nhập khẩu tràn vào Việt Nam một cách đột biến do giá thành cạnh tranh hơn so với phân bón trong nước vì chính sách thuế GTGT.

Do đó, cần thiết phải đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng giữa các nhà sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu. Từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp, cho người nông dân.

Sự thay đổi này còn là yếu tố tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển các sản phẩm có chất lượng tốt, tính năng đặc thù dựa trên việc sử dụng công nghệ cao, tạo đòn bẩy cho sự tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung.

"Đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5% là hợp lý. Bởi các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ có khoản chênh lệch giảm trừ ở thuế GTGT đầu vào ở mức 7 - 8%, chi phí sản xuất phân bón sẽ giảm từ 2 - 3%, từ đó có cơ sở hạ giá bán thấp hơn, nông dân sẽ được hưởng lợi" - PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Ngoài ra, các sản phẩm phân bón nhập khẩu cũng phải tính thuế GTGT 5%, khiến giá bán cao lên, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, trong khi ngân sách Nhà nước cũng có lợi nhờ thu được 5% của các sản phẩm nhập khẩu.

Nếu chính sách về phân bón là đối tượng chịu thuế GTGT 5%, nhìn một cách tổng thể đối với lợi ích xã hội sẽ góp phần tăng ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thu thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động ngành phân bón, đồng thời mang lại lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp, cho người nông dân và doanh nghiệp.

Theo TS Phùng Hà - Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, việc chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT 5% để các doanh nghiệp sản xuất được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón là rất cần thiết và phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Nếu quy định được sửa đổi cần có cơ chế giám sát chặt chẽ việc hoàn thuế, tránh các trường hợp gian lận. Để làm được điều này, cơ quan thuế cần thiết lập một quy trình rõ ràng, minh bạch và dễ kiểm tra. Khi quyền lợi được mở rộng cho các doanh nghiệp đa ngành, cần áp dụng công nghệ và hệ thống quản lý dữ liệu để đảm bảo giám sát và quản lý chặt chẽ việc hoàn thuế. Điều này không chỉ ngăn chặn các vi phạm mà còn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và củng cố niềm tin trong hệ thống thuế của chúng ta.

Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm

TheoKhắc Kiên (Báo điện tử Kinh tế & Đô thị)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global