Doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia: “Cánh chim đầu đàn” của nền kinh tế
Công ty cổ phần Đầu tư tập đoàn Tân Á Đại Thành nhiều năm liền đạt giải Thương hiệu quốc gia.

Những người đi tiên phong

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, qua chương trình, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt đã ý thức được vai trò, tầm quan trọng của thương hiệu - được xem như là "chìa khóa" giúp gia tăng giá trị sản phẩm, giá trị doanh nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ và là xu thế chủ đạo, doanh nghiệp đã chú trọng hơn cho xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế, vai trò tiên phong, tạo hiệu ứng lan tỏa, dẫn dắt.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng và đánh giá cao sự nỗ lực cũng như đóng góp không ngừng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2024.

“Đây đều là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng, với tổng doanh thu năm 2023 đạt 2,4 triệu tỷ đồng; tổng nộp ngân sách nhà nước khoảng 150 nghìn tỷ đồng, bảo đảm công ăn, việc làm cho trên 600 nghìn lao động; tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của đất nước” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo thống kê, qua 20 năm, số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng qua từng năm. Cụ thể, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 190 doanh nghiệp năm 2024. Đáng chú ý, có những doanh nghiệp nhiều năm liền đạt giải Thương hiệu quốc gia như: Công ty cổ phần tập đoàn Tân Á Đại Thành; Công ty cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà, Công ty cổ phần Điện lực Gelex, Công ty TNHH may thêu giày An Phước... Đặc biệt, với Công ty cổ phần Đầu tư tập đoàn Tân Á Đại Thành, đây là năm thứ 12 liên tiếp doanh nghiệp này giành được giải thưởng danh giá này.

Ông Trương Công Phong - Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Tân Á Đại Thành cho biết, hành trình 12 năm liền được vinh danh là Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã củng cố vị thế của Tân Á Đại Thành như một đại diện cho sự đổi mới và phát triển bền vững. Với việc không ngừng áp dụng công nghệ hiện đại, Tân Á Đại Thành là nhà sản xuất tiên phong trong các giải pháp sản xuất thân thiện với môi trường, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, vừa đưa sản phẩm Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia: “Cánh chim đầu đàn” của nền kinh tế
12 năm liền được vinh danh là Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã củng cố vị thế của Tân Á Đại Thành như một đại diện cho sự đổi mới và phát triển bền vững.

Tiến vào “kỷ nguyên xanh”

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu vào sân chơi quốc tế, các thị trường phát triển ngày càng yêu cầu cao về sản xuất và thương mại gắn liền với phát triển bền vững. Đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện những cam kết mạnh mẽ về kinh tế Xanh và tham gia tích cực vào cuộc đua giảm phát thải carbon.

Tại hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong phát triển kinh tế Xanh và kinh tế tuần hoàn, sẵn sàng góp phần vào giải quyết các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu.

Do đó, phát biểu tại lễ vinh danh các doanh nghiệp đạt giải thưởng Thương hiệu Quốc gia lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, thời gian tới các doanh nghiệp cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Một là, không ngừng tập trung khai thác cơ hội từ xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; tiên phong trong cuộc cách mạng xanh. Hình ảnh đẹp của mỗi thương hiệu quốc gia sẽ là hình ảnh đẹp về thương hiệu của đất nước, truyền thống, văn hóa, con người Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh các cam kết về giảm phát thải và chống biến đổi khí hậu, doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ thân thiện với môi trường.

Hai là, không ngừng nâng cao năng lực quản trị hiện đại; áp dụng các tiêu chuẩn quản trị tiên tiến, minh bạch và lành mạnh; chú trọng đến yếu tố bền vững trong sản xuất. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.

Ba là, không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, chủ động tiến vào kỷ nguyên xanh.

Bốn là, tiếp tục trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp; tuân thủ quy định pháp luật; xung kích, đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội; có hoài bão lớn và khát vọng phát triển, trở thành hình mẫu của tinh thần doanh nghiệp, kinh doanh liêm chính, nhân văn và có trách nhiệm.

Năm là, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, tay nghề giỏi, chuyên môn sâu, trình độ quốc tế và làm việc chuyên nghiệp, phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh.

Sáu là, chú trọng xây dựng và nâng cao văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; bảo đảm đầy đủ quyền lợi cả về vật chất và tinh thần cho người lao động. Tích hợp giá trị cốt lõi của đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội vào chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp với công tác bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng…

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, điều Đảng, Nhà nước luôn mong muốn nhất, chia sẻ, gửi gắm nhiều nhất là các doanh nhân, doanh nhân đem thời gian, trí tuệ, lòng nhân ái, tinh thần đạo đức kinh doanh là những cội nguồn cho phát triển bền vững của doanh nghiệp, tiến vào kỷ nguyên xanh.

Sự phát triển mạnh mẽ của thương hiệu Việt

Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Việc tham gia Chương trình là một quá trình để doanh nghiệp đánh giá toàn diện các hoạt động, kết quả sản xuất, kinh doanh và chiến lược xây dựng thương hiệu thông qua hệ thống tiêu chí của Chương trình; từ đó khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi của Chương trình, đó là “Chất lượng-Đổi mới, Sáng tạo-Năng lực tiên phong”.