VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 6, 29/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpDoanh nghiệp tư nhân khoẻ mạnh là nội lực của nền kinh tế

Doanh nghiệp tư nhân khoẻ mạnh là nội lực của nền kinh tế

01:47:00 PM GMT+7Thứ 5, 17/10/2024

Trong cuộc trò chuyện với VietnamFinance, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh nhiều lần tầm quan trọng của kinh tế tư nhân trong hành trình trở thành “con rồng châu Á” của Hàn Quốc. Dưới đây là những chia sẻ của ông Hong Sun về hành trình rực rỡ của Hàn Quốc và những khuyến nghị phát triển kinh tế tư nhân dành cho Việt Nam được phóng viên ghi lại.

Từ kỳ tích sông Hàn…

Nhắc đến kinh tế Hàn Quốc, nếu như không nói đến cụm “con rồng của Châu Á”, người ta sẽ nghĩ ngay đến cụm “kỳ tích sông Hàn”. Từ một quốc gia được viện trợ, Hàn Quốc – gần như là nước duy nhất trên thế giới – vươn lên thành người viện trợ.

Quay trở lại thập niên 1960, kinh tế Hàn Quốc dường như không có khả năng hồi phục sau chiến tranh Triều Tiên. Dù được Mỹ cấp nhiều gói viện trợ hàng chục tỷ USD song Hàn Quốc vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới. GDP bình quân đầu người của quốc gia châu Á này lúc bấy giờ chỉ tương đương với những nước nghèo tại châu Phi.

Những năm đầu sau khi chiến tranh kết thúc, các công ty quốc doanh Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng. Đa số các lãnh đạo của những công ty quốc doanh khi đó không phải là người có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh. Chưa kể, lợi dụng tình hình bất ổn, nhiều “con sâu làm rầu nồi canh” đã lợi dụng chức quyền để trục lợi cá nhân. Những công ty quốc doanh, đáng lý phải trở thành trụ cột để vực dậy nền kinh tế Hàn Quốc, lại không phát huy được hết tác dụng của mình.

Nhận thức rõ điều này, Chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực không nhỏ nhằm cổ phần hóa các công ty quốc doanh, bắt đầu “ươm mầm” và nuôi dưỡng những công ty tư nhân – khởi đầu của những tập đoàn chaebol nổi tiếng thế giới như bây giờ.

Khác với các công ty quốc doanh, tại các công ty tư nhân, người “chỉ huy” chính là những người sáng lập, trực tiếp chịu trách nhiệm với cơ đồ của mình, những người coi sự sống còn của công ty chính là sự sống còn của bản thân. Từ trách nhiệm đó, các doanh nghiệp tư nhân Hàn Quốc đã ngày càng lớn và khu vực này đã trở thành một lực lượng thiết yếu, tạo động lực để một Hàn Quốc đầy tổn thương vực dậy từ đống đổ nát sau chiến tranh.

Song, dù có nhiều doanh nghiệp thành công lớn nhưng cũng có những doanh nghiệp tư nhân thất bại. Trong công cuộc gây dựng nên một nền kinh tế tư nhân mạnh mẽ, đã có không ít doanh nghiệp Hàn Quốc mình đầy “thương tích”.

Để doanh nghiệp tư nhân Hàn Quốc không đơn độc trên hành trình này, Hàn Quốc đã triển khai loạt chính sách tài khóa và tiền tệ chủ động. Dù là công ty nhỏ hay công ty lớn, lâu đời hay mới thành lập, tất cả đều được nhà nước trợ cấp tối đa và cung cấp tín dụng với nhiều ưu đãi, nới lỏng quy định quản lý tín dụng, giảm các hạn chế về tổng đầu tư...

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc.

Với những chính sách hỗ trợ đó, Hàn Quốc đã tạo ra những chaebol – các tập đoàn xuyên quốc gia, có vai trò ảnh hưởng dẫn đầu thị trường thế giới. Từ khi triển khai kế hoạch 5 năm đầu tiên của chính phủ Park Chung-hee vào năm 1962, Hàn Quốc chỉ mất 38 năm, tức tính đến năm 2000, để có loạt doanh nghiệp chaebol như Samsung, LG, KIA hay Hyundai…

Samsung, từ một cửa hàng bán gạo, vươn mình mở rộng sang nhiều lĩnh vực như dệt may, sản xuất, tài chính, và công nghệ, trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới. Hyundai từ một công ty sửa chữa ô tô “làng nhàng” đã vươn lên trở thành một trong 4 chaebol quyền lực nhất Hàn Quốc, góp mặt trong nhiều ngành, từ xây dựng đến điện tử, hóa chất và cả viễn thông. Hay như Lotte, ngoài chuỗi trung tâm thương mại hàng đầu trên toàn cầu, còn là “ông lớn” trong lĩnh vực hóa chất.

Chiến lược kinh tế của Hàn Quốc cũng chuyển từ công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu sang công nghiệp hoá định hướng xuất khẩu, tập trung phát triển các ngành công nghiệp nhẹ để nhắm mục tiêu xuất khẩu.

Thị trường nội địa của Hàn Quốc chỉ có 50 triệu dân nhưng thị trường toàn cầu có tới hơn 8 tỷ dân (tính đến tháng 11/2023). Đây cũng là lý do khiến Hàn Quốc hạn chế một số lĩnh vực kinh doanh như bất động sản do đây là lĩnh vực hạn chế, chỉ “hoạt động” được trong thị trường nội địa nên những năm trước đây, Hàn Quốc đã xây dựng nền kinh tế định hướng xuất khẩu, lấy công nghiệp và xuất khẩu là động lực chính để nâng đỡ nền kinh tế quốc gia.

Một ví dụ rất tốt là ngành công nghiệp hóa chất. Với điều kiện tự nhiên không mấy “dồi dào”, Hàn Quốc không có một giọt dầu thô nào và 100% dầu thô của Hàn Quốc đều được nhập khẩu từ nước ngoài. Song, Hàn Quốc lại là một trong những “đại gia” xuất khẩu hóa chất, có thể kể đến như xăng, dầu trên toàn cầu.

Ngoài xuất khẩu, Hàn Quốc cũng chú trọng phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp. Nói tiếp về ngành công nghiệp hóa chất, Hàn Quốc đã xây dựng hệ sinh thái tích hợp và đa ngành, bao gồm một mạng lưới các doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng, và nguồn lực liên kết chặt chẽ, từ sản xuất nguyên liệu cơ bản đến các sản phẩm hóa chất tinh vi. Hàn Quốc còn xây dựng một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và tích hợp giữa các ngành công nghiệp như hóa chất, ô tô, điện tử, và xây dựng, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng sản phẩm phụ từ quá trình lọc dầu và hóa dầu, cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác.

...đến bài học cho Việt Nam

Theo thống kê mới nhất, khu vực kinh tế tư nhân hiện đang đóng góp gần 45% GDP cả nước, khoảng 30% thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong hơn 30 năm qua, khối kinh tế tư nhân của Việt Nam thay đổi rõ rệt, từng ngày, từng giờ. Nhiều doanh nghiệp tư nhân có tầm ảnh hưởng ngày càng quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Nếu như những năm 1994, các doanh nghiệp nhà nước chi phối nhiều về kinh tế thị trường của Việt Nam thì giờ đây, sự xuất hiện của khối kinh tế tư nhân lại trở nên rõ nét hơn ở hầu hết mọi khía cạnh của nền kinh tế. Một câu nói của người Việt là “đẻ con ở Vinmec, đi học tại Vinschool, mua ô tô VinFast, ở chung cư Vinhomes, đi du lịch ở Vinpearl” là ví dụ điển hình nhất cho nhận định này. Ngoài ra, sự thành công của những tập đoàn tư nhân như Vietjet, Vinamilk, Hòa Phát… cũng đã trở thành niềm tự hào của người Việt.

Chính sách kinh tế của Việt Nam đã trở nên rất cởi mở và thông thoáng với nhiều cải thiện. Môi trường đầu tư của Việt Nam cũng đang tốt hơn so với nhiều nước khác. Nỗ lực thúc đẩy khối kinh tế tư nhân của cả Chính phủ lẫn người dân Việt Nam những năm qua rất đáng để ghi nhận.

Với thời kỳ dân số vàng, Việt Nam đang có rất đủ tiềm năng để phát triển nền kinh tế hơn nữa. Thế nhưng ở chiều ngược lại, đây cũng là thời điểm nguy cơ nhất bởi Việt Nam đang đứng trước hai ngả đường, hoặc là phải phát triển hơn nữa ngay từ bây giờ, hoặc là sẽ bị tụt lại phía sau và rất khó có thể vượt qua được những nước “trung bình” trong khu vực và trên thế giới.

Đại gia Samsung của Hàn Quốc đã xây dựng trung tâm R&D tại Hà Nội.

Việt Nam đang có rất nhiều tập đoàn lớn, đóng góp mạnh mẽ vào GDP của đất nước. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, Việt Nam chưa có một thương hiệu nào nổi tiếng toàn cầu, chứ chưa nói đến thương hiệu hàng đầu thế giới. Vietjet, Vinamilk, Viettel… là thương hiệu mà từ già đến trẻ, người Việt nào cũng biết đến nhưng vẫn chỉ là cái tên khá “mới mẻ” trên trường quốc tế. Điều này đối nghịch hoàn toàn khi nhắc đến Hàn Quốc, chỉ với vài giây suy nghĩ, người ta đã có thể đọc vanh vách các thương hiệu nổi tiếng như Samsung, LG, KIA…

Nếu muốn xây dựng mô hình “chaebol” như Hàn Quốc, điều quan trọng nhất là Việt Nam cần phải xây dựng được một thương hiệu vừa mang tính quốc gia, vừa mang tính quốc tế. Những thương hiệu chỉ tốt, chỉ nổi tiếng ở nội địa là chưa đủ, phải làm sao để “quốc tế hóa”, “toàn cầu hóa”. Khi Việt Nam sở hữu cho mình thương hiệu tầm cỡ, những sản phẩm hàng đầu thế giới, khi đó chaebol của Việt Nam sẽ xuất hiện.

Tiếp nữa, mặc dù FDI là một trong những điều kiện tương đối thuận lợi để Việt Nam phát triển kinh tế nhanh chóng nhưng cũng không thể “bỏ bê” các công ty nội địa. Trước đây, với lợi thể nhân công rẻ và tay nghề tốt, Hàn Quốc cũng từng có thời kỳ dựa nhiều vào các nhà đầu tư nước ngoài, song nội lực của một nền kinh tế vẫn nên xuất phát từ những doanh nghiệp nội địa khỏe mạnh.

Kinh doanh cũng giống như chiến trường, thậm chí có phần khốc liệt hơn, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu như hiện nay. Với những sửa đổi về thuế - một trong những điều lợi thế nhất của Việt Nam - đang dần mất đi, môi trường đầu tư và sức cạnh tranh của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp nước ngoài thời gian gần đây đã “dứt áo ra đi” khỏi Việt Nam.

Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, Việt Nam nên tận dụng các doanh nghiệp nước ngoài để tạo lực đẩy cho chuỗi cung ứng bản địa, từ đó nuôi dưỡng các doanh nghiệp nội địa năng động, tạo thành một hệ sinh thái nội địa. Từ những công ty gia công cho các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp nội địa có thể tiếp thu và học hỏi các công nghệ tiên tiến và trở thành những kẻ có đủ năng lực cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp FDI.

Nhưng để nuôi dưỡng những doanh nghiệp nội địa khỏe mạnh, Nhà nước phải có ngân sách dồi dào để hỗ trợ. Điều này, đối với một quốc gia đang phát triển là tương đối khó khăn.

Tuy nhiên, có một điều đáng mừng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng trung tâm khởi nghiệp sáng tạo cùng với nhiều chương trình thúc đẩy, hỗ trợ khởi nghiệp. Với một bước đệm như vậy, Việt Nam sẽ có thêm nhiều “nhân lực” tham gia vào chiến trường kinh doanh. Và dù trong số 100 doanh nghiệp khởi nghiệp, có tới 90% thất bại nhưng chỉ cần với 10% thành công, Việt Nam vẫn có thể “ươm mầm” những “chaebol” tương lai.

Để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, Việt Nam cũng nên tạo ra một không khí doanh nhân, tức “anh hùng hóa” những doanh nhân, những giáo sư, chuyên gia hàng đầu trong rộng khắp các lĩnh vực của nền kinh tế để làm sao cho ai cũng muốn làm và dám làm. Hàn Quốc đã xây dựng rất nhiều tháp vinh danh, kỷ niệm chương, huân chương cho những doanh nghiệp, doanh nhân có thành tựu lớn, đóng góp nhiều cho đất nước. Điều này chính là sự công nhận đối với những doanh nhân lớn – những anh hùng trong thời bình.

Sẽ rất nhanh những lợi thế vốn có của Việt Nam như “nhân công rẻ”, “dân số vàng” không còn. Nếu không bắt đầu từ bây giờ, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để duy trì đà phát triển, việc thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành động lực chính là cần thiết, thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, và nâng cao năng lực cạnh tranh. Chỉ khi khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ, Việt Nam mới có thể tạo ra những bước đột phá bền vững và thích ứng với các xu hướng kinh tế toàn cầu.

TheoKhánh Tú (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global