VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 2, 25/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpDoanh nghiệp Việt chưa chú trọng đến vấn đề bảo mật thông tin

Doanh nghiệp Việt chưa chú trọng đến vấn đề bảo mật thông tin

10:23:00 AM GMT+7Thứ 7, 09/11/2024

Theo kết quả khảo sát năm 2023, có khoảng 70% doanh nghiệp Việt không biết, hoặc không quan tâm đến các giải pháp an toàn thông tin trên môi trường số.

59% doanh nghiệp đã gặp một sự cố về an toàn thông tin

Chia sẻ tại phiên thảo luận về chủ đề “An toàn trong kỷ nguyên số” trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nhân nữ Việt Nam năm 2024 được tổ chức vào ngày 7/11, bà Bùi Thị Hải Yến - Chủ tịch Hiệp hội nữ Doanh nhân thành phố Hà Nội - cho biết: 9 tháng năm 2024, kết quả khảo sát cho thấy, 59% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã gặp một sự cố về an toàn thông tin.

Doanh nghiệp Việt chưa chú trọng đến vấn đề bảo mật thông tin
Phiên thảo luận về chủ đề “An toàn trong kỷ nguyên số” trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nhân nữ Việt Nam năm 2024. Ảnh NH

Tuy nhiên, cũng theo bà Bùi Thị Hải Yến, theo kết quả khảo sát năm 2023 với 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng 200 doanh nghiệp do nữ làm chủ, 70% doanh nghiệp Việt không biết, hoặc không quan tâm đến vấn đề an toàn thông tin, trong đó, 65% doanh nghiệp chưa từng bao giờ tham gia khóa đào tạo nào về an toàn thông tin.

Đây là thông tin đáng báo động, nhất là trong bối cảnh an ninh, an toàn thông tin đang là vấn đề “nhức nhối” không chỉ đối với cộng đồng doanh nghiệp, trong đó, có doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nữ, mà với cả mỗi người dân Việt Nam, thậm chí an ninh, an toàn trên không gian số còn là vấn đề đang được rất nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, tìm cách giải quyết.

Chia sẻ tại phiên thảo luận, ông Phạm Thái Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) – Cục An toàn Thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Vấn đề bảo mật, an ninh, an toàn thông tin là vấn đề của cả quốc gia, chứ không phải của riêng của một doanh nghiệp hay người dân nào.

Ông Phạm Thái Sơn cho rằng: Mỗi người, hàng ngày, hàng tuần đều nhận được rất nhiều cuộc gọi lừa đảo, “bản thân tôi khi nhận được cuộc gọi cũng không biết là lừa đảo hay họ đang sale cái gì cho mình. Đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp càng lớn thì có xu hướng đưa mọi thứ lên môi trường số ngày càng nhiều và điều đó khiến họ đối mặt với rủi ro ngày càng lớn” – ông Phạm Thái Sơn khẳng định và cho biết, trên thực tế thời gian qua, cũng có rất nhiều doanh nghiệp bị tấn công trên môi trường số, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và đối tác, khách hàng.

Tại phiên thảo luận, đại diện một doanh nghiệp cũng cho hay, trên website của doanh nghiệp cũng vừa bị mất rất nhiều thông tin. Tuy nhiên, khi liên hệ với đơn vị cung cấp dịch vụ website thì không giải quyết được triệt để, điều này gây ra những thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp cũng như đối tác của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Việt chưa chú trọng đến vấn đề bảo mật thông tin
Doanh nghiệp đang đối mặt với vấn đề mất an ninh trên môi trường số. Ảnh NH

Doanh nghiệp chủ động nhưng vẫn cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng

Dưới góc nhìn của ông Phạm Thái Sơn: An ninh mạng sẽ là nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.

Tuy nhiên, theo nhận định của các diễn giả tại sự kiện, thực tế cũng cho thấy, hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đến vấn đề an ninh, an toàn thông tin, mặc dù các thông tin trên môi trường số mà doanh nghiệp đang nắm giữ liên quan đến khách hàng, kế toán, sản phẩm, dịch vụ, các bí mật kinh doanh… chính là “tài sản” của doanh nghiệp.

Theo bà Bùi Thị Hải Yến, một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa chú trọng đến an ninh, an toàn thông tin trên môi trường số một phần là do, doanh nghiệp bị hạn chế về nguồn tài chính để triển khai các giải pháp bảo vệ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, quan điểm của người đứng đầu doanh nghiệp, sự thiết quyết liệt của người đứng đầu cũng khiến doanh nghiệp chưa “mặn mà” với việc bảo vệ thông tin trên môi trường số.

Bên cạnh sự chủ quan của cộng đồng doanh nghiệp, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ thông tin trên môi trường số cũng chưa được cơ quan chức năng quan tâm, chú trọng thời gian qua. Dưới góc độ tiếp cận này, bà Bùi Thị Hải Yến cho rằng, nên xây dựng một chương trình đào tạo và tài liệu đào tạo, tài liệu chuyên biệt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, để doanh nghiệp tiếp cận được các giải pháp bảo vệ thông tin phù hợp. Đồng thời, Chính phủ và các cơ quan địa phương nên hỗ trợ, tài trợ cho các chương trình đào tao này, vì nó là cách bảo vệ hữu hiệu nhất cho cộng đồng doanh nghiệp.

“Một quốc gia có doanh nghiệp khoẻ mạnh thì nhà nước mới thu được thuế” - bà Bùi Thị Hải Yến khẳng định và cho rằng, Chính phủ nên có biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ an ninh, an toàn thông tin cho doanh nghiệp. Ví dụ như miễn thuế đối với những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ an toàn thông tin, hay với doanh nghiệp mua sắm đầu tư về an toàn thông tin. Nếu những chính sách này được triển khai, thì không khác gì doanh nghiệp mua hàng mà được chiết khấu từ 5-10% giá trị, đối với nhà nước đó là một khoản tiền để “thức tỉnh” doanh nghiệp, còn đối với cộng đồng doanh nghiệp, khoản "chiết khấu" này sẽ tạo động lực vô cùng lớn, giúp doanh nghiệp chú trọng hơn đến vấn đề bảo mật thông tin.

Dưới góc độ nhà quản lý, ông Phạm Thái Sơn cho rằng, thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp bảo mật thông tin trên môi trường số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai một số giải pháp như nâng cao nhận thức thông qua đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo diện rộng về nguy cơ rủi ro về an ninh, an toàn thông tin để gửi tới các bộ, ngành, doanh nghiệp và công khai trên môi trường số. Cùng với đó, kết hợp với các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Meta, Tiktok… nhằm truyền thông về vấn đề an toàn thông tin để người dân, doanh nghiệp tiếp cận một cách hiệu quả về vấn đề này.

Theo các chuyên gia kinh tế, với xu hướng kinh doanh trên môi trường số ngày càng trở nên phổ biến, nên tất cả các “tài sản” của doanh nghiệp liên quan đến thông tin về khách hàng, kế toán… đều được quản lý trên môi trường mạng. Theo đó, vấn đề bảo vệ thông tin trên môi trường số đang rất cần được doanh nghiệp quan tâm, chú trọng.

TheoNguyễn Hòa (Báo Công Thương)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global