Thứ 3, 26/11/2024 | English | Vietnamese
01:29:00 PM GMT+7Thứ 4, 06/11/2024
Trước sự bành trướng của loạt sàn thương mại điện tử giá rẻ như Temu, 1688, Taobao..., doanh nghiệp nội địa lo ngại lép vế. Tuy nhiên, vẫn có doanh nghiệp tận dụng công nghệ, lội ngược dòng nhờ thương mại điện tử.
Mới đây, Bộ Công Thương đã phát văn bản cảnh báo khẩn về nguy cơ rủi ro đối với người tiêu dùng khi mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký tại Việt Nam, như Temu, Shein và 1688. Nhiều người tiêu dùng Việt Nam đang bị cuốn hút bởi sự đa dạng sản phẩm và mức giá rẻ từ các nền tảng này, nhưng việc mua sắm trên những nền tảng không được cơ quan nhà nước quản lý tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng.
Trong văn bản gửi đến các cơ quan liên quan, Bộ Công Thương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường truyền thông và hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện giao dịch trực tuyến. Bộ khuyến cáo, "tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử".
Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu các cơ quan chức năng chủ động làm việc với đội ngũ pháp lý của Temu để đảm bảo tuân thủ pháp luật Việt Nam. Nếu cần thiết, các đơn vị có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để áp dụng các giải pháp kỹ thuật phù hợp nhằm ngăn chặn các hoạt động không hợp pháp.
Như Nhadautu.vn đã thông tin, khi Temu bành trướng khắp các nền tảng mạng xã hội Việt Nam, đã làm dấy lên nhiều e ngại về tính cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa trong bối cảnh hàng hoá trên sàn Temu giá rẻ và được miễn phí ship.
Những lo ngại trên là có cơ sở. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia nhận định rằng, nếu làm tốt và biết cách tận dụng những lợi thế thương mại điện tử, doanh nghiệp Việt vẫn có cơ hội cạnh tranh hay thậm chí, tăng trưởng mạnh.
Trả lời Nhadautu.vn trước đó, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT, Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đang đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á trong việc đầu tư và phát triển TMĐT.
"Tốc độ tăng trưởng của TMĐT tại Việt Nam đạt khoảng 20 - 30%/năm trong khoảng 7 năm qua. Trong khi, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 đạt khoảng 350 tỷ USD, nhưng kim ngạch xuất khẩu qua TMĐT chỉ khoảng 5 - 6 tỷ USD. Nghĩa là, dư địa xuất khẩu qua TMĐT còn rất lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam", ông Thành khẳng định.
Năm 2023, doanh số TMĐT bán lẻ toàn cầu ước tính đạt 5.800 tỷ USD, và được dự báo sẽ tăng trưởng 39% trong những năm tới, kỳ vọng vượt mức 8.000 tỷ USD vào năm 2027. Sự sôi động của TMĐT toàn cầu mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội thương mại quốc tế.
Trong khi đó, thống kê của Amazon từ 2019 - 2023 cho thấy, trong 5 năm qua, hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu và mở rộng hoạt động kinh doanh toàn cầu với Amazon. Các doanh nghiệp không chỉ bán sản phẩm, mà còn tập trung xây dựng thương hiệu và củng cố sự hiện diện của mình trên trường quốc tế.
"Số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon từ các đối tác bán hàng Việt Nam tăng hơn 300%. Số lượng các đối tác bán hàng Việt Nam tham gia chương trình Đăng ký Thương hiệu (Brand Registry) của Amazon tăng gấp 35 lần. Top 5 danh mục sản phẩm có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất từ các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon gồm Sức khỏe & Chăm sóc cá nhân, Nhà cửa, Nhà bếp, May mặc và Làm đẹp. Những con số ấn tượng trên chứng minh tiềm năng, tiềm lực dồi dào của các doanh nghiệp Việt Nam để bứt tốc mạnh mẽ với TMĐT toàn cầu", ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nhận định.
APG Eco, Bông Bạch Tuyết... là những doanh nghiệp Việt đang tận dụng tốt lợi thế livestream thương mại điện tử của TikTok Shop. Trong khi, nhiều doanh nghiệp gỗ hoặc dược phẩm như CVI Pharma... đạt doanh thu 20.000 USD/tháng khi xuất khẩu hàng hoá qua Amazon.
APG Eco là doanh nghiệp chuyên bán gạo bằng hình thức livestream có mức tăng trưởng 600% trong năm qua. Doanh nghiệp này sở hữu lợi thế công nghệ và nguồn nguyên liệu khi có công ty mẹ là Công ty CP Chứng khoán APG.
Trong khi đó, Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI (CVI Pharma) thành lập từ tháng 3/2013, bởi ông Phan Văn Hiệu và ông Nguyễn Trường Thành. Ông Phan Văn Hiệu, sinh năm 1978 đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty này.
Hành trình 11 năm, từ một startup đến một công ty xuất khẩu toàn cầu, không hề dễ, nhất là khi CVI Pharma hoạt động trong một ngành đặc thù như dược phẩm. Câu trả lời cho thành công cho đến hiện tại của CVI Pharma, đến từ sự đầu tư bài bản và nghiêm túc.
Thành công đó có thể đến từ sự hậu thuẫn của từ Daiwa-Ssiam VietNam Growth Fund II L.P, quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản. Năm 2017, quỹ này chi hơn 5 tỷ đổi lấy 13,75% cổ phần CVI Pharma.
Đến năm 2021, công ty này tăng vốn điều lệ lên 75 tỷ đồng, trong đó có hơn 10,3 tỷ đồng từ quỹ Nhật Bản.
Những trường hợp trên là minh chứng cho việc các doanh nghiệp "non trẻ" nhưng vẫn tận dụng tốt lợi thế công nghệ để tăng trưởng.
Trong khi đó, Bông Bạch Tuyết là trường hợp "lội ngược dòng" điển hình của doanh nghiệp hơn 60 năm tuổi, đã từng có lúc hụt hơi trước những biến động thị trường.
Đây là một thương hiệu y tế lâu đời tại Việt Nam, đã góp phần quan trọng vào chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các sản phẩm vệ sinh chất lượng cao. Với hơn 60 năm hoạt động, công ty đã từng thống lĩnh thị trường bông y tế và chiếm tới 90% thị phần bông y tế cả nước, cũng như 30% thị phần băng vệ sinh phụ nữ.
"Giai đoạn hoàng kim" của Bông Bạch Tuyết gắn liền với những năm 1997 - 2002 khi sản phẩm bông y tế của công ty chiếm tới 90% thị phần cả nước, trong khi thị phần băng vệ sinh phụ nữ đạt 30%. Công ty đã trở thành công ty cổ phần và niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam vào năm 2004. Tuy nhiên, sau đó, Bông Bạch Tuyết đã gặp phải các khó khăn trong quản lý và hoạt động kinh doanh. Việc nhập khẩu thêm máy móc sản xuất không cân đối với khả năng bán hàng đã khiến công ty gặp lỗ liên tiếp trong nhiều năm. Năm 2008, Bông Bạch Tuyết đã phải rời khỏi sàn chứng khoán và đối mặt với một khoản nợ khổng lồ. Trong giai đoạn này, thị phần của công ty cũng giảm xuống khoảng 60% trong lĩnh vực bông y tế và chỉ còn 3% trong lĩnh vực băng vệ sinh phụ nữ.
Thương mại điện tử đã mang tới cho thương hiệu này một hướng đi mới. Quyết tâm làm mới sản phẩm, thay đổi phương thức bán hàng và đầu tư mạnh mẽ vào tiếp thị liên kết trên TikTok Shop, Bông Bạch Tuyết đã từng bước đến gần hơn với tập khách hàng trẻ trên TikTok Shop. Nỗ lực này được thể hiện rõ rệt qua mùa siêu mua sắm 9/9; Bông Bạch Tuyết đã thực hiện hơn 4.000 phiên livestream kết hợp với các Affiliate Creator, đạt mức doanh thu đóng góp tới gần 50% tổng doanh thu của doanh nghiệp (thời gian chiến dịch từ ngày 1 đến ngày 9/9). Hành trình tham gia TikTok Shop của Bông Bạch Tuyết là ví dụ điển hình của một doanh nghiệp truyền thống lội ngược dòng nhờ tận dụng hiệu quả giải pháp Thương mại điện tử TikTok Shop.
11:33:00 AM GMT+7Thứ 2, 25/11/2024
11:32:00 AM GMT+7Thứ 2, 25/11/2024
11:31:00 AM GMT+7Thứ 2, 25/11/2024
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global