VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 6, 29/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpDoanh nghiệp phải làm gì để ứng phó với thách thức và cơ hội mới?

Doanh nghiệp phải làm gì để ứng phó với thách thức và cơ hội mới?

02:39:00 PM GMT+7Thứ 6, 18/10/2024

Sự phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong vài thập kỷ qua là minh chứng cho khả năng phục hồi, sự linh hoạt và quá trình hoạch định chính sách có chiến lược. Doanh nghiệp phải làm gì để tận dụng cơ hội mới?

Ảnh minh họa.

Tình hình chính trị, kinh tế, thị trường thế giới biến đối nhanh chóng, khó lường, các cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra tại Châu Âu, Trung đông làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng sản phẩm, chiến tranh thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc vẫn tiếp diễn khó dự đoán thời gian kết thúc kể cả sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng như thay đổi người đứng đầu một số nước khi bước sang năm 2025.

Trong bối cảnh đó tăng trưởng kinh tế Bắc Á và ASEAN được dự báo cao hơn tốc độ bình quân của thế giới. Việt Nam được nhiều tổ chức kinh tế quốc tế dự báo có tốc độ tăng GDP cao trong Đông Nam Á.

Vấn đề đặt ra cho nước ta là làm gì và bằng cách nào để vượt qua thách thức, tranh thủ thời cơ thuận lợi đẩy nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, doanh nghiệp số, xã hội số, chính phủ số góp phần cùng các quốc gia trên thế giới đạt mục tiêu không để nhiệt độ trái đất vượt quá 1,5 độ C vào năm 2050.

Kinh tế thế giới

Đến tháng 9/2024, các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 so với các dự báo đưa ra trước đó. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo GDP toàn cầu năm 2024 tăng 3,2% tương tự dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); Liên hợp quốc (UN) và Fitch Ratings (FR) nhận định nền kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng 2,7%.

Trong Báo cáo "Triển vọng phát triển châu Á", Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng năm 2024 của khu vực Đông Nam Á (bao gồm Timo-Leste) đạt 4,5%, của Việt Nam và Philippines đạt 6,0%, của Indonesia đạt 5,0%, của Malaysia đạt 4,5%, của của Singapore đạt 2,6% và của Thái Lan đạt và 2,3%.

Các tổ chức quốc tế đều nhận định tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 cao hơn năm 2023 từ 0,9-1,1 điểm phần trăm. IMF và WB nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,1%; ADB dự báo tăng 6,0%.

Trong ngắn hạn, IMF đề cập đến ba rủi ro chính đối với tăng trưởng kinh tế thế giới:

Thứ nhất, rủi ro lạm phát tăng do giá dịch vụ giảm chậm và áp lực giá phát sinh từ căng thẳng thương mại hoặc địa chính trị. Rủi ro lạm phát dai dẳng trong lĩnh vực dịch vụ gắn liền với việc thiết lập mặt bằng tiền lương và giá cả vì chi phí cho lao động chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí dịch vụ. Căng thẳng thương mại leo thang có thể làm tăng thêm rủi ro lạm phát trong ngắn hạn do làm tăng chi phí hàng hóa nhập khẩu theo chuỗi cung ứng.

Thứ hai, nguy cơ lãi suất tăng cao hơn trong thời gian dài hơn do rủi ro lạm phát gia tăng, từ đó làm tăng rủi ro tài chính. Đồng USD tăng giá do chênh lệch lãi suất có thể làm gián đoạn dòng vốn và cản trở chính sách nới lỏng tiền tệ, tác động tiêu cực đến tăng trưởng. Lãi suất cao liên tục có thể làm tăng thêm chi phí vay và ảnh hưởng đến ổn định tài chính nếu cải thiện về tài chính không bù đắp được lãi suất thực cao hơn trong bối cảnh tăng trưởng tiềm năng thấp hơn.

Thứ ba, có thể có những thay đổi đáng kể trong chính sách kinh tế xuất phát từ kết quả của các cuộc bầu cử năm nay, với những tác động tiêu cực đến phần còn lại của thế giới. Những thay đổi tiềm ẩn kéo theo rủi ro tài chính sẽ làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ và đẩy mạnh chủ nghĩa bảo hộ. Thuế quan thương mại cùng với việc mở rộng các chính sách công nghiệp trên toàn thế giới, có thể tạo ra những tác động tiêu cực lan tỏa xuyên biên giới, cũng như kích hoạt sự trả đũa, dẫn đến một cuộc chạy đua tốn kém.

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chỉ số thương mại hàng hóa tháng 9/2024 đạt 103,0 và có xu hướng tăng trong Quý III/2024. Tuy nhiên, triển vọng tăng vẫn chưa chắc chắn do chính sách tiền tệ thay đổi ở các nền kinh tế phát triển và đơn đặt hàng xuất khẩu giảm. Phần lớn các chỉ số thành phần đều bằng hoặc trên xu hướng, ngoại trừ chỉ số thành phần điện tử (95,4) dưới xu hướng và đang giảm. Các chỉ số thành phần của sản phẩm ô tô (103,3), vận chuyển container (104,3) và vận tải hàng không (107,1) đều trên xu hướng, mặc dù các sản phẩm ô tô gần đây đã giảm đà tăng. Đơn hàng xuất khẩu mới (101,2) có xu hướng giảm. Chỉ số nguyên vật liệu thô (99,3) gần như theo xu hướng nhưng có dấu hiệu giảm trong thời gian tới.

UN và OECD đồng quan điểm khi nhận định thương mại toàn cầu tiếp tục phục hồi từ nửa đầu năm 2024, thể hiện qua khối lượng thương mại hàng hóa và dịch vụ tăng, đặc biệt trong Quý II/2024, do gia tăng xuất khẩu của khu vực châu Á và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, tăng trưởng thương mại dịch vụ đang chậm lại vì hoạt động du lịch gần như quay về mức trước đại dịch ở hầu hết các khu vực. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chế biến, chế tạo toàn cầu tăng trong nửa đầu năm 2024, phản ánh thương mại toàn cầu và các hoạt động sản xuất đều tăng. Tuy nhiên, sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại nhiều hơn, chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn và địa chính trị bất ổn cũng đe dọa sự phục hồi của thương mại và giá trị sản xuất công nghiệp toàn cầu.

Trong bối cảnh áp lực giá cả giảm trên diện rộng, UN và OECD đều nhận định lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2024. Ở nhiều nước phát triển, lạm phát đang dần tiến gần đến mức mục tiêu của ngân hàng trung ương, ngay cả khi tăng tiền lương và giá dịch vụ vẫn ở mức cao. Chỉ số giá chi tiêu dùng cá nhân (PCE) tại Hoa Kỳ và chỉ số giá tiêu dùng hài hòa (HICP) ở khu vực đồng Euro trong tháng 6/2024 tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, đang tiến gần đến mục tiêu lạm phát 2,0% của các ngân hàng trung ương. Lạm phát ở nhiều nền kinh tế đang phát triển đã giảm nhưng vẫn cao hơn so với các nền kinh tế phát triển, trừ Trung Quốc đang đối mặt với lạm phát thấp trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng yếu.

Báo cáo toàn cầu hàng tháng của WB số ra tháng 9/2024 nhận định giá năng lượng tiếp tục giảm trong tháng 9/2024 sau khi giảm 3% trong tháng 8/2024. Giá dầu thô Brent giảm từ 81 USD/thùng trong tháng 8/2024 xuống còn 73 USD/thùng vào giữa tháng 9/2024. Giá một số kim loại công nghiệp tăng nhẹ trong tháng 9/2024 khi nhu cầu tăng lên nhờ các biện pháp kích cầu kinh tế ở Trung Quốc. Giá vàng lập đỉnh mới vào giữa tháng 9/2024 do nhu cầu cao của ngân hàng trung ương và căng thẳng địa chính trị.

Giá nông sản trong tháng 9/2024 tăng trở lại sau khi giảm 1,4% trong tháng 8/2024. Giá cà phê và lúa mỳ đều tăng do tác động của điều kiện thời tiết khắc nghiệt và gián đoạn nguồn cung. Chỉ số giá lương thực, thực phẩm của FAO (FFPI) đạt 120,7 điểm vào tháng 8/2024, giảm nhẹ so với tháng trước khi chỉ số giá đường, thịt và ngũ cốc giảm nhiều hơn so với mức tăng của dầu thực vật và các sản phẩm từ sữa. Chỉ số FFPI trong tháng 8/2024 thấp hơn 1,1% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn 24,7% so với mức đỉnh 160,3 điểm của tháng 3/2022.

OECD cho rằng các điều kiện tài chính toàn cầu vẫn còn hạn chế nhưng đang tiếp tục nới lỏng và lãi suất chính sách sẽ tiếp tục giảm nhanh hơn dự kiến. Lãi suất thực dài hạn vẫn ở mức cao so với thập kỷ trước tại Hoa Kỳ, khu vực đồng Euro, Vương quốc Anh và các thị trường mới nổi như Brazil. Tuy nhiên, lãi suất trái phiếu danh nghĩa dài hạn đã giảm và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng lên. Giá cổ phiếu tăng ở Hoa Kỳ cũng như một số thị trường mới nổi bao gồm Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Trong khi tăng trưởng tín dụng bắt đầu phục hồi ở một số nền kinh tế phát triển, các tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng vẫn chặt chẽ. Đồng tiền mất giá ở Brazil, Argentina, Mehico và Thổ Nhĩ Kỳ giúp tăng nguồn thu xuất khẩu nhưng cũng làm tăng chi phí trả nợ bằng USD và tạo ra áp lực tăng lạm phát. Khủng hoảng nợ công vẫn tiếp diễn ở một số nền kinh tế thị trường mới nổi, đặc biệt ở các nền kinh tế có thu nhập thấp.

UN nhận định áp lực lạm phát giảm, tạo điều kiện nới lỏng tiền tệ ở nhiều quốc gia. Trong nửa đầu năm 2024, số lượng ngân hàng trung ương hạ lãi suất nhiều hơn so với tăng lãi suất. Tuy nhiên, do lạm phát cơ bản và lạm phát giá dịch vụ giảm không nhiều nên các cơ quan tiền tệ nhìn chung vẫn thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất. Tốc độ nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương tại các nước phát triển trong các quý tới sẽ phụ thuộc vào diễn biến của giảm lạm phát và những thay đổi tiềm ẩn trong triển vọng tăng trưởng và việc làm. Trái ngược với các ngân hàng trung ương của các nước phát triển khác, Ngân hàng Nhật Bản bắt đầu chu kỳ thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất vào tháng 3 và tháng 7 năm 2024 để hỗ trợ đồng yên và ứng phó với lạm phát tăng.

Kinh tế Việt Nam

Triển vọng kinh tế của Việt Nam được nhìn nhận tích cực, cơ hội và rủi ro nhìn chung ở thế cân bằng. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 dự báo đạt 6,1%. Tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo dự kiến sẽ chững lại trong nửa cuối năm 2024, sau khi phục hồi ở mức 16,9% (so với cùng kỳ năm trước) trong nửa đầu năm 2024. Thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi và dự báo sẽ xoay chiều vào cuối 2024 và đầu 2025 sau khi giải quyết được tình trạng đóng băng thị trường trái phiếu doanh nghiệp và Luật Đất đai có hiệu lực từ tháng 8/2024. Nhu cầu trong nước sẽ tăng lên vào nửa cuối năm 2024 khi tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng được cải thiện. Cân đối tài khoản vãng lai được dự báo vẫn duy trì thặng dư, đồng thời Chính phủ đang quay lại mục tiêu cân đối ngân sách. Lạm phát dự kiến ở mức 4,5% trong năm 2024.

Một trong những rủi ro chính đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam là tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể thấp hơn dự kiến, nhất là tăng trưởng của những đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, và Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo của Việt Nam và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng. Trong nước, kinh tế vĩ mô thiếu ổn định có thể tác động tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư. Thị trường bất động sản có thể hồi phục chậm hơn dự kiến tác động xấu đến đầu tư của khu vực tư nhân. Nếu chất lượng tài sản của các ngân hàng tiếp tục yếu đi, năng lực cho vay của các ngân hàng có thể bị suy giảm. Việt Nam là một trong những quốc gia có nguy cơ dễ bị tổn thương nhất với biến đổi khí hậu. Thiên tai do biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng cũng có thể là một rủi ro tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 6,1% do nhu cầu bên ngoài mạnh, đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định và chính phủ áp dụng các chính sách nới lỏng tài khóa và hỗ trợ tiền tệ. Nhu cầu trong nước dự kiến sẽ phục hồi dần khi các doanh nghiệp phần nào vượt qua khó khăn tín dụng và dự kiến lĩnh vực bất động sản hồi phục hoàn toàn trong trung hạn. Lạm phát năm 2024 dự kiến sẽ dao động quanh mục tiêu 4 - 4,5% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tuy nhiên, nền kinh tế cũng phải đối mặt với rủi ro giảm tăng trưởng. Thứ nhất, xuất khẩu, động lực chính của nền kinh tế Việt Nam có thể suy yếu do triển vọng tăng trưởng toàn cầu không chắc chắn trước căng thẳng địa chính trị hoặc tranh chấp thương mại. Thứ hai, việc nới lỏng tiền tệ có thể gây áp lực lên tỷ giá hối đoái, khiến lạm phát trong nước tăng. Thứ ba, bất kỳ sự suy giảm nào trong lĩnh vực bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ làm gia tăng áp lực đối với khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng, tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính trong thời gian tới.

ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 đạt 6,0%. Nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 đạt 6,4% nhờ sản xuất công nghiệp và thương mại phục hồi. Các lĩnh vực như cao su, sản phẩm kim loại, thiết bị điện, điện tử và máy tính phục hồi đã thúc đẩy tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Du lịch phục hồi giúp dịch vụ tăng. Nông nghiệp được hưởng lợi từ giá tăng. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm 2024 khi giải ngân FDI đạt 10,8 tỷ đô la, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Áp lực lạm phát tăng nhẹ do giá lương thực, thực phẩm và xăng dầu trong nước tăng cao. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ linh hoạt tạo nguồn tài chính hỗ trợ tăng trưởng.

Tổng cục Thống kê cho biết GDP quý III ước tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, ba quý đầu năm, GDP tăng 6,82% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng của năm 2020 và 2021 - thời điểm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và năm 2023. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn so với 9 tháng đầu năm 2022.

Khu vực công nghiệp và xây dựng - dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, là lực đỡ cho nền kinh tế. Trong đó, dịch vụ là nhóm đóng góp nhiều nhất vào giá trị tăng thêm của nền kinh tế, gần 48,4%; thương mại, du lịch duy trì tăng trưởng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế, giá trị tăng thêm khu vực này vượt 6,95% so với năm trước.

Công nghiệp và xây dựng cũng tăng cao so với cùng kỳ 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng tăng 8,34%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 9,76%.

Nông lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cơn bão số 3 (Yagi) vào tháng 9 nên tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ các năm trước. Giá trị tăng thêm khu vực này trong 9 tháng tăng 3,2%, thấp nhất 4 năm. Mức này chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2020.

CPI 9 tháng tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 2,69%.

Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ 9 tháng tăng 15,68% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,8 tỷ USD, thấp hơn so với cùng kỳ 2023 (22,1 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,38 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 38,17 tỷ USD.

Trong 9 tháng có hơn 183.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,7%, bình quân một tháng có hơn 20.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 163.800 doanh nghiệp, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Một tháng có 18.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, thấp hơn so với số doanh nghiệp gia nhập.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III cho thấy số doanh nghiệp lạc quan giảm xuống còn 34,7%. Số doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh tốt hơn trong quý IV dự kiến tăng lên 42,2%.

Cơ hội và Thách thức

Theo Báo cáo của Google, Temasek và Bain Company (2020) với sự gia tăng thói quen sử dụng các dịch vụ trực tuyến của người dùng cá nhân và DN, thanh toán kỹ thuật số tiếp tục tăng trưởng từ 600 tỷ USD vào năm 2019 lên 620 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến đạt 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

Trung tâm kinh doanh toàn cầu của Đại học Tufts (Mỹ) nhận định, Việt Nam đang đứng thứ 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh trên thế giới, đứng thứ 22 về tốc độ phát triển số hóa. Điều này đã chứng tỏ sự thay đổi lớn trong mô hình kinh doanh của các DN Việt Nam. Tuy nhiên, trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu gia tăng, hoạt động quản trị DN của các DN Việt Nam sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức. Do đó, nếu các DN Việt Nam không chuyển đổi số hiệu quả thì sẽ mất lợi thế cạnh tranh cũng như mất thị trường ngay trên sân nhà.

Cơ hội

Thứ nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN

Với sự trợ giúp của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), nền tảng của chuyển đổi số sẽ làm tăng thêm tính cạnh tranh cho các DN, cho phép các công ty dễ dàng cung cấp cho khách hàng sự hiện diện toàn cầu. Internet có xu thế tạo lợi nhuận cho cả công ty lớn và nhỏ. Thông qua các website của mình, các công ty nhỏ cũng có thể đạt được một doanh thu như một công ty lớn mà điều này dường như không tưởng trong môi trường thương mại truyền thống. Nếu nhìn ở một khía cạnh khác thì khi tiến hành chuyển đổi số, DN có thể đáp ứng rất nhanh các yêu cầu của khách hàng, có thể cung cấp các dịch vụ tư vấn và thông tin về sản phẩm về cách hướng dẫn sử dụng cho khách hàng.

Kết quả khảo sát của Bộ Công Thương năm 2021 cho thấy, mạng xã hội vẫn là một kênh đem lại hiệu quả kinh doanh cao nhất cho DN (năm 2020 có 37% DN đánh giá cao hiệu quả kinh doanh thông qua các mạng xã hội). Tiếp sau đó là website của DN và ứng dụng di động là hai nền tảng được DN đánh giá đem lại hiệu quả cao ở mức ngang nhau (23%). Ngày 09/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money), điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh và thanh toán điện tử cho các DN.

Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2022 cho thấy, đối với các DN đang tăng trưởng và có nhu cầu chuyển đổi số để tăng tốc, nhu cầu lớn nhất của các DN trong giai đoạn này là giải pháp về Phân tích dữ liệu, báo cáo thông minh (BI, Big Data, Data warehouse) với 63,5% tổng số DN tham gia khảo sát lựa chọn. 60,7% tổng số DN khảo sát có nhu cầu về giải pháp về Quản lý hệ thống khách hàng (CRM) và quản lý kênh bán hàng (Omni Channel Sales). Hai giải pháp còn lại bao gồm Hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nhiệp (ERP) và An toàn dữ liệu (Database & Security) có nhu cầu tương đương nhau với lần lượt 57,8% và 50,2% số DN tham gia khảo sát lựa chọn.

Chuyển đối số còn giúp các DN tối ưu hóa quy trình, sắp xếp hợp lý các quy trình công việc, quy trình kỹ thuật số và các tác vụ tự động là tất cả các cách tổ chức có thể tạo ra hiệu quả và đặc biệt trong giai đoạn COVID-19 đang xảy ra trên toàn cầu.

Thứ hai, mở rộng thị trường và thiết lập quan hệ đối tác

Chuyển đổi số tạo điều kiện cho việc thiết lập và củng cố mối quan hệ giữa các đối tác tham gia vào quá trình thương mại. Thông qua mạng các DN có thể giao tiếp trực tiếp và liên tục với nhau. Nhờ đó mà sự hợp tác lẫn sự quản lý đều được tiến hành nhanh chóng và liên tục. Các bạn hàng mới, các cơ hội kinh doanh mới được phát hiện nhanh chóng trên phạm vi quốc gia, quốc tế và có nhiều cơ hội để lựa chọn hơn. Báo cáo thường niên về Kinh tế số Đông Nam Á (SEA) 2020 của Google, Temasek và Bain Company cho thấy, lượng khách hàng tham gia các nền tảng số tăng 41% ở Việt Nam - mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á hiện nay. DN có thể tìm thấy 74% khách hàng mới trên các nền tảng số ở các khu vực đô thị và các nhóm hàng hóa, dịch vụ được giao dịch qua Internet hay các nền tảng số cũng ngày càng gia tăng về tỷ lệ và số lượng. Doanh thu thương mại điện điện tử doanh nghiệp với khách hàng (B2C) cũng liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua. Cụ thể, nếu như năm 2016, con số này mới chỉ đạt 5 tỷ USD thì đến năm 2019, mức doanh thu đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD và năm 2020 là 11,8 tỷ USD, với mức tăng trưởng 18% so với năm trước (sách trắng Thương mại điện tử 2021).

Thứ ba, giúp DN có sự chuyển hướng các hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên nền tảng số

Nhận thức rõ tầm quan trọng của ICT và chuyển đổi số trong thời kỳ mới, Đảng và Chính phủ Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng ICT trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với mục tiêu tổng quát là "Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái".

Thực tế tại Việt Nam thời gian qua đã cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ tài chính như Mobile Banking, Mobile Commerce, E – Commerce và các ngành dịch vụ, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngày càng được hoàn thiện với những nỗ lực cả từ Chính phủ, DN và người dân. Việt Nam được đánh giá là thị trường thương mại điện tử năng động bậc nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Thách thức

Thứ nhất, năng lực và nguồn lực của DN Việt Nam còn hạn chế

Nguồn nhân lực về công nghệ số, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông vẫn là vấn đề được nhiều DN chú trọng nhưng vẫn là thách thức đối với các DN Việt Nam. Kết quả khảo sát của Bộ Công Thương đã năm 2019 cho thấy, tỷ lệ DN gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng về công nghệ thông tin vẫn dao động trên dưới 30% và không có sự thay đổi lớn (năm 2018 có 28% DN cho biết gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng này, năm 2017 là 31% và năm 2016 là 29%). Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) tại Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020 cho thấy, 69% DN được khảo sát không biết lựa chọn đối tác nào để triển khai chuyển đổi số, 72% không biết bắt đầu từ đâu, 92% không biết chuyển đổi số như thế nào.

Theo Báo cáo chuyển đổi số DN 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì có đến 60,1% DN tham gia khảo sát cho biết rào cản mà họ gặp phải khi áp dụng công nghệ số là bởi chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao, ảnh hưởng đến chi phí đầu tư, triển khai, duy trì các giải pháp cho chuyển đổi số cho chuyển đổi số.

Thứ hai, nhận thức của DN về chuyển đổi số còn yếu

Việc ứng dụng công nghệ đặc biệt công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động quản trị DN còn rất nhiều hạn chế, nhiều chủ DN chưa nhận thức đầy đủ vai trò của công nghệ trong quản trị DN trong bối cảnh nền kinh tế số với áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt. Một điểm đặc biệt là trong 3 năm gần đây, khai báo thuế vẫn là dịch vụ công trực tuyến được DN sử dụng nhiều nhất, chiếm 88% trong tổng số DN tham gia khảo sát, tiếp sau là dịch vụ đăng ký kinh doanh (chiếm 51%, tăng tới 9% so với năm 2017). Các dịch vụ công trực tuyến khác như thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử, khai báo hải quan có mức độ sử dụng của DN rất thấp.

Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2022 cho thấy, có nhiều khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh của DN cũng là rào cản khiến DN gặp phải, chiếm tỷ lệ 52,3% số DN khảo sát. Việc chuyển đối số sẽ thay đổi thói quen và cách làm việc của người lao động. Một số DN đã ứng dụng phần mềm nhưng nhân viên, người lao động không ứng dụng hoặc chỉ ứng dụng một phần, khiến chuyển đổi số của DN không đạt được mục tiêu đề ra.

Thứ ba, còn nhiều e ngại trong ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào hoạt động kinh doanh

Sự bùng nổ của kinh tế số cũng đặt các DN Việt Nam trước nhiều thách thức trong đó có vấn đề về mặt pháp lý, an toàn mạng, đảm bảo quyền riêng tư của người dùng. Theo thống kê của hãng bảo mật Kaspersky, năm 2017 có 35,01% nguời dùng Internet Việt Nam có khả năng bị tấn công mạng, xếp thứ 6 thế giới. Trung tâm ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết, có tổng cộng 10.000 vụ tấn tấn công mạng nhằm vào Internet Việt Nam năm 2017, gây thất thoát 12,3 nghìn tỷ đồng.

Thứ tư, hệ thống pháp luật điều tiết lĩnh vực này còn chồng chéo, chưa hoàn chỉnh

Hệ thống pháp lý còn thiếu, chưa bắt kịp được với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, hoặc còn chồng chéo dẫn đến hiệu lực hiệu quả thấp. Điều đó ảnh hưởng tới sự quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế số của DN nói chung và hoạt động quản trị DN nói riêng.

Kiến nghị về giải pháp

Nhà nước

Nhà nước vừa có chức năng dẫn đắt DN chuyển đổi số, vừa tạo ra hệ sinh thái để khuyến khích DN chuyển đổi số. Do đó cần nhanh chóng xây dựng đồng bộ thể chế, luật pháp, chính sách kinh tế số, sửa đổi, bổ sung quy định đối với các ngành kinh doanh mới như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số. Cải cách thể chế để thu hút đầu tư vào công nghệ số theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập DN công nghệ số. tạo môi trường thuận lợi để đẩy mạnh chuyển đổi số, hỗ trợ DN phát triển.

Nhà nước cần phải xây dựng hai loại thể chế, luật pháp, chính sách đối với hai loại hình DN: 1) DN vừa và nhỏ trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Luật Hổ trợ DN vừa và nhỏ để sửa đổi, bổ sụng một số vấn đề liên quan đến chuyển sanh DN số và 2) Tập đoàn công nghệ, tập đoàn kinh tế theo hướng nhanh chóng hình thành hàng trăm tập đoàn quốc doanh, tập đoàn tư nhân, tập đoàn hỗn hợp để làm chủ thị trường trong nước, vươn ra thị trường khu vực và tiến tới ra thị trường toàn cầu.

Cải cách thủ tục hành chính để các DN nhất là SMEs dễ dàng tiếp cận các Quỹ hổ trợ DN, tín dụng ưu đãi chuyển đổi số, thành lập thêm một số Quỹ hổ trợ chuyên ngành như công nghệ thông tin, công nghệ bán dẫn, AI, công nghệ hổ trợ để DN nhất là SMEs, startap có điều kiện ứng dụng công nghệ mới, đào tạo nhân lực chất lượng, đổi mới quản trị DN.

Nhà nước có chính sách khuyến khích kết nôi theo chuỗi cung ứng sản phẩm giữ DN FDI với DN trong nước, giữa tập đoàn kinh tế Việt Nam với SMEs để hình thành thương hiệu Việt Nam trên thị trường trong nước và thị trường thế giới. Nhà nước khuyến khích thành lập các công ty tư vấn công nghệ, dịch vụ chuyển đổi số để hổ trợ DN nhất là SMEs thực hiện chuyển sang DN số với chi phí hợp lý cho từng gói dịch vụ.

Tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho công cuộc chuyển đổi số. Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư các cơ sở đào tạo mở các khoá bồi dưỡng chuyên gia, kỹ thuật viên, đào tạo nghề, hình thành mô hình đào tạo liên kết giữa DN - viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng- cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng đội ngũ chuyên ngành thương mại điện tử, an ninh mạng, công nghệ thông tin, truyền thông.

Phát triển hạ tầng chuyển đổi số đáp ứng đòi hỏi trao đổi thông tin, sử dụng các công nghệ tiên tiến, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương phải được kết nối mạng diện rộng của Chính phủ và Internet băng thông rộng, đủ năng lực cung cấp các dịch vụ công, và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xây dựng chính phủ điện tử.

Doanh nghiệp

Chủ động chuyển đổi quản trị DN trong bối cảnh chuyển đổi số. Các DN Việt Nam cần xác định rằng trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, nếu DN không chuyển mình bắt kịp xu hướng thì sẽ bị tụt hậu, thậm chí sẽ bị phá sản trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Điều chỉnh chiến lược phát triển DN trong bối cảnh chuyển đổi số. Cần có lộ trình cụ thể từ lập kế hoạch, triển khai theo từng giai đoạn cả về công nghệ, nhân lực cho phù hợp với thực trạng của DN. DN nhất là SMEs, startap cần giao tiếp với các công ty công nghệ, dịch vụ để thực hiện chuyển sang DN số nhờ các gói hổ trợ có chất lượng cao nhưng chi phí thấp đối với quản trị DN, kế toán, nộp thuế, chăm sóc khách hàng, quản lý nhân lực.

Ngoài nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số và quản trị DN bằng công nghệ số thì chủ doanh nghiệp, chuyến viên công nghệ và chuyên viên kinh tế phải có sự quyết tâm sâu sắc, để cho cả bộ máy của doanh nghiêp vận hành tốt nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của DN.

Tại cuộc hội thảo với chủ đề "Kinh tế tri thức - Nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ" ngày 6/10/2024 với hơn 1.200 khách mời là các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sinh viên các trường đại học và công dân trẻ tiêu biểu của TP HCM, Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới Giáo sư Klaus Schwab nhận định: "Sự phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong vài thập kỷ qua là minh chứng cho khả năng phục hồi, sự linh hoạt và quá trình hoạch định chính sách có chiến lược của quốc gia này. Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Việt Nam đã và đang định vị mình là một nhân tố quan trọng trong thương mại và sản xuất toàn cầu. Khi bước vào Kỷ nguyên Trí tuệ, Việt Nam cần tiếp tục thay đổi, tận dụng công nghệ số để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình". Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ Việt Nam, với mục tiêu đưa Việt Nam vào tốp 50 quốc gia về chính phủ số và kinh tế số vào năm 2025 là một nền tảng quan trọng trong quá trình chuyển đổi của nước này.

(*) GS-TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)

Ngày 18/10, dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) , Tạp chí Nhà đầu tư sẽ tổ chức Hội thảo: “Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới: Doanh nghiệp phải làm gì?” nhằm phân tích, đánh giá cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong bối cảnh mới, qua đó đề xuất các giải pháp thiết thực giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội, hoá giải các thách thức.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, công nghệ, cùng với đại diện của nhiều Tập đoàn, Doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thông tin về Hội thảo sẽ được tường thuật trực tiếp, đưa tin trên Tạp chí điện tử Nhadautu.vn, chuyên trang tiếng Anh Theinvestor.vn và các cơ quan báo, đài, truyền hình Trung ương và Hà Nội.

TheoGS-TSKH. NGUYỄN MẠI / Tạp chí điện tử Nhà đầu tư
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global